Những khó khăn, vướng mắc khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính về đất đai và giải pháp để khắc phục

Những năm gần đây tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng liên tục phát triển, điều đó có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; song thực tế sự phát triển đó cũng dẫn đến công tác quản lý nhà nước về đất đai gặp nhiều khó khăn, phát sinh nhiều vụ khiếu kiện, vụ án hành chính kéo dài liên quan đến các vấn đề về tranh chấp đất đai.

Nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý đất đai qua các thời kỳ còn chưa chặt chẽ, có nhiều bất cập, hồ sơ địa chính chưa được lập, quản lý theo đúng quy định, chưa đầy đủ; việc cập nhật, chỉnh lý thông tin quy hoạch sử dụng đất, biến động đất đai chưa được thường xuyên dẫn đến việc tham mưu, cung cấp thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác; trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhiều tồn tại về trình tự, thủ tục, công tác đo đạc không chính xác, nhầm lẫn sai sót về diện tích, số thửa hoặc bị chồng lấn; công tác bồi thường, giải tỏa còn nhiều hạn chế, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân và quyền của người sử dụng đất đã được pháp luật công nhận; chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, đặc biệt trong định giá bồi thường tái định cư, thu hồi giá thấp nhưng giao đất lại giá quá cao; công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai tại cấp cơ sở hiệu quả chưa cao, thiếu kịp thời, không dứt điểm…

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, điển hình là việc không ít các vụ kiện người đại diện không tham gia phiên Tòa theo triệu tập của Tòa án. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của người đứng đầu cơ quan hành chính chưa nghiêm; việc xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm trong việc tham mưu, ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính chưa được thực hiện hiệu quả. Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ … trong đó có yêu cầu việc chấp hành nghiêm các Điều 55, 60 và Điều 78 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, giải trình và cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định. Xác định đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân… Đối với ngành Kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính …; xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính…

Với địa phương tỉnh Yên Bái, những năm qua do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các tranh chấp đất đai xảy ra trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, tính riêng 10 tháng năm 2021 (theo thời điểm năm công tác từ 01/12/2020 đến 30/9/2021) Toà án nhân dân tỉnh Yên Bái đã thụ lý và giải quyết tổng số 52 vụ án (dân sự 35 vụ, hành chính 17 vụ) mà việc khởi kiện, khiếu kiện liên quan đến tranh chấp đất đai. Các tranh chấp phổ biến Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái thụ lý, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái kiểm sát việc thụ lý giải quyết cụ thể như sau:

– Lĩnh vực dân sự phổ biến là tranh chấp quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (12 vụ/35 vụ thụ lý chiếm 34,3%); tranh chấp về quyền sử dụng đất, bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và hủy quyết định cá biết trong lĩnh vực quản lý đất đai (2 vụ/35 vụ thụ lý chiếm 0,57%); các tranh chấp về lối đi chung, về ranh giới quyền sử dụng đất, về quyền sử hữu tài sản là đất (9 vụ/35 vụ thụ lý chiếm 25,7%); các tranh chấp về hợp đồng mua bán hoặc công nhận quyền sử dụng đất, về tài sản bị cưỡng chế để thi hành án, về tài sản thừa kế là đất, về hợp đồng vô hiệu liên quan đến việc chuyển nhượng đất (5 vụ/35 vụ thụ lý chiếm 14,2%).

– Lĩnh vực án hành chính các vấn đề khởi kiện liên quan đến khởi kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai (10 vụ/17 vụ thụ lý chiếm 58,8%); khiếu kiện hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai (5 vụ/17 vụ thụ lý chiếm 29,4%).

Qua thực tiễn công tác, thấy có những khó khăn, vướng mắc khi tiến hành kiểm sát việc giải quyết của Tòa án đối với các vụ án hành chính về đất đai như sau:

– Về xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính: Trong vụ án khởi kiện yêu cầu huỷ quyết định hành chính, người khởi kiện yêu cầu huỷ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp ban đầu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mới. Vướng mắc, khó khăn cho các cơ quan tố tụng là phải hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào (mới hay cũ). Thực tế chưa có quy định cụ thể nào về việc thu hồi, thay thế giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ, bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.

– Về lý do quyết định hành chính bị khởi kiện: Do cơ quan Nhà nước có sai sót trong việc chấp hành trình tự, thủ tục khi ban hành văn bản, thực hiện hành vi hành chính, dẫn đến quyết định, hành vi hành chính bị khiếu kiện nhiều, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Cụ thể, khi thu hồi đất phục vụ triển khai thực hiện một số dự án, UBND không ban hành quyết định thu hồi đất riêng cho từng cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất mà lại ban hành một quyết định thu hồi đất chung cho tất cả diện tích đất thu hồi để phục vụ dự án, đồng thời kèm theo danh sách chi tiết về diện tích đất của các tổ chức, cá nhân bị thu hồi. Việc làm này đã dẫn đến nhiều trường hợp cá nhân khởi kiện cho rằng UBND thu hồi đất để phục vụ dự án nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất cá biệt là không đúng quy định của pháp luật; hoặc trường hợp thu hồi đất phục vụ dự án nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất; ban hành quyết định thu hồi đất nhưng không ban hành quyết định hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó.

