Trong cuốn Hồ Chí Minh toàn tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại khẳng định: “tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra”; “những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân, tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Trước những nguy cơ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực – thứ “giặc nội xâm” không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong chính hệ thống tổ chức của Nhà nước ta làm suy giảm nghiêm trọng nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra rào cản trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thậm chí là cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá nước ta, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ… thì trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ đặc biệt hàng đầu của toàn Đảng và Nhà nước, trong đó có Ngành kiểm sát Yên Bái. Với chức năng “Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp” được quy định tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Đây cũng chính là “Thanh bảo kiếm sắc bén” mà Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tích cực phát huy trong mọi lĩnh vực để phát hiện, đấu tranh, phòng chống “vấn nạn” tham nhũng, tiêu cực đang nhức nhối hiện nay trong toàn xã hội, lấy lại niềm tin của Nhân dân vào công lý.
Trong tâm thế quyết tâm chính trị cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã tích cực hành động, tăng cường chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp ngay từ khâu giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và trong suốt quá trình điều tra, đảm bảo mọi tội phạm về tham nhũng được phát hiện đều bị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, kiên quyết chống bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Theo Báo cáo tổng kết của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái, từ năm 2013 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 22 vụ/ 105 bị can về các tội phạm tham nhũng (riêng từ năm 2018 đến 06 tháng đầu năm 2023 là 17 vụ/ 95 bị can, tăng 12 vụ/ 95 bị can (340% số vụ/950% số bị can) so với 5 năm từ 2013-2016 là 05 vụ/10 bị can), chủ yếu về các tội Tham ô, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ… Kết quả trên là bước chuyển tích cực trong công tác đấu tranh, xử lý và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm gần đây của Ngành kiểm sát Yên Bái ngày càng hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, được sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân.
Bên cạnh đó, việc hạn chế một số quyền của công dân, nhất là trong lĩnh vực khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, được giao cho một số cơ quan và cá nhân đảm nhiệm. Vì vậy, hoạt động phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và một số lệnh, quyết định quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền công dân như: lệnh bắt khẩn cấp, quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam… của Cơ quan điều tra được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đặc biệt chú trọng kiểm sát không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế các quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản một cách trái pháp luật và không để dẫn đến sự lạm quyền, vụ lợi của một số người, cơ quan có trách nhiệm nêu trên. Nếu xét thấy các lệnh, quyết định đó không có căn cứ, trái pháp luật thì Viện kiểm sát không phê chuẩn hoặc ra quyết định hủy bỏ.
Thông qua hoạt động kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, trong đó có hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái áp dụng các quyền năng pháp lý để đảm bảo cho việc tiến hành tố tụng được thực hiện đúng quy định của pháp luật, khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật. Đồng thời Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái nêu cao trách nhiệm phát hiện vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, áp dụng các biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để gạt trừ việc vi phạm pháp luật của những cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
Tham nhũng, tiêu cực giống như “tảng băng trôi”, đấu tranh với nó không chỉ là đấu tranh với phần nổi mà phải đấu tranh từ sâu bên trong, từ tận gốc phần chìm tiềm ẩn của của nó. Đó chính là cuộc đấu tranh khó khăn, gian nan nhất với “giặc trong lòng” chính bản thân mỗi người và trong nội bộ mỗi cơ quan, đơn vị… Để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ “trong trứng nước”, tránh tham vọng, tư lợi được nuôi lớn dần trong tư tưởng mỗi cán bộ, Đảng viên, công chức và người lao động trong đơn vị. Bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của toàn dân tộc Việt Nam. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái chú trọng đặc biệt đến công tác quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Tỉnh ủy Yên Bái về công tác phòng, chống tham nhũng trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái, như: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng; các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về phòng chống tham nhũng, như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về chống tham nhũng; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, các quy định về công khai, minh bạch của Luật phòng chống tham nhũng; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong Cơ quan, tổ chức, đơn vị; Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 14/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 07/CT-TU ngày 25/3/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2021- 2025; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; Hướng dẫn số 25-HD/TW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái cũng tăng cường chỉ đạo việc học tập, quán triệt sâu sắc và và vận dụng nhiều bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống tham nhũng được đúc kết rất quan trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, làm nền tảng cho những chỉ đạo, định hướng về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong Ngành kiểm sát Yên Bái.
