Một số nội dung cần chú ý để thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên toà xét xử hình sự

Qua theo dõi công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự tại các đơn vị cho thấy hiện nay việc tranh tụng tại phiên toà còn có những hạn chế nhất định, nhiều Kiểm sát viên chưa thực sự làm tốt trách nhiệm của mình, nội dung luận tội hoặc ý kiến kết luận còn chung chung, lập luận chưa chặt chẽ, thiếu sắc bén, chưa có những dẫn chứng rõ ràng, cụ thể; nhiều Kiểm sát viên chưa chủ động, chưa tích cực trong việc xét hỏi, tranh luận với các chủ thể tham gia tố tụng, thậm chí có Kiểm sát viên không tham gia xét hỏi, không phát biểu ý kiến cần tranh luận mà chỉ đối đáp theo cách giữ nguyên quan điểm truy tố, coi việc xét xử tại phiên toà là trách nhiệm của Toà án mà quên đi trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động chứng minh tội phạm, thực hành  quyền công tố, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng

Trước yêu cầu cải cách tư pháp đòi hỏi khi thực hành quyền công tố tại phiên toà, Kiểm sát viên phải thật sự tích cực và chủ động trong việc xét hỏi và tranh luận với các bên tham gia tố tụng; thông qua các hoạt động xét hỏi, đối đáp, tranh luận mà bảo vệ các quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên toà, tích cực, chủ động trong việc chứng minh hành vi phạm tội, vì bản chất của việc xét hỏi, đối đáp, tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên toà chính là hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát mà Kiểm sát viên là người đại diện.

Để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên toà xét xử hình sự, cần chú trọng đến những nội dung sau:

Một là, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác của Kiểm sát viên:

Muốn thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ pháp luật thì trước hết Kiểm sát viên phải hiểu biết pháp luật, vì hoạt động của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự là thực hành quyền công tố Nhà nước, do đó pháp luật hiện hành đã có những quy định theo hướng nâng cao tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của Kiểm sát viên nhằm đảm bảo chất lượng của đội ngũ Kiểm sát viên khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên cần tiếp tục học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn.

Thực tế hiện nay nhiều Kiểm sát viên có trình độ chuyên môn nhưng chưa có kinh nghiệm công tác nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, nhất là khi việc mở rộng tranh tụng từng bước thay thế cho tình trạng thụ động tại phiên toà, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có khả năng thuyết phục người nghe. Mặt khác, xu thế toàn cầu hoá hiện nay cũng là điều kiện thuận lợi cho tội phạm phát triền và có diễn biến phức tạp trên mọi lĩnh vực, do đó, hoạt động của Kiểm sát viên cũng sẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong khi kiến thức của các Kiểm sát viên không thể được trang bị một cách đầy đủ, toàn diện qua các trường đào tạo mà phải được tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tế của người làm công tác pháp luật. Chính vì vậy, tiêu chí kinh nghiệm công tác được xem là điều kiện bổ sung cho tiêu chí trình độ chuyên môn nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ được Nhà nước giao cho.

Hai là, phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án

Để có cơ sở tranh tụng tại phiên toà, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự cần hết sức chú ý đến việc nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm chắc diễn biến vụ án, tìm ra những vấn đề còn mâu thuẫn, đặc biệt phải xem xét các chứng cứ buộc tội và gỡ tội đối với bị cáo. Cần đặt ra tình huống nếu tại phiên tòa bị cáo phản cung chối tội thì các chứng cứ đó đủ để buộc tội không để chủ động chuẩn bị các tài liệu khác có liên quan tới việc kết tội bị cáo.

Việc nghiên cứu hồ sơ phải được thực hiện theo đúng qui định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kèm theo Quyết định số 590/QĐ-VKSTC-V3 ngày 05/12/2014. Các tài liệu, chứng cứ được trích cứu, sao chụp đầy đủ, có ghi rõ bút lục theo hồ sơ chính để khi đối đáp tranh luận có thể nêu rõ bút lục của tài liệu trong hồ sơ chính nhằm nâng cao tính thuyết phục trong lập luận đối đáp tranh luận.

