Mục nghiên cứu, trao đổi pháp luật – Bàn về vấn đề nên bỏ hay không bỏ hình phạt cảnh cáo trong Bộ luật hình sự Việt Nam

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta đang diễn ra với tốc độ ngày càng cao, với quy mô ngày càng lớn. Trước bối cảnh đó, pháp luật hình sự Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải hoàn thiện. Vì vậy, nghiên cứu đánh giá một cách tổng thể các quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành trong đó có các quy định về hình phạt cảnh cáo là vấn đề cấp thiết. Hiện nay trên diễn đàn khoa học đang có hai quan điểm tranh luận về hình phạt cảnh cáo trong Bộ luật hình sự Việt Nam (BLHS), quan điểm thứ nhất: nên bỏ hình phạt cảnh cáo, quan điểm thứ hai: nên giữ hình phạt cảnh cáo trong BLHS Việt Nam. Dưới khía cạnh nghiên cứu, trao đổi pháp luật  tác giả xin đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.

Trong xã hội, tội phạm phát sinh không chỉ khác nhau về hình thức thể hiện mà còn có sự khác nhau về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội. Chính vì vậy để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhà nước tất yếu phải qui định các chế tài hình sự khác nhau để xử lý tội phạm trong đó chủ yếu là hình phạt. Theo quy định tại Điều 26, BLHS: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền và lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong BLHS và do tòa án quyết định”.

Hệ thống hình phạt theo quy định của BLHS Việt Nam được chia thành hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Theo quy định tại Điều 28 BLHS, các hình phạt chính bao gồm:

+ Cảnh cáo

+ Phạt tiền

+ Cải tạo không giam giữ

+ Trục xuất

+ Tù có thời hạn

+ Tù chung thân

+ Tử hình

Cảnh cáo là một hình phạt chính trong hệ thống hình phạt theo quy định của BLHS Việt Nam. Về cơ cấu trong tổng số 276 điều luật của phần các tội phạm của BLHS thì số điều luật quy định về hình phạt cảnh cáo tại phần các tội phạm là 36/276 điều chiếm tỉ lệ 13,04%, trong đó: Chương XI có 0 (Điều); Chương XII có 7 (Điều); Chương XIII có 8 (Điều); Chương XIV có 1 (Điều); Chương XV có 6 (Điều); Chương XVI có 3 (Điều); Chương XVII có 0 (Điều); Chương XVIII có 0 (Điều); Chương XIX có 1 (Điều); Chương XX có 5 (Điều); Chương XXI có 1 (Điều); Chương XXII có 3 (Điều); Chương XXIII có 1 (Điều); Chương XXIV có 0 (Điều).

Hình phạt cảnh cáo được quy định tại Điều 29 BLHS. Tuy nhiên BLHS chưa đưa ra được khái niệm của hình phạt cảnh cáo. Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Trường Đại học luật Hà Nội viết: “Cảnh cáo là sự khiển trách công khai của nhà nước đối với người phạm tội”[1]. Trong Từ điển luật hình sự, hình phạt cảnh cáo được hiểu là “hình phạt công khai lên án, phê phán của tòa án đối với người phạm tội” [2]. Như vậy, nội dung của hình phạt cảnh cáo là sự khiển trách công khai của nhà nước do Toà án quyết định áp dụng đối với người phạm tội, thể hiện thái độ lên án đối với người phạm tội. Bên cạnh đó, hình phạt cảnh cáo cũng chứa đựng nội dung giáo dục người phạm tội sâu sắc, vì thế hình phạt này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta.

Trong số các hình phạt chính, cảnh cáo là hình phạt có tính nghiêm khắc nhẹ nhất vì nó không tước bỏ hoặc hạn chế bất cứ quyền lợi nào của người bị kết án như quyền tự do, quyền sống, quyền sở hữu tài sản mà chỉ gây tổn thất về tinh thần đối với họ. 

Điều 29 BLHS đã đưa ra điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo đó là: “cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt”. Như vậy, điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo gồm:

– Tội phạm mà người phạm tội thực hiện phải là tội ít nghiêm trọng.

