Trước hết chất lượng cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu được hiểu là mức độ đáp ứng (thỏa mãn) các tiêu chí trong đạo đức lối sống, trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao khi thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp và các nhiệm vụ khác của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Lãnh đạo viện đã thống nhất xây dựng các tiêu chí cơ bản và tiêu chí cụ thể:
* Tiêu chí cơ bản:
– Về tư tưởng chính trị: Có lập trường tư tưởng vững vàng, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, quy định của các cấp ủy đảng (nếu là đảng viên), thực hiện tốt chính sách, pháp luật của nhà nước ở nơi công tác cũng như nơi cư trú. không có các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
– Về phẩm chất đạo đức, lối sống: Có đạo đức và lối sống lành mạnh, giản dị, có ý thức tu dưỡng trau dồi đạo đức phẩm chất của người cán bộ kiểm sát, học hỏi để nâng cao trình độ hiểu biết về chuyên môn
– Về thực hiện chức trách, được giao: Hoàn thành mọi công việc do lãnh đạo cơ quan giao về công tác chuyên môm và các công tác khác do cấp trên giao đảm bảo từ đạt yêu cầu trở lên và đúng tiến độ, thời hạn, khuyến khích tính sáng tạo, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ.
– Về ý thức kỷ luật: Tuân thủ sự phân công công việc và điều hành của Viện trưởng; thực hiện tốt kỷ luật lao động…
Tập thể cán bộ VKSND huyện Trạm Tấu tham gia Đại hội thể dục, thể thao huyện Trạm Tấu năm 2017
* Tiêu chí cụ thể:
Đối với chuyên viên, Kiểm tra viên:
– Khi được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ việc phải đảm bảo về thời gian, kết quả việc nghiên cứu được Kiểm sát viên sử dụng để đề xuất với lãnh đạo viện.
– Hồ sơ kiểm sát vụ việc được lập đúng quy chế, khoa học, thuận lợi cho việc nghiên cứu của Kiểm sát viên.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Viện trưởng phân công phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, quy chế của ngành, nhanh chóng, hiệu quả.
Đối với Kiểm sát viên:
– Khi được phân công thực hành quyền công tố: Tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được Kiểm sát viên quản lý và phân loại xử lý đảm bảo chính xác, không bỏ lọt tội phạm.
Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can phải được cơ quan và người có thẩm quyền ra quyết định khởi tố kịp thời, đúng tội danh, đúng người, không bỏ lọt tội phạm.
Quyết định truy tố phải nêu được diễn biến, thời gian, địa điểm và người thực hiện hành vi phạm tội, vai trò của từng bị can trong vụ án, tội danh, điều, khoản trong Bộ luật hình sự được áp dụng.
Phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung theo yêu càu tại Quy chế Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự. Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án phải nêu đây đủ các vấn đề (theo mẫu chung), Kiểm sát viên có đề xuất, có ý kiến của lãnh đạo Viện. Xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, câu hỏi phải gắn gọn, dễ hiểu, làm rõ được nội dung, bản chất của vụ án.
Tranh luận của Kiểm sát viên với những người tham gia tố tụng phải đúng trọng tâm, với thái độ bình tĩnh, khiêm nhường, tôn trọng những người tham gia tố tụng.
Kiểm sát viên trình bày luận tội phải mạch lạc, rõ ràng, nội dung phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng bị cáo, lập luận có căn cứ pháp luật, có tính thuyết phục đối với Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng cũng như những người đến tham dự phiên tòa, để bảo vệ quan điểm truy tố song cũng phải biết tiếp thu những ý kiến, kiến nghị có căn cứ của Luật sư, Bào chữa viên nhân dân, Trợ giúp viên pháp lý và những người tham gia tố tụng khác.
– Khi được phân công kiểm sát hoạt động tư pháp: Kịp thời phát hiện các vi phạm, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp để ra các quyết định, kết luận, yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị kịp thời đúng quy định của pháp luật.
Đối với lãnh đạo viện ( Viện trưởng, Phó Viện trưởng)
– Ngoài việc đảm bảo các tiêu chí đánh giá như của Kiểm sát viên khi thực hiện chức năng thì trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quyết định các vấn đề về công tác của VKSND huyện Trạm Tấu thì tiêu chí đánh giá đối với Viện trưởng còn là việc thực hiện các chỉ tiêu công tác hàng năm của Viện kiểm sát cấp trên, việc tham mưu giúp cấp ủy và chính quyền địa phương về công tác pháp luật, đấu tranh, phòng ngừa vi phạm, tội pham.
Phó Viện trưởng được đánh giá bằng các chỉ tiêu công tác do mình phụ trách, theo sự phân công của Viện trưởng.
Những tiêu chí nêu trên được cấp ủy, lãnh đạo viện quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên trong cơ quan làm cơ sở để để đánh giá, nhận xét cán bộ hàng năm.
Đỗ Thái Trung, VKS Trạm Tấu