Một số khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành án treo

Luật thi hành án hình sự được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 là một bước tiến lớn trong công tác thi hành án hình sự nói chung và thi hành án treo nói riêng. Qua hơn hai năm thi hành Luật Thi hành án hình sự bước đầu đã phát huy được hiệu quả trong thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác kiểm sát việc thi hành án treo, chúng tôi nhận thấy Luật thi hành án hình sự còn một số vướng mắc, khó khăn sau cần phải hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, thực hiện đúng quy định của Luật thi hành án hình sự:

Tại khoản 1, Điều 62 Luật thi hành án hình sự quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có nhiệm vụ triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện hợp pháp của người được hưởng án treo là người chưa thành niên đến trụ sở cơ quan thi hành án để ấn định thời gian người được hưởng án treo phải có mặt tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc và cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ thi hành án”. Quy định như trên rất chi tiết, cụ thể và có tính chặt chẽ nhưng trong thực tiễn phát sinh trường hợp người được hưởng án treo không có mặt tại địa phương, không rõ đi đâu, làm gì nên cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện không thể triệu tập đến để viết bản cam kết và ấn định thời gian người được hưởng án treo có mặt tại UBND cấp xã. Hiện Luật thi hành án hình sự không có quy định trường hợp này và cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn giải quyết vấn đề trên ra sao nên đã gây lúng túng cho các cơ quan có trách nhiệm thi hành án và trên thực tế việc thi hành án đối với những trường hợp này không thể tiến hành và bỏ lửng.

Tại điểm đ, khoản 1 Điều 63 Luật thi hành án hình sự quy định một trong những  nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo là: “Giải quyết cho người được hưởng án treo được vắng mặt ở nơi cư trú theo quy định của Luật này và pháp luật về cư trú”. Đối với nhiều bị án có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên để giúp đỡ gia đình, cải thiện cuộc sống họ phải đi làm thuê ở nơi khác, thậm chí rất xa. Vì vậy, trong thời gian chấp hành án họ không có mặt ở địa phương, nên nhiều nghĩa vụ của người chấp hành án không được thực hiện như: không có bản tự nhận xét của cá nhân họ (3 tháng 1 lần) để lưu vào hồ sơ; họ không thể có mặt khi UBND cấp xã yêu cầu…Trên thực tế việc quản lý, giám sát, giáo dục của UBND cấp xã đối với những trường hợp này chỉ trên giấy tờ, ngay cả trường hợp Luật thi hành án hình sự có quy định nếu người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng, thì phải có nhận xét của Công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình với Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó cũng không thể thực hiện được. Bởi vì, có những trường hợp địa điểm mà các bị án đi làm thuê không cố định, thường xuyên di chuyển…vì thế nên lưu trú không rõ ràng nên việc thực hiện quy định trên là rất khó.

Tại điều Điều 67 Luật thi hành án hình sự quy định:Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 64 của Luật này và đã bị nhắc nhở từ hai lần trở lên mà tiếp tục vi phạm nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục phải phối hợp với cơ quan, tổ chức, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở tổ chức họp tại cộng đồng dân cư nơi người được hưởng án treo cư trú, làm việc để kiểm điểm người đó; trường hợp người được hưởng án treo đang làm việc tại đơn vị quân đội thì việc kiểm điểm được thực hiện tại đơn vị quân đội nơi người đó làm việc.

Việc kiểm điểm phải được lập thành biên bản, lưu hồ sơ thi hành án treo và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu”. Quy định này trong thực tiễn cũng gặp vướng mắc, đó là: có những trường hợp người được hưởng án treo không chịu tu dưỡng, rèn luyện vẫn còn có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian thử thách như: trộm cắp vặt, đánh bạc, hút chích ma túy…nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc vi phạm diễn ra nhiều lần nhưng hệ quả pháp lý chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở và nếu từ hai lần nhắc nhở trở lên thì thực hiện việc kiểm điểm đối với những người đó thì không hợp lý, cần có một chế tài mạnh hơn để giải quyết vấn đề này.

Từ những khó khăn vướng mắc trên, chúng tôi thiết nghĩ cần có những hướng dẫn của các cơ quan chức năng hoặc phải sửa đổi bổ sung Luật thi hành án hình sự, theo đó cần bổ sung những chế tài mạnh để việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo được chặt chẽ, có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Lý Văn Tầm – VKSND huyện Lục Yên, Yên Bái

Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên mới
Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu tham gia đấu tranh phá bỏ trồng cây thuốc phiện
Lãnh đạo VKSND huyện Yên Bình thăm và chúc tết tại xã Xuân Long, huyện Yên Bình
Các cơ quan tố tụng huyện Văn Chấn phối hợp giải quyết án trọng điểm
VKSND huyện Lục Yên, Yên Bái: Thực hiện tốt công tác phụ trách địa bàn xã
Trạm Tấu Hai ngày xảy ra 2 vụ đập phá két sắt trộm cắp tài sản
Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái tăng cường công tác kiến nghị, kháng nghị trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết án dân sự
VKSND huyện Lục Yên, Yên Bái: Thực hiện tốt công tác phụ trách địa bàn xã
Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái tăng cường công tác kiến nghị, kháng nghị trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết án dân sự