Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Là người suốt đời “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, trước lúc phải từ biệt thế giới này “để đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”, trong Di chúc để lại, Người căn dặn: Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; và phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch; xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; do vậy Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và coi đó là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết.
Khi nói về vai trò quan trọng của đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức là yếu tố không thể thiếu trong đời sống xã hội loài người và đối với cá nhân con người xã hội, ví như :
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người”.
Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong Di chúc, Người vẫn dành một phần trang trọng để bàn về vấn đề đạo đức, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Đảng bộ VKSND tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị học tập, quán triệt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trong mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực công tác, mỗi tầng lớp nhân dân, Người luôn có những lời dạy về đạo đức cách mạng, về thực hiện nhiệm vụ của từng ngành thật giản dị, gần gũi mà sâu sắc, thấm thía. Đối với cán bộ tư pháp, trong thư gửi Hội nghị công tác tư pháp tháng 2/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành”, “các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”, khi thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời dạy đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trong, Khiêm tốn”, Bác Hồ dạy chúng ta:
– Phải Công minh, nghĩa là trong công việc người cán bộ Kiểm sát phải luôn công bằng và sáng suốt, phải luôn rõ ràng và minh bạch. Theo từ điển tiếng việt, thì “Công minh” là “Công bằng và sáng suốt”; công bằng là một trong những chủ chương, chính sách của Đảng ta, là nguyên tắc quan trọng được pháp luật quy định, đây là tiêu chuẩn đầu tiên và có tính nguyên tắc. Cán bộ kiểm sát thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh, xử lý vi phạm, tội phạm, việc thực hiện nguyên tắc công bằng phải được đề cao để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và mọi công dân không bị xâm hại. Bên cạnh việc thực hiện công bằng phải luôn bảo đảm tính sáng suốt; nếu không sáng suốt sẽ không phân biệt được phải trái, trắng đen, đúng sai, có tội hay không có tội, rất dễ dẫn đến oan, sai; thiếu công bằng, sáng suốt thì không thể làm đúng pháp luật, không thể kiểm sát được ai; giải quyết công việc thiếu công bằng thì nhân dân sẽ không tin vào cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt hơn nữa làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào Đảng vào chế độ. Do vậy, khi thực hiện nhiệm vụ “cầm cân, nẩy mực”, cán bộ Kiểm sát luôn phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để bảo đảm sự công bằng, đồng thời phải có năng lực, trình độ, bản lĩnh, đạo đức và lương tâm trong sáng như lời Bác Hồ dạy: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục” để giải quyết công việc một cách công tâm, minh bạch, rõ ràng. Cái tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì khi xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng. Làm cán bộ Kiểm sát, với trách nhiệm giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, bảo vệ pháp luật phải công tâm, là người giữ cán cân công lý không thể vì những lợi ích vật chất tầm thường, vì lợi ích cá nhân mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như hình ảnh của người đảng viên, người cán bộ Kiểm sát. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp phải theo đúng lẽ phải, không thiên vị, nhận thức rõ ràng và giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn theo hướng dẫn của pháp luật, không sai lầm. Người cán bộ Kiểm sát có sáng suốt thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng và khi sự việc được giải quyết một cách công bằng thì mới đảm bảo được bảo vệ lẽ phải, bài trừ cái xấu trong xã hội. Sự công minh của cán bộ Kiểm sát trước hết đòi hỏi cán bộ Kiểm sát phải làm đúng các quy định của pháp luật, nhất là trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Cái tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng. Là người được giao nhiệm vụ “cầm cân nẩy mực” giữ gìn cán cân công lý, cán bộ Kiểm sát quyết không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư hoặc vì nể nang mà bẻ cong cán cân công lý.
