Toàn cảnh phiên tòa giả định.
Đến dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên; huyện đoàn Lục Yên; Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo và các em học sinh Trường THPT Hồng Quang.
Các em học sinh Trường THPT Hồng Quang tham gia.
Tại phiên tòa các em học sinh được xem tình huống giả định và quá trình xét xử vụ án. Theo hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa: Vào khoảng 6 giờ 55 phút ngày 03/05/2023 Hoàng Xuân Đạt, sinh ngày 20/01/2007 do lo sợ đi học muộn nên đã hỏi lấy xe mô tô BKS 10A-260.13 là xe của gia đình để đi học và được anh Hoàng Văn Nam, sinh năm 1979 (là bố đẻ của Đạt) đồng ý cho Đạt lấy xe đi học. Anh Hoàng Văn Nam biết Đạt chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi để điều khiển xe mô tô theo quy định của pháp luật nhưng vẫn đưa chìa khóa xe mô tô cho Đạt để Đạt lấy xe đi học. Khi lấy được chìa khóa xe Đạt một mình điều khiển xe mô tô BKS 10A-206.13 đi từ nhà tới trường THPT Hà Yên, tỉnh Yên Thái, khi đến khúc cua đoạn đường tỉnh lộ thuộc KM13 + 900 thuộc địa phận thôn 6, xã Nam Yên, huyện Hà Yên, tỉnh Yên Thái, do không chú ý quan sát, mất tập trung khi lái xe nên Hoàng Xuân Đạt đã đâm va vào phía sau lưng của Lê Thị Hà, sinh năm 1998, trú tại thôn 6, xã Nam Yên, huyện Hà Yên, tỉnh Yên Thái đang đi bộ sát mép đường bên phải cùng với chiều di chuyển của Đạt khiến chị Hà bị hất tung lên đập vùng gáy xuống đường bất tỉnh. Tại bản kết luận giám định tổn thương cơ thể trên người sống số 83/KLTT-TTPY ngày 11/06/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh Yên Thái kết luận: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của chị Lê Thị Hà tại thời điểm giám định là 65% (sáu mươi lăm phần trăm). Các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hà Yên đã khởi tố, truy tố đối với Hoàng Xuân Đạt về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 BLHS và Hoàng Văn Nam về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo điểm b khoản 1 Điều 264 BLHS.
Hội đồng xét xử tại phiên tòa giả định.
Quá trình diễn ra phiên tòa giả định, các tình tiết trong vụ án kết hợp với diễn xuất của các diễn viên đã lôi cuốn người xem ngày từ khi bắt đầu phiên tòa. Các “vai diễn”, nhất là vai “bị cáo”, “bị hại” được lựa chọn đảm bảo phù hợp với tâm lý, sự hiểu biết pháp luật của các em học sinh và đoàn viên thanh niên tham dự tại phiên tòa.
Kiểm sát viên công bố bản Cáo trạng.
Bên cạnh đó, phát biểu luận tội của đại diện Viện kiểm sát, các ý kiến của Hội đồng xét xử đã giúp các em học sinh, cùng những người tham dự phiên tòa nhận thức rõ, thế nào là hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và hành vi “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo quy định của BLHS và mức hình phạt dành cho người phạm tội, trách nhiệm của gia đình và nhà trường khi vụ việc xảy ra.
Kết thúc phiên tòa giả định, các em học sinh trường THPT Hồng Quang còn được tham gia giao lưu trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ án, các điều luật, quy định, mức xử phạt về hành vi phạm tội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật.
Các em học sinh tham gia giao lưu, trả lời câu hỏi
Phiên tòa giả định là một trong những hoạt động thiết thực của tuổi trẻ khối các cơ quan huyện hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biết giáo dục pháp luật, góp phần định hướng, giáo dục cho đoàn viên thanh niên và các em học sinh, cụ thể là những quy định của pháp luật về Luật giao thông đường bộ, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, từ đó thực hiện nghiêm túc tinh thần sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; tạo được thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, vì một xã hội Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh./.
Tú Vân
VKS Lục Yên.