Một số ý kiến về nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật hình sự

Nguyên tắc suy đoán vô tội trong luật tố tụng hình sự thể hiện nền tư pháp văn minh, dân chủ, công bằng hướng tới bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, lần đầu tiên trong lịch sử lập Hiến, Hiến pháp năm 2013 (khoản 1 Điều 31) đã ghi nhận quyền được suy đoán vô tội: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Trên cơ sở này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nguyên tắc suy đoán vô tội định hướng cho việc xây dựng và thực thực thi pháp luật tố tụng hình ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

  1. Quan niệm suy đoán vô tội

Theo Từ điển Bách khoa luật học, suy đoán vô tội là trạng thái mà theo đó người bị buộc tội được suy đoán vô tội trong khi việc phạm tội của người đó chưa được chứng minh theo trình tự luật định.

Theo Từ điển Bách khoa đương đại, suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc của nền tố tụng dân chủ, theo đó người bị buộc tội được suy đoán vô tội trong khi việc phạm tội của người đó chưa được chứng minh theo trình tự luật định và chưa được xác định bởi phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

  1. Ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội

– Suy đoán vô tội là một nguyên tắc có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án nói chung và quá trình chứng minh nói riêng; giúp hoạt động chứng minh được thực hiện đúng quy định pháp luật, theo trình tự thủ tục nhất định và loại trừ những yếu tố, vấn đề còn nghi ngờ về hành vi phạm tội.

– Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng mang ý nghĩa định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật TTHS; tạo ra một hành lang pháp lý trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể tố tụng, duy trì trật tự và tạo điều kiện cho việc phát huy, bảo đảm các quyền cá nhân, sự công bằng, khách quan.

– Suy đoán vô tội có nội dung quan trọng và trọng tâm là bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phản ánh bản chất nhân văn, nhân đạo của pháp luật dân chủ và pháp quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, loại trừ việc buộc tội và kết án thiếu căn cứ.

  1. Quy định của pháp luật Việt Nam về suy đoán vô tội

3.1. Quy định pháp luật về suy đoán vô tội

Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1 Điều 31)

Căn cứ Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) quy định:

“Điều 13. Suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”

3.2. Nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội

– Không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của BLTTHS và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng quy định và chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Yêu cầu đầu tiên của nguyên tắc suy đoán vô tội là yêu cầu về lỗi phải được chứng minh theo trình tự thủ tục đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố xét xử là đúng quy định pháp luật. Bị can, bị cáo phải được coi là vô tội cho tới khi lỗi của bị can, bị cáo đó được chứng minh. Nếu lỗi không được chứng minh, đồng nghĩa với “sự vô tội được chứng minh”. Là sự thừa nhận chính thức của xã hội, thông qua các quy tắc pháp lý về việc một người bị tình nghi phạm tội được coi là ngoại phạm chừng nào các bằng chứng rõ ràng chống lại người này chưa được cơ quan có thẩm quyền đưa ra ánh sáng. Đồng thời, yêu cầu về mặt thủ tục pháp lý là việc truy tố, xét xử một người phải tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định (dấu hiệu quan trọng nhất của chế độ pháp quyền). Thủ tục công khai, minh bạch là đòi hỏi số một cho việc bảo vệ quyền con người chống lại sự truy bức tùy tiện, bảo đảm xác định và xem xét các tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, làm rõ các căn cứ xác định có tội và những căn cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng yêu cầu phải có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án kết tội đối với người đó. Bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định bằng phiên tòa xét xử công khai của Tòa án với sự bảo đảm đầy đủ khả năng bào chữa của người đó.

– Xác định sự thật của vụ án: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (bên buộc tội). Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội (Điều 15, Bộ luật TTHS 2015). Nội dung của Điều 15 xác định rất rõ rằng, chứng minh chỉ là quyền mà không phải là nghĩa vụ của người bị buộc tội. Đây là điểm mới cực kỳ quan trọng của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Trước đây, chứng cứ và chứng minh là một quá trình hoàn toàn thuộc về quyền chủ động của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình mà nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (cơ quan buộc tội, người buộc tội) phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục luật định. Người bị buộc tội được quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội đồng nghĩa với việc tại phiên toà bị cáo có quyền im lặng tức là không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. Để có thể ra một trong các quyết định khởi tố, điều tra, truy tố thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm chứng minh và xác định rõ ràng các căn cứ là có tội được quy định trong BLHS; phải đảm bảo xem xét các tình tiết vụ án một cách khách quan, đầy đủ. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình và các hình thức trái pháp luật khác trong các quy trình thu nhập chứng cứ và thực hiện các hoạt động tố tụng khác. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Tòa án phải hoàn toàn dựa trên cơ sở những chứng cứ được trình bày trước Tòa để đưa ra phán quyết. Bản án kết tội phải dựa trên các chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, chứng minh bị cáo có tội. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực không còn nghi ngờ. Mọi sự nghi ngờ đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Khi có những nghi ngờ về pháp luật (về lỗi của bị can, bị cáo) và chứng cứ xuất hiện nếu không chứng minh làm rõ được thì những nghi ngờ này được hiểu và giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó. Việc suy đoán vô tội chỉ bị bác bỏ bằng việc tuyên bản án buộc tội đã có hiệu lực pháp luật trên cơ sở những chứng cứ được thu thập, thẩm vấn và xác minh một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện tại phiên toà xét xử chứng minh lỗi của bị cáo theo trình tự luật định.

– Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo quy định của BLTTHS thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận (ra quyết định) trả tự do hoặc tuyên bố người bị buộc tội không phạm tội. Đây là quy định rõ ràng, dứt khoát và tinh thần này được thể hiện ở các ở giai đoạn tố tụng từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Mục đích của TTHS là tội phạm phải được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tuy nhiên, trong thực tế có thể xảy ra tình huống các chứng cứ buộc tội yếu, cả hai khả năng oan và lọt cùng song song tồn tại mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết mà pháp luật quy định. Trong trường hợp này, nguyên tắc suy đoán vô tội phải thực hiện theo hướng “thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội”, mở ra một hướng mới cho những trường hợp còn tồn tại những hoài nghi. Nguyên tắc suy đoán vô tội đã đưa ra một phương án tốt nhất để đảm bảo quyền vàlợi ích cho người bị buộc tội.

Ví dụ: Vụ án Lương Xuân C phạm tội Giết người theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 123 BLHS (Giết 02 người trở lên) xảy ra tháng 5/2021 tại huyện YB, tỉnh YB; sau khi vụ án được chuyển đến CQĐT Công an tỉnh để điều tra theo thẩm quyền thì bị can kêu oan, không phạm tội giết người. CQĐT và VKS đã tiến hành họp liên ngành  đánh giá tài liệu chứng cứ, chỉ đạo KSV phối hợp với ĐTV tiến hành thực nghiệm điều tra: dựng lại hiện trường, diễn lại tư thế, hành động, lời nói của bị can. Xác minh lời khai bị hại, nhân chứng về lời nói, hành động của bị can, đã làm rõ được: Khi đâm bị hại thứ 2, bị can Lương Xuân C không có lời nói: Tao đâm mày, tao giết mày…mà do bị can say rượu nên không làm chủ được hành vi của mình, đã dùng dao đe dọa và chỉ nhằm gây thương tích cho bị hại thứ 2. Sau đó CQĐT Công an tỉnh YB đã thay đổi tội danh đối với bị can Lương Xuân C từ tội “Giết người” sang tội “Cố ý gây thương tích” đối với bị hại thứ 2. Thực tiễn trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện tốt nguyên tắc suy đoán vô tội, bị can thực hiện hành vi phạm tội đối với 02 bị hại, nhưng không chứng minh được C phạm tội: Giết 02 người trở lên, mà qua thu thập chứng cứ, tài liệu chỉ có cơ sở xác định hành vi phạm tội của Lương Xuân C phạm vào 02 tội: “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”. Trong vụ án này, các chứng cứ đã được kiểm tra, xác  thực, mọi nghi ngờ đã được kiểm tra, xác minh, làm rõ, chứng minh hành vi phạm tội của Lương Xuân C, chuyển từ tội danh nặng hơn, sang tội danh nhẹ hơn.

Nguyên tắc suy đoán vô tội bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm: cơ quan tư pháp, điều tra có trách nhiệm phải tìm được bằng chứng chứng minh vô tội song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội. Đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trước số phận chính trị, danh dự, nhân phẩm và quyền lợi của công dân.

Suy đoán vô tội được coi là nguyên tắc nền tảng trong tư pháp hình sự, nó chi phối, ảnh hưởng tới các nguyên tắc cơ bản khác của luật tố tụng hình sự và quyết định tính khách quan, công bằng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Nói cách khác, nếu không có sự hiện diện của nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ không có tố tụng hình sự dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận tiện, bảo đảm sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp như Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 26/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị đã đề ra. Tiếp tục thực hiện “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” để trình Bộ Chính trị, Trung ương cho ý kiến, quyết định trong năm 2022.

Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng, suy đoán vô tội không chỉ dừng lại ở giai đoạn tố tụng từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà còn cả ở giai đoạn thi hành án hình sự, bằng chứng là vụ án Hồ Duy Hải, VKSNDTC đã kháng nghị giám đốc thẩm xem xét lại vụ án ở giai đoạn thi hành án. Trong phạm vi bài viết này, tôi không đi sâu phân tích nội dung vụ án Hồ Duy Hải, mà để các đồng nghiệp cho ý kiến thêm về áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với bị can Hồ Duy Hải.

Trên đây là 1 số nhận định về nguyên tắc suy đoán vô tội, mong nhận được sự tham gia đóng góp của các đồng nghiệp.

 

Mai Phương Phòng 1 – VKS tỉnh

Phát hiện xử lý vụ án mua bán ma túy đặc biệt nghiêm trọng
Tuyên truyền phòng, chống tội phạm xuất nhập cảnh trái phép
VKSND tỉnh phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa xét xử lưu động các vụ án hình sự
Bản án nghiêm khắc dành cho bị cáo phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”
VKSND tỉnh Yên Bái phối hợp với tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa xét xử lưu động các vụ án hình sự