Một số nội dung liên quan đến thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy của Viện kiểm sát cấp huyện

Yên Bái là một tỉnh miềm núi, nhiều tập tục lạc hậu như tình trạng sử dụng thuốc phiện, tái trồng cây thuốc phiện vẫn xảy ra, cộng thêm địa hình hiểm trở, giáp gianh với các tỉnh như Sơn La, Lào Cai … có tuyến đường cao tốc nối với  trung tâm thành phố Hà Nội là địa bàn thuận lợi cho tội phạm về ma túy hoạt động, đây cũng là một trong các điều kiện làm gia tăng các tội liên quan đến ma túy, trong đó tội phạm về ma túy chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm cả về số vụ, số bị can và tính chất phức tạp.

Trong những năm vừa qua, cùng với toàn ngành, Viện kiểm sát hai cấp của tỉnh Yên Bái đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án ma túy. Trong thời gian từ ngày 1/7/2016 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đồng thời áp dụng hai bộ luật hình sự là Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015 (Những quy định có lợi cho bị can), xong  sự chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ của ngành dọc cấp trên còn nhiều điểm thiếu thống nhất, nhất là việc xác định truy tố bị can theo hàm lượng hay trọng lượng chất ma túy.

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, kết hợp với hệ thống kiến thức lý luận, chúng tôi nêu một số nội dung liên quan đến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy của viện kiểm sát cấp huyện, cụ thể tập trung vào một số vấn đề như: Thế nào là vụ án ma túy; các hoạt động thực hành quyền công tố? Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án ma túy? Các tiêu chí để đánh giá chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án ma túy?…để trao đổi cùng các đồng nghiệp và bạn đọc.

Vụ án ma túy: Là vụ án được cơ quan có thẩm quyền khởi tố để điều tra, truy tố và xét xử những hành vi do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện do lỗi cố ý xâm phạm đến độc quyền quản lý của nhà nước đối với các chất ma túy (Chất ma túy là là tên gọi chung chỉ những chất kích thích khi dùng một lần có thể gây nghiện có nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo. Những chất này khi đưa vào cơ thể sống sẽ làm thay đổi trạng thái nhận thức và sinh lý. Danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành), Các tội phạm về ma túy được quy định từ Điều 192 đến 201 Bộ luật hình sự năm 1999, có hình phạt thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là tử hình.

 

Bị can Mùa A Sớ – người đã dùng dao chém trọng thương 02 chiến sĩ cảnh sát khi bị bắt giữ về hành vi mua bán trái phép chất ma túy

Thực hành quyền công tố các vụ án ma túy: Là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo pháp luật tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của nhà nước đối với người phạm tội về ma túy, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với người phạm tội về ma túy.

Thực hành quyền công tố được thực hiện trong giai đoạn điều tra, truy tố, và xét xử là việc thực hiện các hành vi tố tụng cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, đưa người phạm tội ra xét xử trước Tòa án và bảo vệ sự buộc tội đó. Để làm được điều này, cơ quan thực hành quyền công tố phải có trách nhiệm bảo đảm việc thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để xác định tội phạm và người phạm tội. Trên cơ sở đó quyết định truy tố bị can ra trước Tòa án và bảo vệ sự buộc tội đó trước phiên tòa.

Hoạt động thực hành quyền công tố bao gồm:

– Thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

– Thực hành quyền công tố trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự;

– Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố tội phạm;

– Thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự. (Buộc tội bị cáo và bảo vệ sự buộc tội trước phiên tòa bằng cách công bố bản cáo trạng, tham gia xét hỏi, trình bày lời luận tội và tranh luận trước phiên tòa sơ thẩm; nếu vụ án bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì tham gia xét hỏi và trình bày lời kết luận về kháng cáo, kháng nghị trước phiên tòa phúc thẩm).

– Thực hành quyền công tố trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.

Kiểm sát điều tra án ma túy: Là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, mục đích là nhằm bảo đảm các hoạt động điều tra được tiến hành một cách đúng đắn, đầy đủ, khách quan theo đúng trình tự, thủ tục, nội dung và bảo đảm về thời gian pháp luật quy định, kiến nghị khi có vi phạm pháp luật tố tụng xảy ra hoặc kiến nghị yêu cầu khắc phục các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm ma túy.

Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh trong giải quyết vụ án ma túy, nhằm đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm phải khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác; những vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết án ma tuý phải được phát hiện, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án ma túy: Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án ma túy về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng về ma túy, cụ thể các tội quy định trong Bộ luật hình sự như sau:

– Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192).

– Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Khoản 1, 2, Điều 193).

– Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Khoản 1, 2 Điều 194).

 – Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Khoản 1, 2 Điều 195).

– Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 196).

– Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Khoản 1, 2 Điều 197).

– Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 198).

– Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Khoản 1, 2 Điều 200).

– Tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác (Khoản 1, 2 Điều 201).

Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hành quyền công tố, kiểm sát các vụ án ma túy trong phạm vi địa phương mình.

 Chất lượng và tiêu chí đánh giá chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án ma túy. Chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát án ma tuý được hiểu là mức độ đáp ứng (thỏa mãn) các tiêu chí khi thực hiện thực hành quyền công tố, kiểm sát đảm bảo mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái pháp luật.

Có thể thấy yêu cầu đặt ra với thực hành quyền công tố và kiểm sát đều phải đảm bảo truy cứu trách nhiệm hình sự: Đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, kịp thời và đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị.

Vì vậy, có thể đánh giá chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát án ma tuý dựa trên các tiêu chí chung và các tiêu chí cụ thể.

