Những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính của VKSND tỉnh Yên Bái

Công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc hành chính, kinh doanh thương mại, Lao động (KDTM, LĐ) là một trong những công tác thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ tài sản nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm cho việc giải quyết vụ, việc hành chính, KDTM, LĐ của Tòa án kịp thời, đúng pháp luật.

Đây là một công tác khó khăn, phức tạp, có phạm vi rộng, nhiều vấn đề chưa được quy định cụ thể trong Luật Tố tụng hành chính, vì vậy, ngày 07/9/2015 VKSND tối cao đã mở lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho các cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc Hành chính, KDTM, LĐ tại Trường Đại học Kiểm sát và theo kế hoạch, ngày 01/10/2015 VKSND tối cao sẽ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc hành chính, KDTM, LĐ khu vực phía Bắc tại Hà Nội, thành phần gồm VKSND tối cao, Viện kiểm sát cấp cao 1, đại biểu thuộc VKSND các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên – Huế trở ra, nội dung: tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, trao đổi kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc hành chính, KDTM, LĐ; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung Luật TTHC và các văn bản hướng dẫn của các ngành.

Đồng chí Nguyễn Quang Vinh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh chỉ đạo Phòng kiểm sát giải quyết các vụ, việc Hành chính, Kinh doanh thương mại, Lao động giải quyết án

Qua công tác kiểm sát giải quyết án hành chính, KDTM, LĐ 2 cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái, VKSND tỉnh Yên Bái nêu lên những khó khăn, vướng mắc và một số kiến nghị để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc hành chính, KDTM, LĐ như sau:

 Những khó khăn vướng mắc trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động:

– Kiểm sát trả lại đơn khởi kiện: Tại Điều 109 quy định về việc trả lại đơn khởi kiện, Điều 110 quy định về khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị  về việc trả lại đơn khởi kiện. Thực tế trong quá trình kiểm sát gặp nhiều khó khăn vì Luật tố tụng hành chính không quy định Tòa án phải gửi cho VKS kèm theo các tài liệu, chứng cứ để VKS kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện có căn cứ hay không, hoặc Tòa án khi trả lại đơn khởi kiện phải sao chép, photo lưu lại để làm cơ sở cho việc kiểm sát đúng pháp luật (vì khi trả lại đơn khởi kiện Tòa án thường trả lại toàn bộ tài liệu chứng cứ).

Kiểm sát thông báo thụ lý: Theo điều 114 LTTHC quy định việc Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp biết nhưng không quy định việc gửi kèm các tài liệu để VKS kiểm sát việc thụ lý có đúng thời hiệu, đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật không?

Tại Điều 122 Luật tố tụng hành chính quy định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án hành chính trong thời hạn 5 ngày kể từ khi ra quyết định Toà án phải gửi quyết định cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định tạm đình chỉ hay quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính trong phần căn cứ được ghi rất ngắn gọn, chung chung. Để kiểm sát chặt chẽ căn cứ việc tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án Kiểm sát viên cần căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ cũng như việc rút văn bản yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, Luật không quy định khi Toà án ra quyết định tạm đình chỉ hay đình chỉ giải quyết vụ án thì chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu.

– Khoản 2 Điều 123 BLTTHC quy định:  “Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho các đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi ra quyết định”.  Quy định như vậy là không cụ thể.

+ Chưa có văn bản hướng dẫn cụ  thể  đối với việc đối thoại trực tiếp giữa người khởi kiện và người bị kiện cũng như đối với người tiến hành tố tụng. Vì sự thoả thuận hay đối thoại trực tiếp trước khi đưa vụ án ra xét xử là quan trọng, nhằm giảm bớt sự căng thẳng cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. 

Theo Điều 132 Luật tố tụng hành chính cho phép đương  sự vắng mặt tại phiên tòa. Chính vì vậy mà đa số các phiên tòa hành chính đều vắng mặt người bị kiện, do vậy mà người khởi kiện càng bức xúc.  

Tại điều 187 Luật TTHC quy định: ” Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý “ nghĩa là Tòa án vào sổ thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm. Điều luật không quy định cụ thể về việc Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm cho đương sự và Viện kiểm sát biết như Điều 257 Bộ luật TTDS quy định: “Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án“. Như vậy Điều 187 Luật TTHC quy định chưa rõ, gây khó khăn trong công tác kiểm sát thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm hay việc giao nhận hồ sơ phúc thẩm để Viện kiểm sát nghiên cứu tham gia xét xử.

Mặt khác, ở giai đoạn sơ thẩm luật TTHC quy định Tòa án gửi thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát, còn ở giai đoạn phúc thẩm Điều 187 LTTHC không quy định Tòa án phải gửi thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát là gây khó khăn cho công tác kiểm sát.

Kiến nghị để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động:

Đối thoại là chế định rất quan trọng, nhưng hiện nay chỉ được quy định ngắn gọn tại Điều 12 Luật TTHC: “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án tạo điều kiện, để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án hành chính”. Ngoài ra chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, các biểu mẫu tiến hành việc đối thoại và cũng chưa có văn bản nào quy định về việc Viện kiểm sát có phải bắt buộc tham gia đối thoại trong tố tụng hành chính hay không? Có địa phương mời Viện kiểm sát tham gia đối thoại, song cũng có địa phương không mời Viện kiểm sát tham gia. Nếu Viện kiểm sát tham gia thì việc nghiên cứu hồ sơ trước khi tham gia như thế nào, Viện kiểm sát có ký vào các biên bản đối thoại không… Về nội dung, giá trị pháp lý của biên bản đối thoại cũng chưa được xác định cụ thể. Vì vậy, Điều 12 LTTHC quy định trình tự, thủ tục đối thoại cần được liên ngành hướng dẫn và quy định cụ thể.

Các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các nghị quyết, thông tư liên ngành hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTHC như thủ tục đối thoại, các thủ tục tố tụng ở các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, hướng dẫn áp dụng Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, quy định việc gửi thông báo trả lại đơn khởi kiện hoặc quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ phải gửi kèm theo tài liệu chứng cứ để VKS nghiên cứu… để việc áp dụng pháp luật trong tố tụng hành chính được thuận lợi và thống nhất./.

                                             Nguyễn Thị Lan Phương – VKS Yên Bái

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái được tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ IX
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI – Tiến hành kiểm sát việc tiêu hủy vật chứng tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI – Tổ chức phiên tòa xét xử lưu động và rút kinh nghiệm
Những kết cục đau lòng có nguyên nhân từ rượu
Nụ cười ngày hoàn lương
Hộp thư bạn đọc và cộng tác viên
Công bố Quyết định đặc xá năm 2015
Hoạt động kiểm sát trong vụ án giết 4 người tại Yên Bái
Kiểm sát trực tiếp tại Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái
Kiểm sát trực tiếp Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Yên Bái