Trong những năm qua, tham nhũng, lãng phí ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách. Trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhiệm vụ chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên là đặc biệt quan trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định chỉ có những người với “bàn tay sạch”, “tấm lòng sạch” mới có đủ dũng khí để dọn sạch tàn dư của những thói hư tật xấu đã len lỏi vào một bộ phận cán bộ của chúng ta.
Tham nhũng, tiêu cực là những hiện tượng xã hội có tính lịch sử, gắn liền với nhà nước và quyền lực trong xã hội phân chia giai cấp. Nó tồn tại ở mọi quốc gia, hiện diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển. Tham nhũng, tiêu cực là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Các nghiên cứu về tham nhũng, tiêu cực ở các nước trên thế giới và Việt Nam cho thấy tham nhũng, tiêu cực là hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước và các quyền lực công cộng khác. Tham nhũng, tiêu cực tồn tại ở mọi chế độ với những mức độ khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy phức tạp trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tìm ra được “phương thuốc đặc trị”, hiệu quả căn bệnh trầm kha này đang là vấn đề không đơn giản đối với các quốc gia.
Quan điểm của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hệ thống những tư tưởng, định hướng mang tính chiến lược cho công cuộc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và của công dân, góp phần giữ ổn định và phát triển của toàn xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội (Điều 4 Hiến pháp năm 2013). Cương lĩnh chính trị năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và Điều lệ Đảng đã xác định: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Đảng xác định cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, là lực lượng quyết định việc tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối chính trị, là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, cán bộ cũng là gốc rễ của tham nhũng, tiêu cực, vì tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nếu nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên yếu kém, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, không trong sạch, vững mạnh dẫn đến tham nhũng, tiêu cực thì sẽ làm suy yếu Đảng, gây ảnh hưởng đến uy thế, thanh danh của Đảng, từ đó đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự. tổng kết công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ XII, Đại hội XIII đã chỉ ra: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp”. Do vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên là việc hết sức cấp bách và ưu tiên hàng đầu của Đảng ta trong quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Hành vi tham nhũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển làm cho kinh tế chậm phát triển, thất thoát, lãng phí tài sản của dân, thiệt hại ngân sách, gây rối loạn nền kinh tế, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng. Hơn nữa, nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, làm cho chế độ chính trị dần suy yếu từ bên trong, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch tấn công ta, dẫn đến sụp đổ nếu không kịp thời chấn chỉnh. Có thể nói, tham nhũng là căn bệnh của bộ máy quyền lực, là một trong những nguyên nhân tạo ra sự trì trệ, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, gây mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, nên trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và lần thứ XII đã đề ra một số chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.
Tham nhũng, tiêu cực đã tác động xấu đối với nhiều lĩnh vực của đời sống đất nước, cả về chính trị, kinh tế, xã hội, kỷ cương, kỷ luật. Về chính trị, tham nhũng, tiêu cực là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Tham nhũng, tiêu cực nếu không sớm loại trừ sẽ gây nguy hại về nhiều mặt, như: làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trở nên quan liêu, xa dân, xuống cấp và hoạt động kém hiệu lực. Về kinh tế, nó gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, tiền của, thời gian, công sức của nhân dân; làm chậm nhịp độ phát triển nền kinh tế. Đồng thời, phá vỡ chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; hạn chế các nhà đầu tư thâm nhập thị trường; làm suy giảm uy tín, năng lực cạnh tranh; trực tiếp tác động xấu đến các chính sách an sinh xã hội; làm cạn nguồn đầu tư nội địa, gây trở ngại cho hoạt động kinh tế vĩ mô, kìm hãm hoạt động của các ngành kinh tế vi mô. Về xã hội, tham nhũng, tiêu cực làm tha hóa nhân cách con người, xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Tình trạng chạy theo lợi ích vật chất, vì đồng tiền sẵn sàng chà đạp lên luân thường, đạo lý, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, hủy hoại các dịch vụ công, gây nên những bức xúc trong đời sống xã hội. Đồng thời, làm méo mó, lệch chuẩn các quy tắc, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức; gây tê liệt hệ thống hành pháp, mất đoàn kết nội bộ và đó sẽ là cơ hội cho kẻ thù lợi dụng chống phá. Về kỷ cương, kỷ luật, tham nhũng, tiêu cực làm rối loạn kỷ cương, gây đảo lộn các quan hệ xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân vào công lý, lẽ phải và lối sống có tình nghĩa. Thậm chí, nếu không ngăn chặn triệt để, đối tượng tham nhũng, tiêu cực có thể còn liên kết với các tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, tội phạm tẩy rửa tiền làm đảo lộn xã hội, xâm hại nền tảng đạo đức và công lý cũng như sự phát triển toàn diện của con người. Hiện nay, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, trong đó có cả trọng án có quy mô lớn được phát hiện, điều tra, xử lý cho thấy xuất hiện xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội trong các khu vực, lĩnh vực kinh tế, có yếu tố nước ngoài với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.
