Những quy định có lợi của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với người phạm tội xâm phạm sở hữu

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền sở hữu tài sản hợp pháp của Nhà nước và của công dân, Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với các hành vi phạm tội xâm phạm quyền sở hữu theo hướng thể chế hóa quan điểm của Đảng về mở rộng diện đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình, chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm hạn chế việc thi hành án tử hình trên thực tế, đồng thời sửa đổi các tình tiết định tội, định khung, bổ sung hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ, giảm hình phạt tù… tại một số điều luật của Chương XVI  quy định về “Các tội xâm phạm sở hữu” – Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể như sau:

1. Tội cướp tài sản (Điều 168):

Sửa đổi tình tiết định khung và bỏ hình phạt tử hình tại khoản 4:

…“4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”

2. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169)

Bổ sung quy định tại khoản 5:Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

3. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172):

Sửa đổi tình tiết định khung, bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ tại khoản 1, bỏ hình phạt tù chung thân tại khoản 4:

“1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

…4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”

4. Tội trộm cắp tài sản (Điều 173):

Sửa đổi tình tiết định khung, bỏ hình phạt tù chung thân tại khoản 4:

…“4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”

5. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175)

Sửa đổi tình tiết định khung, giảm hình phạt tù tại khoản 3; Bỏ hình phạt tù chung thân tại khoản 4:

…“3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.”

6. Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176)

Bổ sung hình phạt tiền, giảm hình phạt cải tạo không giam giữ tại khoản 1:

“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

7. Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177)

Sửa đổi tăng giá trị tài sản định tội tại khoản 1; Sửa đổi tình tiết định khung, bổ sung hình phạt tiền và giảm hình phạt tù tại khoản 2:

“1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Tài sản là bảo vật quốc gia;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.”

8. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178)

Bổ sung hình phạt tiền tại khoản 1, giảm hình phạt tù tại khoản 3 và khoản 4, bỏ hình phạt tù chung thân tại khoản 4:

“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

…3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.”

9. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179)

Sửa đổi tăng giá trị tài sản định tội, bỏ hình phạt tù tại khoản 1, giảm hình phạt tù tại khoản 2, khoản 3:

“1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.”

10. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180)

Sửa đổi tăng giá trị tài sản định tội, bỏ hình phạt tù tại khoản 1, giảm hình phạt tù tại khoản 2:

“1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

                                                           Phạm Thị Thu Hà – VKS tỉnh (P 7)

Đoàn thanh tra Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt về công tác tổ chức cán bộ
Hình phạt nghiêm khắc đối với nhân viên cửa hàng Thế giới di động chiếm đoạt tài sản của Công ty
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp mở phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án hành chính sơ thẩm
Chế định án treo trong Bộ luật hình sự năm 2015
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái kiểm sát trực tiếp việc thực hiện kết luận, kiến nghị đối với Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Yên Bái
Viện kiểm sát tỉnh Yên Bái ban hành kiến nghị đối với vi phạm của Tòa án cấp huyện
Những vấn đề cần chú ý trong hoạt động kiểm sát xét xử các vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái sơ kết 3 năm thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị
Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng BOT