– Bác Hồ dạy cán bộ kiểm sát phải Chính trực, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải có dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, phải luôn ngay thẳng trong mọi công việc. Chính trực có nghĩa là “có tính ngay thẳng”, khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, người cán bộ phải có dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, ngay thẳng trong công việc, có bản lĩnh vững vàng, làm việc theo đúng lẽ phải, không gian dối, hay nói cách khác đó là sự trung thực gắn liền với đạo đức. Mỗi người cán bộ Kiểm sát khi được giao nhiệm vụ thì quyết tâm thực hiện “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”. Có thể coi, chính trực là sự hoàn hảo trong cách hành xử của mỗi con người nói chung và của người cán bộ Kiểm sát nói riêng. Trong công việc, người cán bộ Kiểm sát phải nắm vững các chính sách của Đảng và pháp luật để qua đó vận dụng một cách linh hoạt nhưng cũng phải có căn cứ giữa pháp luật với chính sách trong từng trường hợp. Mọi hành vi của cán bộ, Kiếm sát viên phải xuất phát từ quy định của pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng tội, không được làm oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân, không nể nang đối với người thân thích; không vì lợi ích cá nhân mà né tránh, không dám thẳng thắn đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của tập thể, không vì tư thù mà xử lý sai đối với người dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, phê bình những biểu hiện sai trái của mình. Người cán bộ Kiểm sát công minh, chính trực luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thái độ quyết đoán khi giải quyết công việc, không do dự và dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
– Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Khách quan, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp phải xuất phát từ thực tế khách quan để xem xét đánh giá sự việc một cách toàn diện, cụ thể trong từng sự việc. Khách quan được hiểu là “Cái tồn tại bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức, ý chí của con người, trong quan hệ đối lập với chủ quan”, gắn với việc thực hiện mỗi chức năng,nhiệm vụ công tác kiểm sát phải xuất phát từ thực tế khách quan để xem xét đánh giá sự việc. Khi giải quyết công việc, phải xuất phát từ thực tế, phải có cái nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện dựa trên lý luận và pháp lý, đảm bảo các vấn đề thể hiện một cách trung thực, không suy diễn, không xuyên tạc, bóp méo sự thật; tránh nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chủ quan, phiến diện, mang tính chất cá nhân mà quên đi mối quan hệ của sự việc với tổng hòa các mối quan hệ khác. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải xác định đi sâu tìm hiểu, phân tích, làm rõ bản chất của sự việc, dựa vào những cơ sở lý luận khoa học, cơ sở thực tế để đưa ra ý kiến tham mưu cho Lãnh đạo Viện một cách toàn diện, có căn cứ. Qua đó, đảm bảo giải quyết sự việc một cách toàn diện, chính xác, đúng quy định của pháp luật; mỗi cán bộ Kiểm sát phải luôn khách quan, không vì ý thức chủ quan và không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư hoặc vì nể nang mà thiên lệch trong công việc, cũng không vì “chạy theo thành tích” hay vì “thỏa hiệp” trong hoạt động mà làm mất đi tính khách quan cần phải có.
– Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Thận trọng, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng nhiệm vụ, người cán bộ Kiểm sát phải suy nghĩ thấu đáo không để sai sót trong mọi việc, “Có đắn đo, suy tính thận trọng trong hành động để tránh sai sót”. Trong thực hiện chức năng nhiệm vụ, người cán bộ Kiểm sát phải gán suy nghĩ với hành động, cẩn trọng không để sai sót trong công việc bởi lẽ sai sót trong việc là một trong những nguyên nhân dẫn đến oan, sai, làm giảm niềm tin của nhân dân với các cơ quan pháp luật. Do vậy, sự thận trọng chính là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của người đảng viên, người cán bộ Kiểm sát; khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực công tác, người cán bộ Kiểm sát phải đi sâu nghiên cứu, từng bước đánh giá, phân tích về mọi tình tiết, hoàn cảnh của sự việc thực tế, tránh bỏ lọt các tình tiết dù chỉ là nhỏ nhất mà từ đó có thể xảy ra việc hiểu sai, đánh giá sai về bản chất của sự việc. Trên cơ sở kết quả đã đánh giá, tiếp tục đối chiếu với quy định của pháp luật, từ đó xác định đầy đủ cơ sở pháp lý giúp cho việc giải quyết vụ việc đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời. Tính thận trọng cũng có nghĩa người cán bộ Kiểm sát phải không được qua loa, đại khái, xem xét đánh giá sự việc một cách hời hợt, thoáng qua. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng thận trọng ở đây không đồng nghĩa với do dự hay thiếu quyết đoán; và quyết đoán cũng không được chủ quan, giải quyết sự việc với “cái đầu nóng” mà làm thiếu đi tính chính xác.
– Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Khiêm tốn, là trong công việc và trong cuộc sống đời thường, người cán bộ Kiểm sát phải tự đánh giá đúng mức bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không cho mình là hơn người, có như vậy mới có điều kiện để cùng mọi người làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Khiêm tốn là một trong những đức tính quý của mỗi con người, càng khiêm tốn thì càng học hỏi được nhiều và được người khác yêu mến, quý trọng. Sự khiêm tốn thật sự phải được đặt trong mối quan hệ đối với tự mình và đối với mọi người. Người cán bộ kiểm sát phải có thái độ sống tích cực, tự đánh giá đúng mức bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không cho mình là hơn người mà coi thường người khác, không tự thoả mãn mà dừng phấn đấu, học tập để tiếp tục vươn lên. Có khiêm tốn thì mới biết tôn trọng bản thân, phân biệt rõ được sự khen chê, mà rút kinh nghiệm để tích cực học hỏi, phấn đấu rèn luyện bản thân tốt hơn. Thái độ khiêm tốn thể hiện qua từng lời nói, hành động và cử chỉ đúng mực với mọi người. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật là công việc khó khăn, mà ở đó nếu có sự khiêm tốn, kiên trì, mềm dẻo nhưng kiên quyết thì mới có được kết quả tốt nhất, mới có được sự ghi nhận của nhân dân. Không vì những thành tích, kết quả đã đạt được dẫn đến coi thường người khác, thể hiện sự quan liêu trong công việc cũng như mối quan hệ trong công tác, có như vậy mới có điều kiện để cùng mọi người làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Từ khi thành lập ngành đến nay (1960-2022), lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn; đã, đang và sẽ mãi mãi là phương châm giáo dục, bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát Yên Bái; là kim chỉ nam, là chuẩn mực đạo đức để mỗi cán bộ Ngành kiểm sát nhân dân phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Bác dạy: “mỗi cán bộ kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Năm đức tính gói gọn trong một câu nói tưởng chừng như rất đơn giản nhưng để thực hiện và thực hiện tốt lại đòi hỏi một sự nỗ lực không hề nhỏ đối với từng cán bộ, kiểm sát viên trong Ngành.
Hơn 62 năm qua, cán bộ, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái luôn tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Bác: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn, từng bước xây dựng hình ảnh người cán bộ kiểm sát đủ đức, đủ tài để bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã phát động đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Đảng và hơn 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Nội dung học tập và làm theo tấm gương của Bác gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tư tưởng và công tác chuyên môn của cán bộ, đảng viên theo tấm gương của Bác, như: Nêu cao tinh thần, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, trung thực, trách nhiệm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan trong sạch, vững mạnh; rèn luyện lối sống giản dị, lành mạnh, trong sáng; có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm túc Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và nội quy của cơ quan, đơn vị, quy chế văn hóa công sở… Bên cạnh đó, Đảng ủy đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc và các tổ chức đoàn thể để đưa nội dung tìm hiểu, thực hiện Di chúc của Người vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, vào các phong trào thi đua do ngành phát động được Viện KSND tỉnh Yên Bái thực hiện nghiêm túc, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác của đơn vị, tạo sự chuyển biến căn bản cả về nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ kiểm sát viên. Với chức năng, nhiệm vụ là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát các cấp đã góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, tội phạm, đồng thời bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật tuân thủ đúng quy định. Xây dựng Đảng bộ, đơn vị trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hơn 62 năm thực hiện lời Bác Hồ dạy, ngành Kiểm sát nhân dân Yên Bái đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng trưởng thành, ngày càng có vị thế, uy tín trong lòng nhân dân, Bảng vàng thành tích ngày càng nối dài thêm: 01 lần được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (2016); 04 lần được tặng Huân chương Lao động hạng Ba (1966, 1990, 1997, 2010); Được Thủ tướng Chính phủ tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” (năm 2021), tặng Bằng khen (giai đoạn 1999-2001); 22 lần được tặng Cờ thi đua Ngành Kiểm sát nhân dân; 16 lần được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao công nhận “Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Tập thể nhỏ: 01 Huân chương Lao động hạng Nhất; 02 Huân chương Lao động hàng Nhì; 10 Huân chương Lao động hạng Ba; 17 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 64 Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối và nhiều Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao của UBND tỉnh. Về cá nhân: có 01 Huân chương Độc lập hạng Ba; 01 Huân chương Lao động hạng Nhất; 01Huân chương Lao động hạng Nhì; 06 Huân chương Lao động hạng Ba; 13 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; hàng trăm lượt cán bộ, Kiểm sát viên tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua ngành, được tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao và của Chủ tịch UBND tỉnh, được tặng Huân, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ và Kỷ niệm chương Bảo vệ pháp luật./.
Phạm Thị Nguyệt – Phòng 9