Tội phạm ít nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3, Điều 8, BLHS là “tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù”. Như vậy, việc xác định tội phạm ít nghiêm trọng phải được căn cứ vào hậu quả đối với xã hội do hành vi phạm tội gây ra. Đó là hành vi gây hậu quả không lớn, hậu quả của hành vi gây nên chưa ảnh hưởng nặng nề đến đời sống xã hội, nền kinh tế và chế độ chính trị của đất nước, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù  (có thể là 3 năm nhưng cũng có thể là dưới 3 năm). Ví dụ: Tội không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 102), tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123), tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 146) …

– Tội phạm mà người đó thực hiện phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Được coi là nhiều tình tiết giảm nhẹ khi có từ hai tình tiết trở lên được quy định tại Điều 46 BLHS. Như vậy, có thể có 1 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và 1 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2, Điều 46, thậm chí cả 2 tình tiết giảm nhẹ đều được quy định tại khoản 2, Điều 46 (trường hợp này toà án phải ghi rõ trong bản án là tình tiết nào và vì sao lại áp dụng tình tiết đó).

– Tội phạm mà người đó thực hiện chưa đến mức miễn hình phạt. Theo Điều 54, BLHS thì: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, Điều 46 của bộ luật này, đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”. Như vậy, trong trường hợp người phạm tội được miễn hình phạt thì tội phạm mà họ đã thực hiện phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, Điều 46 BLHS và họ đáng được khoan hồng đặc biệt, còn người bị áp dụng hình phạt cảnh cáo thì không được khoan hồng đặc biệt, vì vậy họ không được miễn hình phạt. Trong thực tế, việc lựa chọn khả năng miễn hình phạt hay áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS không phải trong trường hợp nào cũng dễ dàng. “Ranh giới giữa hai khả năng xử lí không lớn nhưng hậu quả pháp lí lại hoàn toàn khác nhau”[3]. Để áp dụng hình phạt cảnh cáo có hiệu quả thì phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện trên.

Liên quan đến hình phạt cảnh cáo hiện nay trên diễn đàn khoa học tồn tại 2 quan điểm[4]. Quan điểm thứ nhất cho rằng nên bỏ hình phạt cảnh cáo vì nội dung cưỡng chế quá thấp do vậy hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm không cao. Quan điểm thứ hai cho rằng nên giữ lại hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt vì sự tồn tại hình phạt này là cần thiết, là cầu nối giữa xử lí vi phạm với xử lí tội phạm. Đồng thời, cảnh cáo thể hiện rõ chính sách nhân đạo trong xử lí tội phạm của nhà nước ta.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất nên bỏ hình phạt cảnh cáo bởi vì:

Về mặt lí luận, với tư cách là một hình phạt, cảnh cáo cũng phải thể hiện được bản chất của hình phạt đó là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước nhằm tước bỏ hay hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Tuy nhiên hình phạt này không thể hiện được điều đó mà nó chỉ gây tổn thất về tinh thần đối với người bị kết án. Khi quy định về hình phạt này, Nhà nước mong muốn sau khi người phạm tội chịu sự lên án của nhà nước, người phạm tội sẽ nhận thức được đúng sai, thấy được lỗi lầm của mình. Nhưng mục đích đó đâu phải lúc nào cũng đạt được, bởi nó còn tuỳ thuộc vào nhận thức, tâm lí của từng cá nhân người phạm tội.

Cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất trong hệ thống hình phạt nên nó được xem như là cầu nối giữa xử lí vi phạm pháp luật với xử lí tội phạm. Tuy nhiên, “nếu muốn có cầu nối giữa xử lí vi phạm với xử lí tội phạm thì phạt tiền vẫn có thể đáp ứng yêu cầu này (với mức phạt không cao lắm và phải trong giới hạn BLHS quy định), còn trong trường hợp điều luật về tội cụ thể không quy định hình phạt tiền thì có thể áp dụng cải tạo không giam giữ và như vậy, nguyên tắc nhân tạo vẫn được đảm bảo trong trường hợp này”.[5]

