Thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Cố ý gây thương tích”

THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM

Một số tồn tại trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra,

 kiểm sát xét xử án hình sự

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự thấy tại một số đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện tiến hành công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra một số vụ án chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Phòng 7) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thông báo đế các đơn vị tham khảo, rút kinh nghiệm chung.

NỘI DỤNG VỤ ÁN VÀ KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT.

Vụ thứ nhất:

Khoảng 19 giờ ngày 21/02/2017, tại nhà ông Ngô Văn Nho sinh năm 1967 ở thôn Đại Thành, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, xuất phát từ xô xát giữa ông Nho và ông Nguyễn Hữu Uyên sinh năm 1962, ở thôn 8, xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, hai con trai ông Nho là Ngô Văn Nhất, sinh năm 1995 và Ngô Văn Duy, sinh ngày 10/11/2000 đã dùng tay đấm vào mặt và dùng chân đạp vào mặt ông Uyên nhiều lần làm ông Uyên bị ngã dập đầu xuống đường bê tông dẫn dến chấn thương sọ não và đến khoảng 07 giờ sáng ngày 22/02/2017 thì ông Uyên chết tại gia đình. 

Bản án hình sự sơ thẩm số 62/2017/HSST ngày 19/10/2017 Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương tuyên bố Ngô Văn Nhất, Ngô Văn Duy phạm tội cố ý gây thương tích, về hình phạt: Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, đ, p khoản 1 Điều 46, Điều 33 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Nhất 07 năm tù. Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, đ, p khoản 1, 2 Điều 46; Điều 33; Điều 74 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Duy 03 năm tù. 

Vụ thứ hai:

Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 09/3/2017, tại nhà nghỉ Tích 98 thuộc thôn Tân Đệ, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, do mâu thuẫn phát sinh, Trần Ngọc Tú, sinh ngày 03/9/1994, trú tại thôn Tân Đệ, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư đã có hành vị dùng ghế nhựa đánh vào người và dùng dao chém vào người và khuỷu tay trái của anh Hoàng Công Hà, sinh năm 1977, trú tại số nhà 478, đường Trường Chinh, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định làm anh Hà bị vết thương mặt sau khuỷu trái, gãy mỏm khuỷu xương trụ trái, đứt bán phần dây thần kinh trụ trái, vết thương ngực trái, vết thương vùng cánh chậu trái, xây sát vai trái. 

– Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 24/17/TgT ngày 11/4/2017 của Trung tâm pháp y – Sở y tế Thái Bình kết luận về thương tích của anh Hoàng Công Hà: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 31%(Ba mươi mốt phần trăm).

Ngày 12/8/2017 anh Hoàng Công Hà có đơn xin giám định lại tỷ lệ thương tích với lý do: Anh cho rằng thương tích mà Tú gây ra không thể đến 31%. Ngày 16/8/2017 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư đã ra quyết định trưng cầu giám định lại đối với anh Hoàng Công Hà. 

– Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 4190/C54 – TT1 ngày 05/9/2017 của Viện khoa học hình sự Tổng cục cảnh sát, kết luận giám định lại về thương tích xác định: Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của anh Hoàng Công Hà tại thời điểm giám định lại là: 29% (Hai mươi chín phần trăm).

– Cáo trạng số 92/KSĐT ngày 13/11/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư truy tố Trần Ngọc Tú về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự. 

– Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2018/HSST ngày 11/01/2018 của Toà án nhân dân huyện Vũ Thư tuyên bố bị cáo Trần Ngọc Tú phạm tội cố ý gây thương tích. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 điều 51, điều 56, điều 38 BLHS năm 2015 xử phạt Trần Ngọc Tú 04 năm 6 tháng tù. Tổng hợp hình phạt với bản án số 90/2017/HSST ngày 01/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư xử phạt 06 tháng tù, buộc bị cáo Tú phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 05 năm tù.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM

Nhìn chung cả hai vụ án trên đều được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đúng thời hạn, trình tự quy định. Tuy nhiên qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Phòng 7 nhận thấy vẫn còn một số vi phạm, tồn tại trong quá trình điều tra, kiểm sát điều tra cần rút kinh nghiệm như sau:

1. Trong vụ án thứ nhất: 

– Về đánh số bút lục trong hồ sơ vụ án: Trong quá trình điều tra Cơ quan điều tra Công an huyện Kiến Xương đã thu thập Bản ảnh hiện trường, Bản ảnh tử thi, Bản ảnh dấu vết trên quần áo và Bản ảnh phương tiện do Phòng kỹ thuật hình

sự Công an tỉnh Thái Bình lập. Đây là chứng cứ, được đưa vào hồ sơ vụ án; các tài liệu này đã được đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra và được chuyển theo hồ sơ vụ án giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân ở huyện Kiến Xương, nhưng lại không đánh số thứ tự và không được đưa vào bảng thống kê tài liệu có trong hồ sơ và Biên bản bàn giao hồ sơ là không thực hiện đúng quy định tại tiết a, tiểu mục 20.2, mục 20 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC- BCA-BQP ngày 07/9/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ quốc phòng về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong thực hiện một số quy định của Bộ luật hình sự năm 2003. Đây là vụ án có kháng cáo nhưng các bản ảnh này cũng không được chuyển theo hồ sơ vụ án đến cấp phúc thẩm là vi phạm thủ tục tố tụng hình sự (sau khi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh yêu cầu thì các bản ảnh này mới được chuyển đến cấp phúc thẩm).

