Trong thời gian thử thách, nếu người bị kết án lại phạm tội mới thì toà án quyết định buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt như đã ghi trong bản án cũ và tổng hợp với hình phạt của bản án mới. Nếu trong thời gian được hưởng án treo, người được hưởng án treo có nhiều tiến bộ thì tòa án có thể rút ngắn hoặc chấm dứt thời gian thử thách, người được hưởng án treo được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt và được xóa án tích khi có đủ điều kiện do pháp luật quy định. Các điều kiện để được hưởng án treo được quy định tù.
Từ thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án hình sự đối với các bị án đang chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo tại địa phương cho thấy việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo hiện nay đang có những khó khăn, bất cập. Có trường hợp ngay sau khi xét xử được tòa tuyên hình phạt tù cho hưởng án treo thì bị cáo này đã đi khỏi địa phương, không khai báo tạm vắng, đến khi án có hiệu lực pháp luật cơ quan thi hành án hình sự không thể triệu tập để lập hồ sơ bàn giao cho Ủy ban nhân dân xã để giám sát giáo dục; hoặc có trường hợp sau khi Ủy ban xã nhận hồ sơ từ Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện để giám sát giáo dục, đến kỳ nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật, bị án không thực hiện, đi khỏi địa phương không khai báo. Đối với các trường hợp này cơ quan Thi hành án hình sự và Ủy ban nhân dân xã cũng chỉ có biện pháp lập biên bản xác minh, lưu hồ sơ vì không thể triệu tập họ để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ, kiểm điểm hay xử phạt vi phạm hành chính được. Về mặt tác động xã hội cho thấy, người phải chấp hành án treo không được quản lý, giám sát giáo dục nên vẫn “nhởn nhơ” ngoài xã hội, coi thường pháp luật, từ đó, mục đích, ý nghĩa của biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện mà Bộ luật Hình sự quy định không đạt được.
Mặt khác, các chế tài để xử lý đối với người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ chưa cụ thể, còn mang tính tùy nghi nên khó áp dụng, thậm chí là không thể áp dụng. Ví dụ như tại khoản 5 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo…”. Tuy nhiên Điều 67 Luật Thi hành án hình sự chỉ có quy định “Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 64 của Luật này và đã bị nhắc nhở từ hai lần trở lên mà tiếp tục vi phạm nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục phải phối hợp với cơ quan, tổ chức, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở tổ chức họp tại cộng đồng dân cư nơi người được hưởng án treo cư trú, làm việc để kiểm điểm người đó…”. Như vậy, ngoài trường hợp trong thời gian thử thách người được hưởng án treo thực hiện hành vi phạm tội mới quy định tại khoản 5 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới, Luật thi hành án hình sự không quy định cụ thể các trường hợp nào là người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự dẫn đến không xử lý được đối với các trường hợp người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ. Mặt khác, khoản 5 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định trong thời gian thử thách nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án “có thể” quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, quy định này còn chung chung, mang tính tùy nghi, dẫn đến cách hiểu Tòa án có thể hoặc khôngbuộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
VKSND huyện phối hợp cùng thành viên UBMTTQVN huyện Văn Chấn kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án hình sự tại UBND xã Tú Lệ
Để bảo đảm nguyên tắc “Bản án, quyết định có hiệu lực thi hành phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh” quy định tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013 và khoản 2 Điều 4 Luật Thi hành án hình sự, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập như nêu trên, người viết mạnh dạn có một số ý kiến, đề xuất như sau:
Một là, Quốc hội cần sớm sửa đổi Luật Thi hành án hình sự theo hướng quy định cụ thể các trường hợp người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc quy định cụ thể trường hợp bị án đã bị kiểm điểm về việc vi phạm nghĩa vụ mà tiếp tục vi phạm thì UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục bị án có văn bản gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để đề nghị Toà án kéo dài thời gian thử thách hoặc quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Cá nhân tôi thấy quy định các trường hợp người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ có thể tham khảo và áp dụng các quy định đối với trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ.
Hai là, Quốc hội cần sửa đổi bỏ cụm từ “có thể” tại khoản 5 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và quy định “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo…”.
Ba là, cần quy định rõ đối với các trường hợp ủy thác thi hành án hình sự trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì “Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo…” là Tòa án đã xét xử hay Tòa án nhận ủy thác và ra quyết định thi hành án.
Trên đây là quan điểm, đề xuất của cá nhân qua thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án hình sự nêu ra để bạn đọc tham khảo và đóng góp ý kiến.
Ngô Tiến Tân – VKS Văn Chấn