Trong quá trình thi hành Luật tố tụng hành chính, Viện kiểm sát 2 cấp đã kiểm sát thụ lý tổng số 10 vụ. Số đã giải quyết 10 vụ; trong đó: xét xử 4 vụ, đình chỉ 5 vụ (lý do: người khởi kiện rút đơn khởi kiện), tạm đình chỉ: 1 vụ (lý do: người khởi kiện có đơn xin tạm đình chỉ).
Trong quá trình kiểm sát đã phát hiện những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật tố tụng hành chính, cần thiết phải có hướng dẫn như: trình tự thủ tục đối thoại giữa các đương sự trong tố tụng hành chính; vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính; thời hạn cung cấp chứng cứ…Luật quy định tiếng nói và chữ viết dùng trong TTHC là tiếng Việt. Người tham gia TTHC có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; trong trường hợp này phải có người phiên dịch. Tuy nhiên, Luật không quy định cụ thể về người phiên dịch như tiêu chuẩn, điều kiện; người phiên dịch do Tòa án hay người tham gia tố tụng lựa chọn, điều này gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, nhất là đối với vụ án mà cả người khởi kiện và người bị kiện đều cần dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình.Vì vậy nên quy định rõ người phiên dịch do Tòa án chỉ định.
Ngoài ra cũng cần có hướng dẫn thế nào là quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ cơ quan tổ chức…
Nhìn chung, từ khi có Luật TTHC, việc giải quyết các vụ án hành chính đã được thuận lợi, chất lượng giải quyết các vụ án được nâng lên, bảo đảm quyền lợi của các đương sự trong TTHC, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Thông qua công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án hành chính ở địa phương, về cơ bản các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa cấp tỉnh, cấp huyện, giữa liên ngành Tòa án, VKS đã được thực hiện chặt chẽ, từng bước nâng cao chất lượng công tác giải quyết các vụ án hành chính, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác này, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị đối với khâu công tác kiểm sát việc giải quyết án hành chính; bố trí sắp xếp và ổn định cán bộ, kiểm sát viên của cả hai cấp đủ về số lượng, mang tính chuyên sâu; đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác; đề cao vai trò, trách nhiệm của kiểm sát viên trong công tác kiểm sát giải quyết án hành chính.Vì án hành chính là một trong những loại án khó, phức tạp, nhạy cảm.
Một số vướng mắc như đã nêu ở trên cần sửa đổi trong Luật TTHC và hướng dẫn thống nhất về việc áp dụng pháp luật của hai ngành Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đàm Thị Tuyết – VKSND tỉnh