*Tiêu chí chung: 

– Đảm bảo đúng người: Là việc các cơ quan tiến hành tố tụng xác định đúng người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức bị coi là tội phạm và được quy định trong bộ luật hình sự. Người đó, phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo quy định tại điều 12 Bộ luật hình sự.

– Đảm bảo đúng tội: Là việc các cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đúng với tội danh, điều, khoản, điểm, tương xứng với mức độ lỗi do người phạm tội thực hiện.

– Đảm bảo đúng pháp luật: Là việc các chủ thể áp dụng pháp luật lựa chọn các quy phạm pháp luật để áp dụng một cách phù hợp (không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính,…). Áp dụng công bằng các tình tiết giảm nhẹ cũng như tăng nặng trách nhiệm hình sự, việc xem xét đánh giá các chứng cứ được khách quan, toàn diện (trước khi xem xét các chứng cứ buộc tội thì phải xem xét các chứng cứ gỡ tội).

– Đảm bảo tính kịp thời, đáp ứng các yêu cầu về nhiệm vụ chính trị: Là việc các cơ quan tiến hành tố tụng ra các quyết định tố tụng một cách nhanh nhất, đạt được hiệu quả cao nhất phục vụ được nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa phát triển kinh tế, … dập tắt các điểm nóng (nếu có) đồng thời không làm phát sinh điểm nóng về trật tự trị an xã hội ở địa phương.

* Tiêu chí cụ thể:

Đối với chất lượng thực hành quyền công tố là các tiêu chí:

– Tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phải được quản lý và phân loại xử lý đảm bảo chính xác, không bỏ lọt tội phạm.

– Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can phải được cơ quan và người có thẩm quyền ra quyết định khởi tố kịp thời, đúng tội danh, đúng người, không bỏ lọt tội phạm.

– Quyết định truy tố phải nêu được diễn biến, thời gian, địa điểm và người thực hiện hành vi phạm tội, vai trò của từng bị can trong vụ án, tội danh, điều, khoản trong Bộ luật hình sự được áp dụng.

– Xét hỏi của kiểm sát viên tại phiên tòa phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, câu hỏi phải gắn gọn, dễ hiểu, làm rõ được nội dung, bản chất của vụ án.

– Tranh luận của kiểm sát viên với những người tham gia tố tụng phải đúng trọng tâm, với thái độ bình tĩnh, khiêm nhường, tôn trọng những người tham gia tố tụng.

– Kiểm sát viên trình bày luận tội phải mạch lạc, rõ dàng, nội dung phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng bị cáo, lập luận có căn cứ pháp luật, có tính thuyết phục đối với Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng cũng như những người đến tham dự phiên tòa, để bảo vệ sự buộc tội tại phiên tòa, song cũng phải biết tiếp thu những ý kiến, kiến nghị có căn cứ của Luật sư, Bào chữa viên nhân dân, Trợ giúp viên pháp lý và những người tham gia tố tụng khác.

Đối với kiểm sát điều tra các vụ án về ma túy là các tiêu chí sau:

– Các vi phạm trong hoạt động điều tra phải được phát hiện để yêu cầu khắc phục hoặc kiến nghị khắc phục kịp thời.

– Trực tiếp tiến hành đạt yêu cầu một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

– Không có án phải trả lại để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

– Không có án bị cấp phúc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại hoặc bị cải sửa do lỗi của Kiểm sát viên trong quá trình thu thập chứng cứ hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

– Không bị Viện kiểm sát cấp trên thông báo rút kinh nghiệm do lỗi trong quá trình điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, hoặc các lỗi khác có trách nhiệm của kiểm sát viên.

Đỗ Thái Trung, VKS Trạm Tấu

Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp xét xử rút kinh nghiệm các vụ án dân sự
Khối Nội chính huyện Văn Chấn giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2017, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017
Phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng “Chiếm đoạt trẻ em” trên địa bàn huyện Trạm Tấu
Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái tích cực hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” năm 2017
Viện kiểm sát nhân dân huyện Trấn Yên thực hiện có hiệu quả Tháng hành động phòng chống ma tuý
Trấn Yên phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm
Kiểm sát trực tiếp việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Yên
Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu tham gia Đại hội thể dục thể thao Khối các cơ quan tổng hợp – Nội chính huyện Trạm Tấu lần thứ VIII năm 2017
Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp xét xử lưu động và rút kinh nghiệm các vụ án hình sự
Viện kiếm sát huyện Lục Yên phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử lưu động và rút kinh nghiệm
Phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng “Chiếm đoạt trẻ em” trên địa bàn huyện Trạm Tấu
Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu tham gia Đại hội thể dục thể thao Khối các cơ quan tổng hợp – Nội chính huyện Trạm Tấu lần thứ VIII năm 2017
Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu dự sinh hoạt Chi bộ Tòa án – Kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu và trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho đồng chí Hoàng Minh Thát
Lãnh đạo VKSND huyện Trạm Tấu tặng quà tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi xã Pá Hu
Lãnh đạo VKSND huyện Trạm Tấu dự Lễ khai giảng năm học 2016 – 2017
Đoàn thanh niên Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái tham gia tình nguyện khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra
VKSND huyện Trạm Tấu phối hợp thực hiện chương trình “Mùa đông ấm áp” cho các em học sinh tại xã Pá Hu
Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân – Tòa án nhân dân – Thi hành án dân sự huyện Trạm Tấu tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 – 2020
Trạm Tấu – Bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm
Nhật ký chống “giặc lửa”