– Khó khăn trong việc yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ tại cơ quan quản lý nhà nước về đất đai: Luật tố tụng hành chính năm 2015 và Thông tư liên tịch số 03/2016 ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao không quy định cụ thể về thời điểm, thời hạn Viện kiểm sát được chuyển tài liệu, hồ sơ ban đầu cũng như việc sao chụp các tài liệu để nghiên cứu khi cần thiết để thực hiện quyền yêu cầu xác minh thu thập tài liệu chứng cứ. Trong khi đó thời hạn để Viện kiểm sát vừa sao chụp vừa nghiên cứu hồ sơ chỉ có 15 ngày, do vậy đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện quyền yêu cầu xác minh,thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát.Thực tiễn giải quyết một số vụ án cho thấy trong hầu hết các vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất, Toà án đều phải tiến hành xác minh về nguồn gốc đất, thủ tục cấp đất tại cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, đây là chứng cứ quan trọng. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, việc xác minh tại cơ quan quản lý không đạt được kết quả thỏa đáng, thể hiện ở việc không thu thập được hồ sơ kỹ thuật thửa đất, không có trích lục bản đồ, không có hồ sơ, tài liệu về việc cấp đất, hồ sơ lưu trữ của UBND không có tài liệu gì về thửa đất tranh chấp, thời gian cung cấp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ trích lục đo thực trạng sử dụng đất kéo dài, cung cấp các tài liệu đều là bản chụp đơn giản. Có trường hợp Tòa án nhiều lần có công văn yêu cầu cung cấp tài liệu nhưng cơ quan chức năng không phối hợp cũng như không có văn bản trả lời về việc cung cấp tài liệu hoặc có văn bản trả lời nhưng chỉ mang tính chất chung chung, không cụ thể rõ ràng. Do sự phối hợp của cơ quan chức năng có thẩm quyền như đã nêu nên nội dung này trong quá trình Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên tòa lại tiếp tục yêu cầu Tòa án nhưng ít đạt được kết quả cao; việc không cung cấp tài liệu chứng cứ dẫn tới việc giải quyết vụ án của Tòa án bị kéo dài về mặt thời gian, không đảm bảo về thời hạn tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trong vụ án. Mặc dù có quy định cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát, nếu không cung cấp đầy đủ, kịp thời thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật nhưng thực tế chưa có hướng dẫn cụ thể.

-Về việc viết bản tự khai của người bị kiện, người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện: Người bị kiện trong vụ án hành chính là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính… bị khởi kiện. Trong các vụ án hành chính liên quan đến đất đai đã giải quyết thời gian qua người bị kiện là Chủ tịch UBND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện; thực tế thấy rằng người bị kiện ít trực tiếp tham gia tố tụng, thường ủy quyền cho cấp phó làm người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện. Về cơ bản người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện tham gia và đã thực hiện cơ bản  quyền, nghĩa vụ được quy định tại các Điều 53, 57, 60, 78, 83, 84 của Luật tố tụng hành chính. Theo quy định, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án nhân dân thì người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình về yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo hoặc yêu cầu độc lập (nếu có), trường hợp cần gia hạn thì phải có đơn xin gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do để Tòa án xem xét. Thực tế qua giải quyết cho thấy người bị kiện, người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện đều là các chủ thể đặc biệt, có những ảnh hưởng về chính trị nói chung và ảnh hưởngnhất định đối với các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương nói riêng, do vậy họ thường rất chậm trễ trong việc thực hiện các yêu cầu của Thẩm phán, của cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc trong việc thực hiện họ lấy danh nghĩa chính quyền. Cụ thể, có những vụ án đã giải quyết người bị kiện là Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện nhưng không thực hiện viết bản tự khai của cá nhân nêu ý kiến của mình về yêu cầu khởi kiện mà lại gửi công văn nêu ý kiến thể hiện quan điểm của chính quyền… gây khó khăn cho Tòa án và Viện kiểm sát trong việc thực hiện các quyền khi tiến hành tố tụng.