Về mặt thực tiễn, mục đích chính của việc quy định hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt là giúp toà án khi xét xử phân hoá được TNHS tuỳ theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy hình phạt cảnh cáo được các Toà án áp dụng rất ít. Khi Toà án tuyên bị cáo phạm tội cụ thể với hình phạt cảnh cáo là chấm dứt quy trình tố tụng, bị cáo chỉ việc ra về. Với số ít người bị áp dụng hình phạt cảnh cáo đã đủ để họ cảnh tỉnh, tự giác cải tạo tốt nhưng với những người mà ý thức pháp luật không tốt thì cảnh cáo không có tác động tích cực gì đối với họ (mặc dù mang án tích 1 năm), do đó không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh và phòng chống tội phạm. Vì vậy, loại bỏ hình phạt cảnh cáo ra khỏi hệ thống hình phạt là hợp lí về cả lí luận và thực tiễn. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới. Ví dụ: BLHS Liên bang Nga, Liên bang Đức, Pháp, Thụy Điển, Trung Quốc, Nhật Bản… đều không có quy định hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt của mình.

Hình phạt cảnh cáo là hình phạt mang tính nghiêm khắc nhẹ nhất trong các hình phạt chính. Xuất phát từ tính cưỡng chế thấp, không thể hiện được bản chất của hình phạt và xuất phát từ thực tiễn yêu cầu đấu tranh và phòng chống tội phạm tác giả cho rằng sẽ là hợp lý nếu xem xét, nghiên cứu theo hướng loại bỏ hình phạt cảnh cáo ra khỏi hệ thống hình phạt. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới. Vì vậy, Điều 28 BLHS nên sửa đổi như sau:

“1. Các hình phạt chính bao gồm:

a, Phạt tiền

b, Cải tạo không giam giữ

c, Trục xuất

d, Tù có thời hạn

đ, Tù chung thân

e, Tử hình”.

Lý Văn Tầm – VKSND huyện Lục Yên



[1] Xem: Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, NXB Công an nhân dân, 2009, tr. 230.

[2] Xem: PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hòa, PGS. TS. Lê Thị Sơn, Từ điển pháp luật hình sự, NXB Tư pháp, 2006, tr. 32.

[3] Xem: Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, NXB Công an nhân dân, 2009, tr. 230.

[4] Xem: TS. Dương Tuyết Miên, Hoàn thiện qui định của BLHS năm 1999 về hệ thống hình phạt trong xu thế hội nhập quốc tế, trong sách: Pháp luật Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, NXB Công an nhân dân, 2009, tr. 272,273.

[5] Xem: TS. Dương Tuyết Miên, Hoàn thiện qui định của BLHS năm 1999 về hệ thống hình phạt trong xu thế hội nhập quốc tế, trong sách: Pháp luật Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, NXB Công an nhân dân, 2009, tr. 272,273

Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động và rút kinh nghiệm
Viện kiểm sát Văn Chấn kiểm sát trực tiếp việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Chấn
Viện kiểm sát thành phố Yên Bái làm tốt công tác kiểm sát các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính, kinh tế và lao động
Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án dân sự tại Chi cục THADS huyện Lục Yên
Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên chú trọng công tác tuyên truyền triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu tham gia giảng dạy và tuyên truyền pháp luật cho học sinh trung học.
VKSND HUYỆN VĂN CHẤN PHÊ CHUẨN QUYẾT ĐỊNH KHỞI TỐ BỊ CAN, LỆNH TẠM GIAM BỊ CAN SÙNG THỊ DỦ
Đại hội Hội Luật gia Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình khóa I nhiệm kỳ 2014 – 2019
Viện kiểm sát huyện Lục Yên kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án hình sự đối với UBND cấp xã
Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Yên kiểm sát trực tiếp về thi hành án hình sự tại UBND các xã
Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án dân sự tại Chi cục THADS huyện Lục Yên
Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên chú trọng công tác tuyên truyền triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Viện kiểm sát huyện Lục Yên kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án hình sự đối với UBND cấp xã
Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp
Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên – Họp liên ngành Kiểm sát, Tòa án thống nhất thực hiện Thông tư số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC
VKSND huyện Lục Yên Họp liên ngành thống nhất thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC
Một số khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành án treo
VKSND huyện Lục Yên, Yên Bái: Thực hiện tốt công tác phụ trách địa bàn xã
Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái tăng cường công tác kiến nghị, kháng nghị trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết án dân sự