Ba là, phải xây dựng kế hoạch xét hỏi và tranh luận:

Việc xây dựng kế hoạch xét hỏi gắn liền với xây dựng kế hoạch tranh luận tại phiên toà và chuẩn bị các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật của các cơ quan chức năng có liên quan tới việc xác định tội danh, điều luật, khoản để áp dụng hình phạt; trách nhiệm dân sự đối với bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án để chủ động trong đối đáp, tranh luận tại phiên toà. Kế hoạch xét hỏi phải hỗ trợ và phục vụ ngay cho kế hoạch tranh luận tại phiên toà. Khi dự thảo kế hoạch đối đáp tranh luận tại phiên toà, Kiểm sát viên phải tìm các lý lẽ, chứng cứ có lợi cho bị cáo để dự đoán những nội dung chính, những tình huống mà Luật sư, bị cáo sẽ tranh luận, sau đó, tìm các tài liệu chứng cứ để bác bỏ. Nếu thấy chứng cứ buộc tội không đủ để bác bỏ chứng cứ chứng minh bị cáo không phạm tội hoặc không đủ chứng cứ chứng minh bị cáo phạm tội như cáo trạng truy tố mà phạm một tội khác nhẹ hơn… thì báo cáo ngay cho lãnh đạo đơn vị để có hướng giải quyết kịp thời.

Khi xây dựng kế hoạch tranh luận, Kiểm sát viên cần chú ý đối với một số loại tội có biểu hiện về hành vi khách quan giống nhau, để chủ động đưa ra những chứng cứ và lý lẽ, lập luận nhằm khẳng định tội danh đã truy tố, điều luật đã áp dụng là đúng.

Bốn là, cần có phương pháp đối đáp, tranh luận phù hợp:

Tại Điều 218 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình; Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến… Chủ tọa phiên toà có quyền đề nghị Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận”.

Tại phiên toà, trong quá trình đối đáp tranh luận, Kiểm sát viên có thể dùng lời khai nhận tội ở Cơ quan điều tra và tại phiên toà của bị cáo này để tranh luận đối với lời tự bào chữa chối tội của bị cáo khác, hoặc dùng ngay lời bào chữa của Luật sư này để phản bác lời bào chữa của Luật sư phía bên kia khi các Luật sư bào chữa cho những thân chủ có quyền lợi đối lập nhau. Nếu vụ án có nhiều người bào chữa cho bị cáo mà họ lại có cùng ý kiến về một nội dung bào chữa thì Kiểm sát viên tổng hợp để đối đáp chung một lần cho các ý kiến đó.

Khi đối đáp, tranh luận, Kiểm sát viên phải dựa vào các tài liệu, chứng cứ của vụ án đã được xét hỏi, thẩm tra tại phiên toà và dựa vào các căn cứ pháp luật đang có hiệu lực thi hành; tập trung theo dõi diễn biến phiên toà, tích cực tham gia xét hỏi làm rõ các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, ghi chép đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và câu trả lời của bị cáo để phán đoán hướng bào chữa của người bào chữa, của bị cáo, từ đó chuẩn bị ý kiến đối đáp tranh luận có chất lượng, buộc các bên tham gia tố tụng phải “tâm phục, khẩu phục”, đáp ứng theo yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay

Phạm Thị Thu Hà – Phòng 7

Hội Cựu chiến binh VKSND tỉnh Yên Bái tham gia Giải Bóng chuyền hơi
Hộp thư bạn đọc và cộng tác viên tháng 3, 4 năm 2017
Những quy định có lợi của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với người phạm tội xâm phạm sở hữu
Đoàn thanh tra Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt về công tác tổ chức cán bộ
Hình phạt nghiêm khắc đối với nhân viên cửa hàng Thế giới di động chiếm đoạt tài sản của Công ty
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp mở phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án hành chính sơ thẩm
Chế định án treo trong Bộ luật hình sự năm 2015
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái kiểm sát trực tiếp việc thực hiện kết luận, kiến nghị đối với Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Yên Bái
Viện kiểm sát tỉnh Yên Bái ban hành kiến nghị đối với vi phạm của Tòa án cấp huyện