Để tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước. Ngày 27/6/2023, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân. Yêu cầu toàn ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng” và “đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, chí công, vô tư”.
Đơn vị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình luôn tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ; tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra trong nội bộ đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, chủ động tự phát hiện và xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhất là các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với bị can, bị cáo, đương sự, người khiếu nại, tố cáo và người có liên quan. Tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người khiếu nại, tố cáo tham nhũng, tiêu cực và xử lý người có hành vi lợi dụng tố cáo tham nhũng, tiêu cực để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác. Nhận thức dầy đủ tính chất nguy hiểm và tác hại của tệ tham nhũng, VKSND tối cao đã quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng đặc biệt là các yêu cầu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận số 21-KL/TW ngày 12/5/2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X; Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình mới”; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ( khóa XI) ; các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Qua đó, toàn thể Kiểm sát viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị nắm vững chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật và Công ước của Liên hiệp quốc về phòng, chống tham nhũng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong những năm qua dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái, của Huyện ủy Yên Bình đơn vị Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình không ngừng nâng chuyên môn, hiệu quả công tác và xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Do vậy, đơn vị đã luôn quan tâm quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Lãnh đạo Viện chỉ đạo tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các tội phạm tham nhũng và chức vụ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, yêu cầu khởi tố, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Chú trọng công tác phối hợp với các ban, ngành của huyện, đặc biệt là các cơ quan trong khối nội chính.
Công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Viện Kiểm sát nhân dân đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức với nội dung phong phú, như: Đăng tải các tin, bài tuyên truyền các đạo luật mới về tư pháp; cập nhật các hoạt động của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ công tác kiểm sát, trong đó có việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, qua đó định hướng dư luận và đưa thông tin chính xác nhất tới nhân dân về cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đang tiến hành.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng chống tham nhũng,Viện kiểm sát đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tổ chức cho toàn ngành thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; rèn luyện theo 5 đức tính Bác Hồ dạy người cán bộ Kiểm sát…..; thực hiện nghiêm túc Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, các quy chế chi tiêu, nội bộ; quy tắc đạo đức …
Hai là, VKS các cấp thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong báo cáo quá trình khởi tố điều tra truy tố xét xử hành vi tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính cấp tỉnh.
Ba là, chủ động kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu, nắm chắc chứng cứ, tình tiết vụ án tham nhũng; đề ra yêu cầu điều tra, theo dõi, đôn đốc cơ quan điều tra làm triệt để từ thu thập chứng cứ, tài liệu đến khởi tố vụ án, bị can, phát hiện, niêm phong, tịch thu tài sản do hành vi tham nhũng chiếm đoạt; kết thúc điều tra, quyêt định truy tố, đưa ra xét xử; đấu tranh làm rõ tội trạng của bị cáo. Kiểm sát chặt chẽ bản án, đảm bảo cho xét xử, tuyên phạt và xử lý tài sản đúng quy định của pháp luật.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, tòa án đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nhanh chóng nghiêm minh đúng quy định của pháp luật, xử lý triệt để cả về người, tài sản bị hành vi tham nhũng chiếm đoạt. Đôn đốc cơ quan Thi hành án thu hồi nhanh, kịp thời tài sản cho Nhà nước bị hành vi tham nhũng chiếm đoạt.
Năm là, VKS các cấp thường xuyên nâng cao, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ Kiểm sát viên làm công tác chống tham nhũng, án tham nhũng về trình độ điều tra, pháp luật, tài chính, kinh tế…để có đủ khả năng làm tốt công tác này, có hiệu quả chất lượng hơn.
Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình tiếp tục chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng xử lý kiên quyết, triệt để, nghiêm minh tội phạm tham nhũng, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam, quê hương Yên Bái hòa bình, thống nhất, giàu đẹp, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
Phạm Hiền Mai – VKSND huyện Yên Bình