Trong năm 2023, 100% lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện ứng dụng Quản lý văn bản điều hành; tiến hành “số hóa hồ sơ ” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa 2 vụ án hình sự, 3 vụ án dân sự; báo cáo án bằng phương pháp sơ đồ tư duy 19 vụ án hình sự, 29 vụ dân sự. Ngoài ra, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp tốt với Tòa án nhân dân cùng cấp tiến hành xét xử trực tuyến 9 vụ án hình sự theo Nghị quyết số 33 ngày 12/11/2021 của Quốc hội và Thông tư liên tịch số 05/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ đã góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nâng cao chất lượng công tố, đề cao vai trò, tính chủ động của Kiểm sát viên tại phiên tòa khi tham gia xét hỏi, tranh luận, đối đáp đầy đủ các ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác.
Hình ảnh Kiểm sát viên tham gia phiên toà xét xử số hoá
Hình ảnh kiểm sát viên tại phiên toà xét xử trực tuyến
Hình ảnh bị cáo tại điểm cầu thành phần trong phiên toà trực tuyến
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực tiễn công tác, công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Viện kiểm sát nhân dân huyện cũng vẫn còn nhiều những khó khăn, vướng mắc, nhất là về hạ tầng công nghệ số hóa, hệ thống máy móc thiết bị cho việc số hóa còn chưa có tính đồng bộ nên việc lưu trữ các tài liệu số hóa còn chưa có sự thống nhất. Cùng với đó, hiện nay công nghệ và kỹ thuật số không ngừng hoàn thiện và phát triển nên việc cập nhật kịp thời để bắt nhịp phát triển công tác chuyển đổi số cũng là một khó khăn do các cán bộ, công chức tại đơn vị chủ yếu là kiêm nhiệm.
Chính vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Yên, trong thời gian tới, đơn vị sẽ chú trọng việc đào tạo tại chỗ về con người có chuyên môn sâu đảm bảo bắt nhịp được với tốc độ phát triển về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Cùng với đó, cán bộ, công chức trong đơn vị cần chủ động, ý thức việc chuyển đổi số là cần thiết và tất yếu và khách quan, cần thay đổi tư duy nhận định về chuyển đổi số trong tương lai từ đó tự học hỏi, trau dồi những kiến thức để ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước thực hiện chuyển đổi số./.
Lê Thị Thu Hương
VKSND huyện Văn Yên