Để tiếp tục khắc sâu vào suy nghĩ, tư tưởng mỗi người cán bộ kiểm sát về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thúc đẩy việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Viện kiểm sát nhân tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cụ thể: Kế hoạch số 63/KH-VKS ngày 13/01/2022 về công tác kiểm sát năm 2022; Kế hoạch số197/KH-VKS ngày 11/02/2022 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022; Kế hoạch số 1000/KH-VKS ngày 21/6/2021 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TU ngày 25/3/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2021- 2025; Kế hoạch số 119/KH-VKS ngày 20/01/2022 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái; Chương trình số 278/CTr-VKS ngày 25/02/2022 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Kế hoạch số 333/KH-BCS ngày 07/3/2022 về công tác tuyên truyền năm 2022 của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái. Ban hành Công văn số 1529/VKS-TTr ngày 14/10/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái về tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng và tổ chức Hội nghị chuyên đề triển khai Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, trong đó yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, thảo luận kỹ các nội dung: Vi phạm quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định về phòng, chống tội phạm; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (đã có 17/17 đơn vị trực thuộc tổ chức Hội nghị chuyên đề với tổng số 173 công chức, người lao động được quán triệt, học tập. Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Công văn số 1643-CV/BCS ngày 31/10/2022 về triển khai thực hiện Hướng dẫn số 25-HD/TW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến các chi bộ, đơn vị trực thuộc.
Hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đều rà soát các quy chế, quy định của đơn vị, tiếp tục thực hiện các quy định, quy chế còn phù hợp như: Quyết định số 1083/QĐ-VKS ngày 05/7/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, người lao động trong ngành Kiểm sát Yên Bái; Quyết định số 132-QĐ/BCSĐ ngày 31/3/2019 ban hành Quy chế về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái; Quyết định số 277/QĐ-VKS ngày 13/3/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ban hành, sửa đổi quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái; Quyết định số 537/QĐ-VKS ngày 24/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ban hành quy định về quản lý và sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị.
Học tập sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân là gốc”, dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng. Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện đã huy động sự đồng lòng và phát huy toàn bộ tâm huyết, công sức của Nhân dân và các tổ chức chính trị – xã hội trong cuộc “tự cách mạng” phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị. Chủ động triển khai, quán triệt kịp thời, hiệu quả về quyền được biết, quyền được kiểm tra và quyền được giám sát theo đúng quy định của ngành, của đơn vị về thực hiện dân chủ trong hoạt động đảm bảo tính công khai, minh bạch, tiếp cận thông tin của cán bộ, công chức, người lao động. Thường xuyên tổ chức, quán triệt, học tập các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về thực hiện Quy chế dân chủ như; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 161/QĐ-VKSTC ngày 30/3/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Yên Bái duy trì thường xuyên chế độ giao ban công tác tuần, tổ chức các hội nghị giao ban quý, sơ kết, tổng kết bằng hình thức trực tuyến giữa Viện kiểm sát tỉnh với các đơn vị cấp huyện; kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu công tác, lắng nghe những vướng mắc, khó khăn từ các đơn vị để kịp thời có những biện pháp chỉ đạo, điều hành đáp ứng yêu cầu công tác đề ra.
Hàng năm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ quan tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức và người lao động để kiểm điểm việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, các quy định của ngành kiểm sát nhân dân và Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động năm trước. Trên cơ sở đó những việc phải công khai để công chức và người lao động biết, những việc công chức và người lao động tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra được thảo luận, đóng góp ý kiến công khai; các thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, công chức, người lao động được giải đáp, giải quyết kịp thời. Cán bộ, công chức và người lao động của cơ quan, đơn vị đã tham gia góp ý kiến cho các hoạt động quản lý chính quyền của tập thể lãnh đạo, góp ý xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế quản lý và sử dụng tài sản công; công tác đánh giá phân xếp loại, xét thi đua khen thưởng, kỷ luật, xét hưởng các chế độ, chính sách, xét nâng lương và việc phân công các công tác khác đều được tiến hành công khai, dân chủ để công chức, người lao động được tham gia ý kiến.
