Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình từ năm 1988 – 2001, đồng chí Mông Văn Toàn dù đã nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn luôn nhắc nhở các thế hệ đi sau về lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát “Cán bộ Kiểm sát phải: công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Xuất phát từ tính chất của công tác kiểm sát là công tác phát hiện những vi phạm, tội phạm ảnh hưởng đến sinh mệnh, tự do, danh dự và nhân phẩm của con người, do vậy đòi hỏi cán bộ Kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, công bằng, tôn trọng sự thật, phải tạo lập cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đứng về lẽ phải và kiên quyết bảo vệ lẽ phải. Về tác phong và phương pháp làm việc, Bác yêu cầu cán bộ kiểm sát phải khách quan, thận trọng, phải xuất phát từ thực tế, dựa trên những căn cứ khoa học để phân tích kỹ lưỡng, toàn diện sự việc trước khi đưa ra các quyết định, tránh sai sót. Khiêm tốn là đức tính mà Bác Hồ yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ Kiểm sát phải rèn luyện. Khiêm tốn đòi hỏi phải nhận thức đúng về bản thân mình, không kiêu căng, tự mãn, luôn cầu thị học hỏi để ngày càng thêm tiến bộ. Có khiêm tốn mới có đủ tỉnh táo để nhận thức chân lý một cách đúng đắn, khách quan, đồng thời mới có được sự ủng hộ của nhân dân.
Hiện nay, khi xây dựng phong cách, tác phong lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân nói riêng hay lãnh đạo các cơ quan nhà nước nói chung đều phải noi theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ lãnh đạo phải rèn luyện phong cách dân chủ nhưng quyết đoán, phong cách lãnh đạo sâu sát, khéo dùng người và biết trọng dụng nhân tài, phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo.
Đầu tiên, người lãnh đạo cần có phong cách dân chủ nhưng quyết đoán. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải “gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống, rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, làm nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành[2].
Theo lời Bác, trách nhiệm của người đứng đầu phải được đề cao, đôi khi mang tính quyết định đến hiệu quả công việc. Phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng đắn là phải kết hợp thống nhất giữa cách làm việc dân chủ, tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, kịp thời đưa ra những quyết định đúng. Trong những thời điểm quyết định, người lãnh đạo, quản lý phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết… điều đó liên quan trực tiếp đến việc tận dụng được thời cơ. Người từng dạy: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công”[3]
Trong phong cách làm việc của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình, tính dân chủ quyết đoán thể hiện ngay trong việc thực hiện chức năng thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Khi kiểm sát điều tra và thực hiện quyền công tố giải quyết những vụ án hình sự nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, nhiều người tham gia tố tụng, Trong suốt các thời kỳ trước và hiện tại, người đứng đầu là Viện trưởng đều phải phân công Kiểm sát viên cùng kiểm tra viên, chuyên viên nghiên cứu hồ sơ đề xuất. Đối với những vụ án phức tạp và nhiều vướng mắc khi Kiểm sát viên đề xuất thỉnh thị lãnh đạo, Viện trưởng sẽ trao đổi với cấp trên và tổ chức cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo và các Kiểm sát viên, mà các Kiểm sát viên hay gọi vui với nhau là “Ủy ban kiểm sát huyện” vì số lượng Kiểm sát viên ở huyện Yên Bình không nhiều, lại tham gia vào hầu hết các mặt công tác của đơn vị. Cuộc họp “Ủy ban kiểm sát huyện” là nơi các Kiểm sát viên có thể thoải mái đưa ra ý kiến và quan điểm về cách thức giải quyết vụ án, xong đó cũng là những góp ý cho Viện trưởng đưa ra kết luận cuối cùng được sự đồng thuận nhất trí cao. Phong cách làm việc của Viện trưởng, kết hợp thống nhất giữa cách làm việc dân chủ, tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, vừa tuân thủ chặt chẽ quy định về tổ chức của ngành: “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có quyền chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quyết định các vấn đề về công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện”[4], vừa thể hiện tính tôn trọng tập thể và nêu cao trí tuệ đám đông.
Thứ hai, phong cách lãnh đạo sâu sát sẽ nâng cao được tính khách quan, minh bạch, tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát, từ đó kiểm soát tốt hơn đối với việc thực thi quyền lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân, góp phần phòng chống tham nhũng có hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát, kiểm tra, nhằm loại trừ các hành vi trục lợi, tham ô, tham nhũng. Sau kiểm tra, giám sát, thì cái sai cần khắc phục, sửa chữa ngay và cái đúng, cái tốt phải được động viên khen thưởng kịp thời, vì khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng lúc sẽ động viên, giáo dục, thúc đẩy, khích lệ người lao động hăng say làm việc.
Ở Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình, hình ảnh lãnh đạo trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ cho từng kiểm sát viên, chuyên viên là việc làm thường ngày thể hiện sự sâu sát với cán bộ. Đối với cán bộ có phần hạn chế, lãnh đạo còn quan tâm giám sát và giúp đỡ nhiều hơn “để cán bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình dù công tác ở vị trí nào hay có luân chuyển công tác đến đâu đều làm tốt công việc được giao” đó là tâm niệm của đồng chí Ngô Chí Cường, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình hiện nay. Viện trưởng từng hướng dẫn chuyên viên làm báo cáo thống kê các vụ án đình chỉ: “khi làm báo cáo đồng chí không chỉ điền theo mẫu và biểu mà phải phân tích kỹ điều luật xem thẩm quyền và các căn cứ áp dụng, phân tách rõ ràng các trường hợp để báo cáo thống kê có số liệu cụ thể, sinh động”.
