VKSND huyện Văn Chấn phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm
Các phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, đã trực tiếp tác động đến ý thức, trách nhiệm và nâng cao kỹ năng cho mỗi Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, với những kết quả đạt được thể hiện trên một số mặt đó là:
Một là, tác động đến quá trình lập hồ sơ kiểm sát đối với vụ án: Để thực hiện tốt vai trò của KSV, tránh được sự bị động và vững vàng, tự tin hơn tại phiên tòa, buộc KSV phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong quá trình kiểm sát điều tra vụ án. Thực tế cho thấy đối với các KSV biết làm chủ được tình thế tại phiên tòa đều có hồ sơ kiểm sát được chuẩn bị chu đáo từ việc nắm vững các thủ tục tố tụng có trong hồ sơ cũng như các tài liệu, chứng cứ chứng minh kể cả các tình tiết buộc tội cũng như gỡ tội của bị cáo để chủ động theo dõi quá trình xét hỏi của chủ tọa phiên tòa hoặc Hội thẩm nhân dân.
Hai là, chất lượng của bản cáo trạng và luận tội tại phiên toà được nâng lên. Thực tiễn cho thấy sau nhiều lần rút kinh nghiệm, chất lượng các bản cáo trạng cũng như luận tội của KSV tại phiên tòa được nâng cao, qua đó đề cao trách nhiệm trong việc soạn thảo của KSV, ký duyệt của lãnh đạo đơn vị, không để xảy ra việc phải điều chỉnh tại phiên tòa như rút một phần quyết định truy tố, điều chỉnh các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…Các bản luận tội đã bám sát vào hướng dẫn của ngành; qua đó, KSV đã đề nghị giải quyết toàn diện vụ án sau phần xét hỏi mà ít khi phải để đến phần tranh luận mới làm rõ.
Ba là, nâng cao vị trí, vai trò của KSV tại phiên tòa. Thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm đã trực tiếp trang bị cho KSV về kỹ năng kiểm sát xét xử và kỹ năng tranh tụng. Đối với kiểm sát xét xử, các KSV đã chú ý kiểm sát ngay từ khâu chuẩn bị cũng như khai mạc phiên tòa, phát hiện những thiếu sót cũng như vi phạm ngay trong quá trình này để đề nghị Hội đồng xét xử bổ sung như việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, xử lý những tình huống vắng mặt tại phiên tòa. Trong quá trình xét hỏi, KSV đã chú ý ghi chép, so sánh với đề cương xét hỏi để thực hiện xét hỏi không trùng với những tình tiết Chủ tọa phiên tòa hoặc Hội thẩm nhân dân đã hỏi nên tránh được sự nhàm chán hoặc kéo dài thời gian trong quá trình xét hỏi. Đối với những vấn đề chủ tọa phiên tòa đề nghị KSV đối đáp với bị cáo, người bị hại, nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được KSV thực hiện rõ ràng, bám sát vào hồ sơ và khẳng định lại các căn cứ đã được thu thập đầy đủ, đúng pháp luật để tiếp tục khẳng định quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa.
Bốn là, hình ảnh của KSV tại phiên tòa đậm nét hơn. Thực tế cho thấy đối với KSV nào có phong cách đàng hoàng, tự tin, bình tĩnh ứng xử trước các tình huống tại phiên tòa đều được Hội đồng xét xử, những người tham dự phiên tòa ghi nhận. Ngược lại đối với KSV không làm chủ được tình huống, tại phiên tòa đặt những câu hỏi trùng lặp mà trước đó đã được làm rõ hoặc những câu hỏi không rõ ràng, phát biểu luận tội không sát đúng với vụ án thì không khí phiên tòa lúc đó giảm đi sự tôn nghiêm, thậm chí mất trật tự do KSV không thu hút được sự chú ý của tất cả những người có mặt tại phiên tòa.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, do các vụ án đưa ra xét xử rút kinh nghiệm không có sự tham gia của luật sư, vì vậy kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên khó được đánh giá một cách toàn diện. Thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Kiểm sát viên cần rút kinh nghiệm.