Toàn cảnh Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái năm 2023
Toàn bộ các văn bản của cấp trên đều được scan chuyển trên phần mềm Quản lý văn bản của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đến các đơn vị để triển khai, thực hiện nghiêm túc, kịp thời; công khai thông tin, tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trên Trang Thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái để công chức, người lao động nắm bắt, quán triệt và thực hiện quyền, trách nhiệm, đóng góp ý kiến và giám sát thực hiện. Các chương trình, kế hoạch, báo cáo sơ kết, tổng kết của Ban cán sự đảng, của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đều được triển khai lấy ý kiến đóng góp.
Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái xây dựng hệ thống cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng” bằng việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ hàng năm như: ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy định về quản lý và sử dụng xe ô tô chuyên dùng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái; Quy định về quản lý và sử dụng tài sản công để thực hiện đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định; Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong dó, các định mức được xây dựng đảm bảo phù hợp với quy định đặc thù của ngành, của nhà nước và phù hợp với yêu cầu công tác chuyên môn của Ngành kiểm sát. Viện kiểm sát hai cấp đã thực hiện nghiêm túc việc công khai tình hình kinh phí được cấp hàng năm của đơn vị (được công bố tại Hội nghị cán bộ công chức hàng năm). Việc thực hiện mua sắm, thanh lý tài sản đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và đáp ứng kịp thời nhu cầu công việc của các đơn vị trực thuộc. Việc chấp hành chế độ, chính sách trong quản lý và sử dụng tài sản được thanh quyết toán đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, công khai, minh bạch, đúng quy định của Luật Ngân sách, chế độ kế toán và các văn bản có liên quan; không để sảy ra tham nhũng, lãng phí. Việc cải tạo, sửa chữa, bảo trì; đầu tư xây dựng công trình đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và thủ tục thanh, quyết toán đúng niên độ và đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; những việc cán bộ, công chức và người lao động được tham gia ý kiến đều được đưa ra bàn bạc, công khai theo đúng quy định. Việc chi tiêu kinh phí được cấp của Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Yên Bái được đảm bảo, đúng tiêu chuẩn; chi tiêu họp lý, hợp lệ, thanh quyết toán đầy đủ đúng quy định.
Hơn nữa, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái nghiêm túc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi thiếu minh bạch để tham nhũng hoặc có biểu hiện tham nhũng, từ đó “không dám tham nhũng” và không để xảy ra tham nhũng trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân. Năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 02 Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (Thành phố Yên Bái và Văn Chấn) đã sơ bộ đánh giá những ưu điểm, kết quả đã làm được, đồng thời đề nghị tập thể, cán bộ, công chức, người lao động tại 02 đơn vị tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị trong thời gian tới.
Đoàn công tác Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Quy tắc ứng xử, “văn hóa liêm chính” của người có chức vụ, quyền hạn và cán bộ, công chức trong đơn vị được chú trong với việc thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử ban hành kèm Quyết định số 08/QĐ-VKSTC ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành kiểm sát nhân dân; Quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về ban hành Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp và ban hành Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, người lao động trong ngành Kiểm sát Yên Bái (kèm theo Quyết định số 1083/QĐ-VKS ngày 05/7/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái). Cán bộ, công chức, người lao động trong hai cấp Kiểm sát Yên Bái thực hiện nghiêm các quy định, quy tắc ứng xử trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong nội bộ cơ quan, trong quan hệ công tác, trong gia đình, nơi cư trú, nơi công cộng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, không có trường hợp nào vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và những việc công chức không được làm.