-Về việc người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa: Người bị kiện trong các vụ án hành chính là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước, bao gồm: Chủ tịch UBND; UBND cấp tỉnh, huyện. Tuy nhiên, vì nhiều lý do người bị kiện đã làm đơn xin hoãn phiên tòa nhiều lần, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; trong quá trình giải quyết không trực tiếp hoặc từ chối đối thoại với người khởi kiện (có thể chỉ gửi văn bản thể hiện quan điểm). Theo quy định tại Điều 158 Luật tố tụng hành chính, trường hợp đương sự vắng mặt có lý do thì Tòa án mở phiên tòa xét xử vụ án; việc xin xét xử vắng mặt tuy không trái quy định pháp luật nhưng đã gây khó khăn cho công tác giải quyết vụ án bởi lẽ Hội đồng xét xử trong nhiều trường hợp không đủ điều kiện làm rõ các nội dung liên quan đến việc khởi kiện; không đối thoại để thỏa thuận được với người khởi kiện hoặc trong trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì phải được sự đồng ý của người bị kiện.

Các  giải phápđã áp dụng nhằm khắc phục những khó khăn vướng mắc khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính về đất đai của Tòa án:

Giải pháp chung: Để phần nào tháo gỡ những vướng mắc như nêu trên VKSND tỉnh Yên Bái và TAND tỉnh Yên Bái đã thống nhất xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng quy chế đã góp phần tăng cường trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính; tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và phối hợp giữa VKSND và TAND tỉnh Yên Bái trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Giải pháp riêng:

-Thực hiện kiểm sát tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính, Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định của Điều 43 của Luật tố tụng hành chính. Trên cơ sở Quy chế phối hợp, mỗi Kiểm sát viên có sự phối hợp tốt với Thẩm phán để tiếp cận được ngay từ khi Tòa án nhận đơn khởi kiện của đương sự, kiểm sát chặt chẽ việc nhận đơn khởi kiện và trả lại đơn khởi kiện, không để xảy ra tình trạng bị thụ động khi Tòa án, Thẩm phán đã trả lại đơn cho đương sự mới nắm được. Quá trình Tòa án thụ lý vụ án hành chính Kiểm sát viên được phân công chủ động và thường xuyên phối hợp với Thẩm phán đặc biệt lưu ý về hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh, việc thẩm định tại chỗ, việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.

– Để thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính, các Quy chế, quy định nghiệp vụ của ngành về thời hạn tố tụng đối với hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật, VKSND tỉnh Yên Bái đã ban hành quy định thực hiện thời hạn giải quyết trong các giai đoạn tố tụng. Trên cơ sở loại việc, thời hạn quy định mỗi chức danh tư pháp phải hoàn thành tố tụng sớm hơn hoặc phải đảm bảo thời hạn tố tụng quy định; thông qua đó để đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động tố tụng, nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ của Kiểm sát viên.

Tóm lại: Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính là một trong những chức năng quan trọng của Ngành, đây cũng là lĩnh vực công tác rất khó khăn và nhạy cảm. Qua thực tiễn công tác thời gian qua cho thấy còn một số vụ án Toà án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu của Viện kiểm sát do nhiều nguyên nhân như đã phân tích nêu trên, và vấn đề đáng quan tâm nhất phải kể đến là việc chấp hành thời gian tố tụng của người bị kiện khi Cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Mặc dù có những khó khăn, vướng mắc xong Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Yên Bái đã không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình,chủ động trau dồi kiến thức, tích luỹ kinh nghiệm, xác định bản lĩnh thực thi công vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính.

Lân Thị Ngọc Hoa – Phòng 9

Áp dụng sáng kiến nâng cao chất lượng công tác chuyên môn trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái
Nhìn lại hai năm thực hiện Kế hoạch số 159/KH-VKSTC ngày 17/9/2019 của Viện trưởng, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao
Những kết quả đạt được trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật trong 10 tháng qua của Phòng 9 -Viện KSND tỉnh Yên Bái
Nâng cao chất lượng công tác kháng nghị, kiến nghị đối với các vụ án hành chính, vụ việc dân sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái
Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái sơ kết công tác 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021
VKSND tỉnh Yên Bái và Tòa án cùng cấp phối hợp trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ
Từng bừng ngày 26/3
Áp dụng sáng kiến nâng cao chất lượng công tác chuyên môn trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái
Chi hội Luật gia VKSND tỉnh Yên Bái tham dự hội nghị tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường
Nhìn lại hai năm thực hiện Kế hoạch số 159/KH-VKSTC ngày 17/9/2019 của Viện trưởng, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao
Những kết quả đạt được trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật trong 10 tháng qua của Phòng 9 -Viện KSND tỉnh Yên Bái
Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng 7
VKSND tỉnh Yên Bái kiểm sát trực tiếp Cơ quan Thi hành án hình sự Công tỉnh Yên Bái năm 2021
Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng VKSND huyện Trấn Yên
Nâng cao chất lượng công tác kháng nghị, kiến nghị đối với các vụ án hành chính, vụ việc dân sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái
Đoàn kiểm tra VKSND tỉnh Yên Bái kiểm tra công tác kiểm sát năm 2021 tại VKSND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái
Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh VKSND tỉnh Yên Bái ra quân “Ngày Chủ nhật xanh”