– Về Biên bản khám nghiệm tử thi, Bản kết luận giám định tử thi:

Tại biên bản khám nghiệm tử thi ông Nguyễn Hữu Uyên mô tả về vết thương đỉnh thái dương phải như sau: “Đỉnh thái dương phải có đường rạn xương sọ dài 2cm…”. Nhưng Bản kết luận giám định pháp y tử thi kết luận ông Nguyễn Hữu Uyên bị: “Đa chấn thương vùng đầu, mặt do vật tầy tác động, làm vỡ xương sọ vùng đỉnh thái dương phải, máu tụ dưới màng cứng vùng thái dương trái”. Như vậy cùng một vết thương ở đỉnh thái dương phải nhưng được mô tả khác nhau giữa biên bản khám nghiệm tử thi và Kết luận giám định là mâu thuẫn chưa được các Cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện Kiến Xương làm rõ.

2. Trong vụ án thứ hai 

Trong vụ án này, kết luận giám định của Trung tâm pháp y tỉnh Thái Bình kết luận anh Hoàng Công Hà bị tổn hại sức khỏe do thương tích gây lên là 31%. Sau khi được thông báo kết quả giám định, anh Hà đã làm đơn xin giám định lại vì cho rằng tỉ lệ thương tích là quá cao so với vết thương. Dựa trên cơ sở đề nghị này, Cơ quan điều tra đã cho anh Hà đi giám định lại tại Viện khoa học hình sự – Bộ Công an và được kết luận tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định lại là 29% và Cơ quan điều tra đã sử dụng kết quả giám định lại làm căn cứ giải quyết vụ án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 159 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Trong vụ án này, bị hại không đưa ra căn cứ để nghi ngờ kết luận giám định mà chỉ từ ý chí chủ quan cho rằng tỉ lệ thương tích quá cao so với vết thương, nhưng Cơ quan điều tra vẫn cho bị hại đi giám định lại. Lẽ ra trong trường hợp này, Cơ quan điều tra phải làm Công văn yêu cầu Cơ quan giám định pháp y của Thái Bình giải thích kết luận giám định pháp y về cách tính tỉ lệ tổn thương cơ thể của anh Hà, nếu thấy có sự nghi ngờ về kết quả mới trưng cầu giám định lại. Nhưng Cơ quan điều tra Công an huyện Vũ Thư chỉ dựa vào đơn yêu cầu của bị hại đã ra quvết định trưng cầu giám định lại và các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Vũ Thư sử dụng kết quả giám định lại đó để giải quyết vụ án là không đúng quy định của pháp luật. 

Những vi phạm, tồn tại nêu trên tuy chưa phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến xâm hại đến quyền, lợi ích họp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án, nhưng là những vi phạm thủ tục tố tụng liên quan đến thu thập, đánh giá chứng cứ và những tình tiết khác của vụ án, có thể là lý do để Luật sư và những ngưòi tham gia tố tụng đưa ra yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc yêu cầu hủy án ở cấp phúc thẩm. Do đó, Kiểm sát viên khi tiến hành kiểm sát điều tra cần tăng cường trách nhiệm, nghiên cứu kỹ các tài liệu trong hồ sơ vụ án, căn cứ pháp luật để kịp thời phát hiện vi phạm, yêu cầu Điều tra viên thực hiện đúng quy định của pháp luật. 

Để thực hiện nghiêm túc quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp mới ban hành, chủ trương tăng cừơng trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra, nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Phòng 7 – Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thông báo để các đơn vị rút kinh nghiệm, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiếm sát xét xử án hình sự trong thời gian tới./.

Theo tks.edu.vn

Ban Chỉ đạo 138 ngành Kiểm sát nhân dân triển khai chương trình phòng, chống tội phạm năm 2019
VKSND tối cao chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Ban Thường vụ Đảng ủy VKSND tối cao làm việc với Ban Chấp hành Đoàn thanh niên cơ quan
Ký kết chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019- 2022
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao mở rộng
Tạp chí Kiểm sát gặp mặt kỷ niệm 58 năm ngày xuất bản ấn phẩm đầu tiên
VKSND TP. Hà Nội kháng nghị bản án sơ thẩm xét xử Vũ “nhôm” và các cựu tướng công an
Số hóa hồ sơ nghiệp vụ – Bước tiến mới trong hoạt động nghiệp vụ ở VKSND TP Cần Thơ
Thông báo Tuyển sinh Văn bằng thứ 2 đại học ngành Luật hệ chính quy năm 2019 đợt 1 (Khóa 1, niên khóa 2019-2021)
Công đoàn VKSND tối cao triển khai công tác năm 2019