Nội dung vi phạm:
Vụ thứ nhất: Hồi 9 giờ ngày 22 tháng 7 năm 2020 Công an xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ bàn giao đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Nghĩa Lộ hồ sơ tin báo vụ cố ý gây thương tích xảy ra ngày 19 tháng 7 năm 2020 tại xã Nghĩa An, nhưng đến ngày 31 tháng 7 năm 2020, sau 9 ngày mới tổ chức khám nghiệm hiện trường. Kết quả khám không phát hiện được dấu vết gì liên quan đến tội phạm.
Vụ thứ hai: Ngày 7 tháng 8 năm 2020 Công an xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ bàn giao đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Nghĩa Lộ hồ sơ tin báo vụ cố ý gây thương tích xảy ra ngày 3 tháng 8 năm 2020 tại xã Phù Nham, nhưng đến ngày 21 tháng 8 năm 2020, sau 14 ngày mới tổ chức khám nghiệm hiện trường. Kết quả khám cũng không phát hiện được dấu vết gì liên quan đến tội phạm.
Mặc dù tại Điều 201 Bộ luật TTHS không quy định cụ thể thời hạn phải tổ chức khám nghiệm hiện trường kể từ khi cơ quan điều tra tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, nhưng tại Điều 19 Bộ luật TTHS đã quy định “…Mọi hoạt động điều tra phải… nhanh chóng, chính xác mọi hành vi phạm tội…” và tại khoản 2 Điều 3 Luật tổ chức điều tra hình sự đã quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự như sau: “… điều tra kịp thời, nhanh chóng, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội”.
Viện kiểm sát nhân dân thị xã Nghĩa Lộ xác định hiện trường là nơi chứa đựng nhiều thông tin về tội phạm đã xảy ra. Việc chậm trễ trong tổ khám nghiệm hiện trường các vụ việc nêu trên là không đảm bảo tính nhanh chóng nhằm phát hiện, thu thập dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng để chứng minh tội phạm. Do đó Viện kiểm sát nhân dân thị xã Nghĩa Lộ đã kiến nghị Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Nghĩa Lộ, chỉ đạo các Điều tra viên rút kinh nghiệm và tổ chức khám nghiệm hiện trường nhanh chóng đối với các vụ việc tương tự.
Đỗ Thái Trung – VKS thị xã Nghĩa Lộ