Ngày 26/7/2020, tại thôn Đình Cại, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, Công an tỉnh Yên Bái bắt quả tang Đồng Thị Hừn, sinh năm 1974, trú tại địa chỉ nêu trên, đang có hành vi bán trái phép 8,61 gam Heroine.
Ngày 28/7/2020 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái ra Quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can đối với Đồng Thị Hừn về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 251 BLHS
Quá trình điều tra xác định, ngoài hành vi bán trái phép chất ma túy ngày 26/7/2020, thì trước đó, ngày 25/6/2020 Hừn còn có hành vi đánh bạc (Số tiền dùng vào việc đánh bạc dưới 05 triệu đồng), nhưng đến ngày 29/7/2020 (một ngày sau khi bị khởi tố) Công an thị xã Nghĩa Lộ mới ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc.
Bản án số: 50/2020/HS-ST ngày 25/12/2020 của Tòa án nhân dân thị xã Nghĩa Lộ, căn cứ vào Quyết định xử phạt hành chính nêu trên để xác định Đồng Thị Hừn có 01 tiền sự và xem xét khi quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Việc Tòa án nhân dân thị xã Nghĩa Lộ coi quyết định xử phạt hành chính ngày 29/7/2020 của Công an thị xã Nghĩa Lộ là tiền sự, hiện có hai quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Tòa án coi quyết định xử phạt hành chính nêu trên là tiền sự là không đúng, gây bất lợi cho bị cao vì các lý do sau:
Tại khoản 4 Điều 67 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Quyết định xử phạt hành chính có hiệu lực kể từ ngày ký,….”.
Mặc dù chưa có văn bản pháp luật nào quy định trực tiếp khái niệm về tiền án, tiền sự, nhưng tại điểm b khoản 2 Mục II Nghị quyết 01-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 18/10/1990 có quy định gián tiếp về tiền án, tiền sự như sau:
“b….. Người đã được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính thì không coi là có tiền sự. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 01 năm, thì không coi là có tiền sự nữa”.
Như vậy tinh thần chung của luật thì một người được coi là có tiền sự, phải là người đã bị Cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định xử phạt hành chính và Quyết định xử phạt hành chính đó đã có hiệu lực, người bị xử phạt đã nhận được hoặc biết mình đã bị xử phạt vi phạm hành chính, trước khi thực hiện hành vi vi phạm hoặc phạm tội lần này.
Trong vụ án này mặc dù Đồng Thị Hừn thực hiện hành vi vi phạm hành chính trước khi phạm tội, nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hừn nên không bị coi là tiền sự.
Quan điểm thứ hai: Tòa án coi quyết định xử phạt hành chính nêu trên là tiền sự là đúng, vì các lý do sau:
Mặc dù sau khi phạm tội và bị khởi tố thì cơ quan có thẩm quyền mới ra quyết định xử phạt hành chính nhưng hành vi vi phạm hành chính của bị cáo đã xảy ra trước khi phạm tội và quyết định đó ra trước ngày Tòa án xét xử sơ thẩm, do đó bị cáo bị coi là có tiền sự mới đảm bảo nguyên tắc công bằng trước pháp luật.
Bị cáo đang khai báo về hành vi phạm tội tại phiên tòa
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất bởi ngoài các lý do như đã nêu thì quan điểm thứ nhất sẽ có lợi cho người phạm tội, đây là một nguyên tắc trong luật hình sự Việt Nam. Chúng tôi mong nhận được các ý kiến trao đổi, bàn luận của các đồng nghiệp để có nhận thức chung.
Đỗ Thái Trung – VKSND thị xã Nghĩa Lộ