Để nâng cao năng lực, chất lượng tranh tụng của KSV bằng phương thức đào tạo tại chỗ thông qua các phiên toà rút kinh nghiệm ở VKSND huyện Văn Chấn có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:
Thứ nhất, công tác phối hợp và chuẩn bị các phiên toà rút kinh nghiệm. Đây là công việc đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng. Để lựa chọn được các phiên toà mẫu, phiên toà điển hình thì Viện kiểm sát phải xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định số vụ án, số KSV đăng ký để qua đó có sự phân công KSV kiểm sát ngay từ đầu trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời chủ động phối hợp với Toà án cùng cấp để bố trí lịch xét xử và đề nghị Toà án trang bị đầy đủ các phương tiện như tăng âm, ánh sáng, đủ bàn ghế cho đại biểu tham dự và nhân dân đi dự phiên toà.
Thứ hai, thực hiện đầy đủ việc chỉ đạo KSV phải lập hồ sơ kiểm sát vụ án một cách đầy đủ theo quy chế kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử để căn cứ vào hồ sơ kiểm sát là có thể nắm được toàn bộ vụ án như lý lịch tư pháp của những người tham gia tố tụng, trình tự thủ tục tố tụng, trích cứu các tài liệu ghi rõ số bút lục để khi không có hồ sơ gốc trong tay KSV vẫn làm chủ được các tình huống phát sinh tại phiên toà.
Thứ ba, nâng cao chất lượng cáo trạng, dự thảo luận tội của KSV, bảo đảm mỗi bản cáo trạng, luận tội đáp ứng được đầy đủ nội dung kết cấu theo quy định của ngành. Đặc biệt, mỗi bản luận tội phải bám sát vào sự thật khách quan của vụ án để nhận định, đánh giá không được thêm, bớt hoặc sử dụng, lạm dụng việc cắt dán, sao chép từ các bản luận tội khác, khắc phục sự dập khuôn trong quá trình luận tội. Mặt khác, KSV phải rèn kỹ năng ghi chép lại diễn biến phiên toà để ghi kịp thời thì các KSV chỉ nên ghi câu trả lời mà không cần ghi câu hỏi của người hỏi, qua đó để sử dụng phương pháp loại trừ những câu hỏi theo đề cương xét hỏi của KSV nhưng đã được Hội đồng xét xử làm rõ, đồng thời chú ý ghi chép, lựa chọn, đưa ra những câu hỏi đòi hỏi phải trả lời để phục vụ cho những nhận định, đánh giá tại bản luận tội.
Thứ tư, quan tâm trau dồi, rèn luyện kỹ năng của KSV tại phiên toà. Để khẳng định được vị thế và vai trò của KSV tại phiên toà vừa thực hành quyền công tố, vừa kiểm sát xét xử đòi hỏi KSV phải thể hiện sự nhận thức, am hiểu pháp luật và đòi hỏi sự xử lý linh hoạt các tình huống, khả năng thuyết phục thông qua tư thế, tác phong, giọng đọc, giọng nói, thái độ giao tiếp trong quá trình xét xử. Vấn đề này đòi hỏi sự dày công tự rèn luyện, tự hoàn thiện của KSV cùng với yếu tố tác động từ bên ngoài qua thực tiễn công tác, đặc biệt là thông qua các phiên toà rút kinh nghiệm.
Thứ năm, việc tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm sau mỗi đợt xét xử cần được tổ chức ngay với đầy đủ các thành phần tham dự phiên tòa. Tại mỗi hội nghị cần phát huy tối đa sự dân chủ thảo luận, đóng góp ý kiến mang tính xây dựng để KSV không mắc lại những thiếu sót, hạn chế hoặc vi phạm đã được rút kinh nghiệm. Cách làm này ở huyện Văn Chấn đã thực hiện và sẽ thực hiện trong việc tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm trong các năm công tác tiếp theo./.
Hà Lập Phương – VKSND huyện Văn Chấn