Đồng chí Nguyễn Hoài Nam – Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng bộ, Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Trong năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Viện, cùng với sự cố gắng, nỗ lực phấn của cán bộ, KSV, kiểm tra viên nên công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật của VKSND hai cấp đã có sự chuyển biến tích cực. Các đơn vị đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến, đổi mới phương pháp làm việc, lãnh đạo các đơn vị đã quan tâm, chú trọng chỉ đạo sát sao; ý thức trách nhiệm của KSV được nâng cao, chất lượng nghiên cứu hồ sơ, đề xuất đường lối giải quyết vụ án được nâng lên, tăng cường thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của KSV tại các phiên tòa, phiên họp; tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử; kiểm sát 100% bản án, quyết định của Tòa án, nhận diện chính xác, kịp thời các vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị. Để cải tiến phương pháp làm việc, 100% các đơn vị thuộc VKSND tỉnh đã ban hành quy định thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ việc và một số đơn vị đã thực hiện báo cáo án bằng phương pháp sơ đồ hóa, sơ đồ tư duy…Chất lượng khâu công tác kiểm sát án dân sự, hành chính ngày càng được nâng lên, tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt cao so với kế hoạch, đặc biệt là việc ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm và kiến nghị các cơ quan hữu quan trong phòng ngừa vi phạm…góp phần giải quyết vụ án đúng đắn, bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, một số kết quả nổi bật trong năm được kể ra như:
Toàn tỉnh đã kiểm sát 273 thông báo trả lại đơn khởi kiện, đảm bảo việc trả lại đơn khởi kiện đúng quy định; Kiểm sát thụ lý giải quyết 2776 vụ, việc sơ thẩm; Kiểm sát thụ lý việc giải quyết 59 vụ, việc phúc thẩm; Yêu cầu Toà án xác minh thu thập chứng cứ 9 vụ. Kiểm sát 100% phiên tòa, phiên họp thuộc trường hợp VKS tham gia; tổ chức 93 phiên toà rút kinh nghiệm. Không có vụ án nào bị cấp trên huỷ án giải quyết lại. Viện kiểm sát hai cấp đã ban hành kháng nghị ngang cấp 4 vụ án; Ban hành 78 kiến nghị với TAND và các cơ quan hữu quan; Báo cáo đề nghị VKS cấp cao tại Hà Nội kháng nghị phúc thẩm 01 vụ, Giám đốc thẩm 03 vụ.
Toàn cảnh hội nghị
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận nêu trên, một số đơn vị VKS cấp huyện vẫn còn những thiếu sót như chưa phát hiện kịp thời vi phạm của bản án, quyết định của toà án để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, việc gửi bản án quyết định đến VKS tình còn chưa kịp thời,vẫn còn một số vụ án bị cấp phúc thẩm tuyên sửa án… Để hạn chế những tồn tại như trên, VKSND tỉnh tổ chức Hội nghị với mục đích tổng hợp vi phạm của Tòa án, thiếu sót của VKS cấp huyện từ đó rút kinh nghiệm đồng thời giải đáp về những khó khăn, vướng mắc để thời gian tiếp theo các đơn vị thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ.Tại Hội nghị, các đơn vị cấp huyện đều có những ý kiến tham luận tập chung vào kỹ năng giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính từ thực tiễn hoạt động của Viện kiểm sát, như: Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xây dựng bài phát biểu, kỹ năng nhận diện vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định dân sự của Tòa án, Kỹ năng xây dựng báo cáo bằng phương pháp sơ đồ tư duy…
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: Trong hai năm qua Phòng nghiệp vụ có nhiều tích cực, chuyển biến rõ rệt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hướng dẫn VKS cấp huyện, các VKS cấp huyện đã có nhiều cố gắng tuy nhiên đây là khâu công tác khó đòi hỏi cán bộ, kiểm sát viên phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa phát huy những ưu điểm đã có, học hỏi VKS cấp trên và các đơn vị làm tốt; các đơn vị phải tạo sự chuyển biến tích cực từ người đứng đầu, Viện trưởng phải trực tiếp phụ trách khâu công tác dân sự, phải nghiêm túc quan tâm, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lãnh đạo phải giỏi để chỉ đạo về chuyên môn, để là chỗ dựa (về năng lực, trình độ) cho cán bộ, kiểm sát viên; Viện trưởng cấp huyện cần bố trí kiểm sát viên chuyên sâu ổn định đồng thời có tính mở rộng để cán bộ, kiểm sát viên khác nắm bắt tiếp cận, việc đánh giá kết quả công tác của Viện trưởng dựa trên kết quả khâu công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hành chính của đơn vị mình. Phòng 9 có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng tổng hợp để bổ sung phần chấm điểm thi đua đối với chỉ tiêu trách nhiệm của các đồng chí Viện trưởng cấp huyện. Các đơn vị cần phải tăng cường phát hiện vi phạm và kiên quyết kháng nghị, vi phạm chưa đến mức kháng nghị thì kiến nghị không được e dè, nể nang; Tăng cường báo cáo án bằng phương pháp sơ đồ tư duy, đây là yêu cầu của Viện trưởng – VKSTC và cũng là yêu cầu thiết thực; Cùng với đó thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quyền hạn của Ngành, từng bước nâng cao chất lượng công tác, tránh tình trạng án bị sửa, hủy có trách nhiệm của Viện kiểm sát, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao trong thời gian tới.
Thu Hà – Phòng 9