Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Chương trình công tác năm 2017 của ngành Kiểm sát nhân dân và Kế hoạch số 35/KH-VKS-VP ngày 18/01/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái về “…tăng cường trách nhiệm công tố, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự. Chú trọng hơn nữa việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, tăng số lượng, chất lượng, hiệu quả các phiên tòa rút kinh nghiệm; phối hợp với Tòa án tổ chức từ 2 đến 3 phiên tòa rút kinh nghiệm đối với mỗi Kiểm sát viên làm công tác giải quyết án hình sự…”, trong 6 tháng đầu năm 2017, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức 35 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, giúp cho Kiểm sát viên nhận thức sâu sắc hơn về tính chất, tầm quan trọng của công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, nhất là yêu cầu của hoạt động tranh tụng… để phát huy tối đa hiệu quả các phiên tòa rút kinh nghiệm, tạo điều kiện cho Kiểm sát viên rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, tích cực học tập, đúc rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác.
Kiểm sát viên Thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử lưu động
Bị cáo và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa hình sự
Sau khi kết thúc phiên tòa, các đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, kịp thời đưa ra những nhận xét, đánh giá về hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa, đồng thời chỉ ra những ưu, khuyết điểm và các giải pháp khắc phục.
Việc tổ chức rút kinh nghiệm sau các phiên tòa được coi như những buổi học tập thực tế, là cơ hội tốt nhất không chỉ giúp cho Kiểm sát viên trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại phiên tòa mà tất cả các Kiểm sát viên và cán bộ trong đơn vị cùng học tập, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ của từng cá nhân. Thông qua kết quả các phiên tòa rút kinh nghiệm cho thấy việc học tập rút kinh nghiệm không chỉ cần thiết đối với Kiểm sát viên mà còn có tác dụng thiết thực đối với các Thẩm phán, chính vì vậy, nhiều đơn vị đã có kế hoạch phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm sát viên và Thẩm phán. Ngoài ra, nhiều đơn vị đã kết hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm gắn với xét xử lưu động đem lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn vùng sâu vùng xa trong tỉnh.
Phạm Thị Thu Hà – Phòng 7