Kể từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực đến nay, Kiểm sát viên VKSND hai cấp tỉnh Yên Bái nói chung, Kiểm sát viên Phòng 9 VKSND tỉnh nói riêng, đã không ngừng cố gắng, nỗ lực trong công tác, duới sự chỉ đạo của VKSND tối cao, lãnh đạo đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, thể hiện qua việc nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên toà, bài phát biểu của KSV, bản lĩnh của KSV,… từng bước được nâng cao, góp phần giúp Hội đồng xét xử, Thẩm phán giải quyết và ban hành bản án, quyết định giải quyết vụ án đúng quy định. Tuy nhiên, không ít những bản án, quyết định của toà án còn có vi phạm đã được VKSND hai cấp tỉnh Yên Bái phát hiện kịp thời ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp của nhà nước, các tổ chức và cá nhân, đảm bảo vụ án được giải quyết đúng quy định của pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”, “ Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa,bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.” Điểm e khoản 2 Điều 6 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 cũng quy định một trong những công tác của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện chức năng kiểm sát sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động và những những việc khác theo quy định của pháp luật.
Công tác kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát cũng được quy định tại Điều 5, Điều 27 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Điều 21, Điều 57, Điều 278, Điều 279, Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 25, Điều 211 Luật tố tụng hành chính năm 2015, trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Viện kiểm sát nhân dân phải kháng nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm ít nghiêm trọng,… thì Viện kiểm sát kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa,…trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật. Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 và hiện nay được thay bởi Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự.
Công tác kháng nghị, kiến nghị là một trong nhiều nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực dân sự, hành chính nói riêng, đặc biệt kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý đặc biệt được Quốc hội trao cho Viện kiểm sát. Nhận thức được vấn đề đó, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Yên Bái, thời gian qua đã thực hiện tốt công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật, trong 10 tháng đầu năm 2021 (từ ngày 01/12/2020 đến ngày 30/9/2021) Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Yên Bái thụ lý giải quyết 2.115 vụ, việc dân sự, hành chính (án liên quan đến lĩnh vực đất đai là trên 160 vụ), trong đó án thuộc Phòng 9 VKSND tỉnh Yên Bái thụ lý giải quyết là 86 vụ (sơ thẩm 55 vụ; phúc thẩm 31 vụ). Gồm các loại án: Án tranh chấp quyền sử dụng đất sử dụng đất hoặc tranh chấp liên quan đến các giao dịch về quyền sử dụng đất là 52 vụ (Dân sự 14 vụ; Hành chính 18 vụ, Phúc thẩm 20 vụ); án hôn nhân và gia đình cùng các loại án khác là 34 vụ. Trong đó, phát hiện nhiều vụ án của Toà án nhân dân cùng cấp giải quyết có vi phạm và thông qua công tác kiểm tra bản án, quyết định của Toà án cấp huyện phát hiện 121 bản án, quyết định vi phạm, đã ban hành 3 kháng nghị phúc thẩm và 4 báo cáo đề nghị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và giám đốc thẩm, trong đó VKSCC tại Hà Nội đã ban hành 1 kháng nghị phúc thẩm và 1 kháng nghị Giám đốc thẩm, hiện còn 2 vụ đang xem xét; ban hành 45 kiến nghị đối với Toà án nhân dân và cơ quan hữu quan.
Trong thời gian qua, công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hành chính của VKSND tỉnh Yên Bái được VKSND tối cao, lãnh đạo Viện KSND tỉnh quan tâm, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên được trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm ngày càng vững vàng, kết quả cho thấy 100% vụ án dân sự, hành chính được giải quyết đảm bảo đúng quy định pháp luật, chưa có vụ án nào bị TAND cấp cao tại Hà Nội sửa hoặc huỷ; kiểm sát 100% bản án, quyết định của toà án hai cấp kịp thời phát hiện 112 bản án, quyết định có vi phạm. Những vụ án có vi phạm đã kịp thời ban hành kháng nghị hoặc báo cáo đề nghị VKSCC tại Hà Nội kháng nghị phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, số lượng kháng nghị, kiến nghị ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng được nâng cao, đảm bảo cho 100% vụ, việc dân sự, hành chính được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của các tổ chức xã hội và công dân, tạo niềm tin cho nhân dân và cấp ủy địa phương.
Mặc dù, kết quả đạt được là cơ bản, tuy nhiên đánh giá một cách toàn diện thì công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, nhất là công tác kháng nghị, kiến nghị của VKS hai cấp vẫn còn những tồn tại như:
Một số KSV nghiên cứu hồ sơ chưa sâu, chưa phân tích đánh giá hết các chứng cứ, đề xuất còn chung chung nên khó khăn trong việc kiểm sát kết quả giải quyết, phát biểu của KSV khi tham gia phiên tòa còn hình thức, chất lượng chưa cao. Số lượng án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy, sửa hàng vẫn xảy ra (trong 10 tháng có 3 vụ án sửa, 2 vụ án huỷ). Trong khi đó số lượng kháng nghị so với số án hủy sửa không có, nhất là công tác kháng nghị ngang cấp của VKS huyện vẫn còn khiêm tốn; thậm chí có huyện có án hủy, sửa nhưng không ban hành được kháng nghị nào. Chất lượng một số bản kháng nghị chưa cao, phân tích, lập luận thiếu chặt chẽ, không nêu đầy đủ những vi phạm của bản án sơ thẩm, chưa đánh giá đúng về tính chất, mức độ vi phạm của Hội đồng xét xử. Kiểm sát bản án, quyết định của Toà án nhưng chưa phát hiện hết vi phạm của toà án, khi chuyển bản án, quyết định lên Phòng 9 mới phát hiện được vi phạm và ban hành kiến nghị. Từ thực trạng trên có nhiều nguyên nhân nhưng do những nguyên nhân chủ yếu đó là: Các quy định pháp luật về lĩnh vực này rộng, phức tạp, có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ, việc sao gửi cho kiểm sát viên còn chậm, dẫn đến việc cập nhật, nghiên cứu áp dụng chậm. Vẫn còn tình trạng tòa án chuyển bản án, quyết định chậm cho VKS cùng cấp, nên việc sao gửi bản án về phòng 9 không kịp thời. Lãnh đạo, kiểm sát viên, được phân công nhiệm vụ lĩnh vực dân sự, hành chính vẫn cón tâm lý xem nhẹ khâu công tác này, chưa nhận thức đúng đắn vị trí khâu công tác này. Khi kiểm sát bản án, quyết định do nể nang, ngại va chạm nên không thực hiện quyền kháng nghị ngang cấp và quyền kiến nghị của VKS; khi nhận được bản án đúng hạn nhưng chậm sao gửi về cho phòng 9 để cùng phối hợp kiểm sát bản án.
Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, nhất là nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát trong thời gian tới, đề nghị thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là: Tiếp tục thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 22/3/2018 về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, Chỉ thị hàng năm của Viện trưởng VKSND tối cao. Từ đó, xác định kháng nghị, kiến nghị là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của khâu công tác kiểm sát giải quyết án hành chính – dân sự.
Hai là: Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kháng nghị, kiến nghị và quán triệt cho Kiểm sát viên nhận thức đầy đủ quyền kháng nghị, kiến nghị theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, đây là quyền năng pháp lý quan trọng nhất của Viện kiểm sát nhân dân để thực hiện tốt chức năng kháng nghị, kiến nghị theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt chức năng kháng nghị phúc thẩm. Khắc phục ngay tâm lý nể nang, ngại va chạm dẫn đến không kiến nghị, kháng nghị.
Ba là: Mỗi Kiểm sát viên cần có ý thức, trách nhiệm học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nghiên cứu và nắm vững các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của TAND tối cao và các quy định, quy chế, hướng dẫn nghiệp vụ của ngành KSND, nhất là các Thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát cấp trên, các để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm.
Bốn là: Tăng cường công tác kiểm sát bản án, quyết định của Toà án, nhằm đảm bảo 100% bản án, quyết định được kiểm sát, khi phát hiện vi phạm phải yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án để nghiên cứu xem xét, đánh giá xác định mức độ vi phạm. Khi có đủ căn cứ kháng nghị phải báo cáo đề xuất lãnh đạo đơn vị kháng nghị trong thời hạn luật định và đảm bảo về nội dung, hình thức kháng nghị; nếu chưa đến mức kháng nghị thì tổng hợp ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm.
Năm là: Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới, thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều để nắm bắt tình hình kết quả công tác, nhất là trong việc gửi bản án, quyết định, chuyển hồ sơ vụ án; thông tin kịp thời các vi phạm để trao đổi nghiệp vụ, chủ động thực hiện kháng nghị trong thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới và Viện kiểm sát cấp trên để đảm bảo tất cả các vi phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, đúng qui định; hạn chế việc VKS cấp dưới kháng nghị, VKS cấp trên rút quyết định kháng nghị, đảm bảo 100% kháng nghị được cấp trên bảo vệ.
Tăng cường công tác phối hợp với TAND cùng cấp, với các cơ quan hữu quan nắm bắt tình tình, diễn biến vụ việc, phối hợp giải quyết vụ việc nhanh, gọn, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, đảm bảo tình hình an ninh, chính trị địa phương.
Sáu là: Đảm bảo 100% VKSND hai cấp do Viện trưởng trực tiếp phụ trách theo chỉ đạo của Viên trưởng VKSND tối cao và theo Kế hoạch 159; bố trí đảm bảo đầy đủ số lượng cán bộ, Kiểm sát viên làm khâu công tác này được lâu dài, ổn định để tích luỹ kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng công tác kiểm sát giải quyết án, kỹ năng kiểm sát bản, quyết định của Toà án để phát hiện vi phạm kịp thời ban hành kiến nghị, kháng nghị. VKSND hai cấp chủ động, sáng tạo lập sổ sách, phụ lục theo dõi (nhất là thực hiện các phụ lục 1,2,3,4,5), tổng hợp, phân tích các dạng vi phạm của Tòa án và của cơ quan hữu quan để kiến nghị phòng ngừa vi phạm và khắc phục vi phạm.
Bảy là: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (Phòng 9) kiểm sát hoạt động và quản lý chặt chẽ số lượng thụ lý giải quyết án của cả hai cấp, thường xuyên theo dõi tổng hợp, ban hành thông báo rút kinh nghiệm về những thiếu sót, hạn chế của VKSND cấp huyện, kể cả thông báo những kháng nghị, kiến nghị có chất lượng tốt để Viện kiểm sát cấp huyện học tập, rút kinh nghiệm. Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra hoạt động nghiệp vụ kiểm sát đối với VKS cấp huyện, nhất là kiểm tra đột xuất tại các phiên toà có KSV tham gia, tham dự các phiên toà rút kinh nghiệm. Kiểm tra kịp thời bản án, quyết định của cấp huyện gửi đến để phát hiện thiếu sót của cấp sơ thẩm, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Viên thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa, hủy mà Viện kiểm sát không phát hiện được vi phạm./.
Phạm Thị Nguyệt – Phòng 9 VKS Yên Bái