Trong công tác cán bộ, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái không chỉ thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn mà việc chuyển đổi vị trí công tác còn được thực hiện thường xuyên đối với các cán bộ, công chức, người lao động trong hai cấp kiểm sát, tránh tình trạng ở lâu một vị trí dẫn đến sự cậy quyền, nể nang, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng mỗi cá nhân và trong nội bộ đơn vị. Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 514-NQ/BCS ngày 06/4/2022 về luân chuyển công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, theo đó định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ để bảo đảm ngăn ngừa, phòng chống suy thoái, trì trệ, tiêu cực và bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở cơ cấu tổ chức và số lượng biên chế được giao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý, phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ, công chức và đặc điểm tình hình của mỗi đơn vị. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức trong hai cấp Viện kiểm sát được thực hiện thường xuyên hàng năm, vừa tạo điều kiện rèn luyện, phấn đấu cho cán bộ, vừa đáp ứng yêu cầu công tác và góp phần phòng ngừa tham nhũng. Từ năm 2013 đến 06 tháng đầu năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tiến hành điều động, luân chuyển cán bộ, công chức và người lao động trong hai cấp là hơn 300 lượt đúng quy trình, công khai, minh bạch, phù hợp với vị trí việc làm và khả năng công tác của cán bộ.
Để kiểm soát các hành vi tham nhũng, tiêu cực, đơn vị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành; sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý văn bản của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các phần mềm quản lý án hình sự, dân sự, quản lý đơn, thống kê của ngành Kiểm sát nhân dân; thực hiện tốt bộ chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; tích cực phối hợp với Tòa án triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến; tích cực thực hiện việc số hóa hồ sơ, báo cáo bằng phương pháp trình chiếu, sơ đồ hóa.
Thường xuyên phối hợp với kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) quản lý tiền do ngân sách nhà nước cấp và chi trả lương và các khoản thu nhập hợp pháp khác cho cán bộ, công chức, người lao động nên rất thuận lợi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt và kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân. Cơ bản việc thanh toán chế độ, các chi phí hành chính và các khoản thanh toán đều thực hiện bằng hình thức không dùng tiền mặt. Việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Yên Bái, đã thực hiện đúng quy định Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, 100% cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát Yên Bái chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không có cá nhân, tổ chức nào có biểu hiện tham nhũng hay việc kê khai tài sản không trung thực.
Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Cấp ủy, người đứng đầu đơn vị Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Yên Bái luôn gương mẫu, quyết liệt, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị; giữ gìn thanh liêm của người cán bộ kiểm sát, coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng đơn vị.
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Yên Bái đã rà soát, tổng hợp những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kịp thời đóng góp ý kiến, kiến nghị khắc phục, sửa đổi, bổ sung, không để lỗ hổng pháp luật dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Thêm vào đó đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và về phòng, chống tham nhũng, tiêu nói riêng với nhiều hình thức đa dạng như Hội nghị trực tuyến, Phiên tòa xét xử hay các bài viết trên trang thông tin của ngành, xây dựng những tấm gương điển hình tiến tiến trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh… đặc biệt, tuyên truyền trong chính gia đình, người thân của mỗi cán bộ Ngành kiểm sát về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của toàn dân đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí…
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài, không ngừng nghỉ với quyết tâm cao của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động Ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái. Bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ Hiến định của Ngành cùng những giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thực hiện hiệu quả. Ban cán sự Đảng, lãnh đạo hai cấp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái luôn quan tâm đến cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức và người lao động trong Ngành kiểm sát Yên Bái để thấu hiểu, tạo môi trường làm việc hạnh phúc, thân thiện và có chính sách đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức, người lao động vượt qua những khó khăn về vật chất để các đồng nghiệp cùng nhau đoàn kết, gắn bó, yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tự giác nói không với “cám dỗ từ tham nhũng”.
Với những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng trong những năm vừa qua. Ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã ngày càng giữ vững niềm tin và hình ảnh đẹp của Người cán bộ kiểm sát trong lòng Nhân dân xứng đáng với “Mười chữ vàng” mà chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Ngành kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đó luôn là kim chỉ nam dẫn lối, là tiêu chí phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của người cán bộ Ngành kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, nhất là trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp cũng như công tác đấu tranh phòng, chống, kéo giảm, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong thời đại mới, thời đại hội nhập với thế giới./.
Hoàng Thị Kim Ngân – Văn phòng VKS tỉnh