Đối với những cán bộ mắc sai phạm, Viện trưởng và lãnh đạo Viện cùng chỉ ra để cán bộ tự sửa chữa, khắc phục; nếu sai phạm vẫn tiếp diễn lãnh đạo sẽ có hình thức xử lí đúng quy định và đặc biệt phải làm cho người làm sai nhận ra cái sai, sửa chữa và hoàn thiện mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lỗi lầm có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại”. Khi xử lý, “cần phải phân tích rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xem xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”. Đối với những cán bộ làm tốt, lãnh đạo không tiếc lời khen và còn dành tặng những món quà nho nhỏ như cái bánh “treo xe”, chiếc kem lạnh, cốc chè mát… Những lời khen hay món quà nhỏ là thức tinh thần quý giá động viên tinh thần của anh em cán bộ trong đơn vị ngày càng hoàn thành tốt công vụ được giao.
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết dùng người và trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trọng dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”[5]
Trong mỗi thời kỳ, các đồng chí lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình đặc biệt là đồng chí Viện trưởng đều đã phân công, bố trí nhân lực ở các bộ phận sao cho phù hợp nhất với phẩm chất, năng lực của từng cán bộ. Kiểm sát viên, ví dụ như ở bộ phận kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hình sự phải là người có tính cách ôn hòa, cách làm việc cẩn thận, tỉ mỉ hoàn toàn phù hợp với đặc thù của bộ phận là phải kiểm sát rất nhiều quyết định về thi hành án hay tham gia trực tiếp nhiều công việc như kiểm sát tiêu hủy vật chứng, cưỡng chế giao tài sản… nên tính chu đáo kỹ lưỡng là tác phong đặt lên hàng đầu. Kiểm sát viên bộ phận kiểm sát các vụ việc dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình và kinh doanh thương mại là người có phong cách khoáng đạt, nhiều ý tưởng mới giải quyết vấn đề phù hợp với tính chất của các loại án dân sự là đề cao sự thỏa thuận của đương sự, ưu tiên hòa giải để đôi bên cùng có lợi. Kiểm sát viên bộ phận tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo có khả năng giao tiếp tốt với quần chúng, biết cách thuyết phục khiến công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo là công tác luôn được hoàn thành tốt tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình. Còn đối với công việc kiểm sát giải quyết tố giác tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, thực hiện quyền công tố trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự sẽ được phân công cho tất cả các Kiểm sát viên trong cơ quan vì đây là một trong hai chức năng chính của Viện kiểm sát nhân dân, thể hiện vai trò vị trí của người có thẩm quyền trong thi hành pháp luật đồng thời giúp các Kiểm sát viên trau dồi và học hỏi kiến thức ở tất cả các lĩnh vực để có thể đáp ứng mọi vị trí công tác khi cần thiết.
Thứ tư, yêu cầu quan trọng trong phong cách người lãnh đạo là phải có sự thống nhất giữa tính đảng, tính nguyên tắc cao với tính năng động, sáng tạo, sự nhạy cảm với thời cuộc. “Trung với Đảng”, “trung với nước, hiếu với dân” là phẩm chất chính trị cơ bản, thể hiện trong mọi hoạt động của người lãnh đạo, quản lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, điều chủ chốt trong phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo là phải: “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”[6]
Đồng chí Ngô Chí Cường trước khi được bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng vẫn nổi tiếng trong đơn vị là người có tác phong gương mẫu và làm việc kỷ luật, có nguyên tắc. Trong lĩnh vực pháp luật khó phát huy tính sáng tạo nhưng đồng chí liên tục đề xuất các sáng kiến nhằm thực hiện tốt hơn chức năng của Viện kiểm sát nhân dân, đẩy mạnh năng lực tìm tòi học hỏi của Kiểm sát viên và Kiểm tra viên, chuyên viên khiến cơ quan trở thành nơi làm việc hứng thú và năng động nhưng vẫn quy củ. Với tinh thần luôn luôn cầu thị, học hỏi cái mới, đồng chí đã tham gia nhiệt tình vào các cuộc thi hiểu biết chuyên ngành và đặc biệt đồng chí đã cùng với các Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình giành giải Nhì chung cuộc, giải thưởng cao nhất của các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tại cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” tỉnh Yên Bái năm 2016. Tuy nhiên, đồng chí cùng ban lãnh đạo cũng tự nhận thấy được những điều mình cần làm tốt hơn để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, nâng tầm vị thế của ngành Kiểm sát và hơn hết là bảo đảm tinh thần xét xử đúng người đúng tội, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Phong cách, tác phong công tác trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng phấn đấu hy sinh vì tổ quốc vì nhân dân của Người. Học tập và làm theo phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của Người đòi hỏi cán bộ lãnh đạo và các Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình phải nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy dân chủ, chấp hành kỷ cương, gần gũi, thân thiết với quần chúng nhân dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân; gắn bó cơ sở với thực tiễn; nói phải đi đôi với làm; phải biết phấn đấu hy sinh vì lợi ích tập thể của nhân dân; có phong cách làm việc khoa học, sáng tạo vận dụng linh hoạt mọi chủ trương, đường lối của Đảng vào điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị địa phương mình.
Hà Đức Anh – VKS Yên Bình
[1] Điều 107 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.330
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.620
[4] Điều 67 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.43
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.603