Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm tố tụng hình sự của Cộng hoà liên bang Đức – Những vấn đề rút ra đối với việc hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam”

(Kiểm sát) – Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác pháp luật giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam với Bộ Tư pháp và Quỹ hợp tác pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức, sáng ngày 18/11/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Quỹ hợp tác quốc tế về pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm tố tụng hình sự của Cộng hoà liên bang Đức – Những vấn đề rút ra đối với việc hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam” nhằm nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu hợp lý kinh nghiệm tiến bộ trong pháp luật tố tụng hình sự của các nước, trong đó có pháp luật về tố tụng hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức, góp phần xây dựng BLTTHS cho giai đoạn mới, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Toàn cảnh Hội thảo

Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì Hội thảo. Về phía Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức có bà Schmeink Angela, Giám đốc Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức, GS.TS. Robert Esser, Chủ nhiệm Khoa pháp luật hình sự Đức, Châu Âu và Quốc tế, Luật tố tụng hình sự và Luật hình sự kinh tế, Trường Đại học Passau/Trung tâm nghiên cứu quyền con người trong tố tụng hình sự (HRCP).

Tham dự Hội thảo còn có: Các Kiểm sát viên, cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng pháp luật thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả, luật sư và đại diện các cơ quan: Ủy ban Tư pháp, Ủy ban pháp luật, Ban Nội chính trung ương, các cơ quan tư pháp trung ương, các cơ quan tư pháp của thành phố Hà Nội và Thành viên Tổ giúp việc Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự cùng các cơ quan báo chí của ngành và Truyền hình Công an nhân dân tới dự và đưa tin hội thảo.

Phó Viện trưởng thường trực Hoàng Nghĩa Mai phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao cảm ơn sự có mặt tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các diễn giả, các chuyên gia, luật sư, các nhà hoạt động thực tiễn thảo luận về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung tại Hội thảo này. Đồng chí Phó Viện trưởng thường trực Hoàng Nghĩa Mai nhấn mạnh: Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan xây dựng Dự án BLTTHS. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, là cơ hội để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của thực tiễn và thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp…

 

Bà Schmeink Angela, Giám đốc Quý hợp tác quốc tế về pháp luật Đức phát biểu

Một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình cải cách tư pháp nói chung và cải cách tư pháp hình sự nói riêng là phải nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm hợp lý trong pháp luật tố tụng hình sự của các nước, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Yêu cầu này đã được quán triệt và triển khai nghiêm túc trong quá trình sửa đổi BLTTHS năm 2003. Nhiều kinh nghiệm tốt của các nước đã được tiếp thu vào Bộ luật như: Bổ sung các cơ chế để bảo đảm ngày càng đầy đủ hơn các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tăng cường các cơ chế giám sát hoạt động tố tụng; bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm… Đồng chí Phó Viện trưởng thường trực đề nghị đại biểu dự hội thảo tham gia ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao góp phần cùng ngành Kiểm sát hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao cho.

Giáo sư, Tiễn sĩ Robert Esser, Chủ nhiệm Khoa pháp luật hình sự Đức, Châu Âu và quốc tế, luật tố tụng hình sự và luật hình sự kinh tế phát biểu 

Tại hội thảo, GS.TS. Robert Esser, Chủ nhiệm Khoa pháp luật hình sự Đức, Châu Âu và Quốc tế trình bày hệ thống, thẩm quyền cơ quan điều tra, quan hệ giữa cơ quan điều tra và cơ quan công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; trả lời các câu hỏi do các Giáo sư, Tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học, học giả, các nhà hoạt động thực tiễn về nội dung liên quan đến “Kinh nghiệm tố tụng hình sự Cộng hòa Liên bang Đức và những vấn đề rút ra đối với việc hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam” đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Nội dung việc đổi mới thủ tục tố tụng hình sự như: Cần xác định rõ hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể cho phù hợp với sự phân chia các chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự; phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp tố tụng nhằm giảm thiểu số lượng các vụ án phải giải quyết ở cấp trung ương; có cơ chế bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; quy định chặt chẽ căn cứ, điều kiện, thủ tục, thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế; bổ sung các cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế; bảo đảm nguyên tăc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự…

Các đại biểu dự Hội thảo

Phát biểu Kết luận hội thảo, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học Hội thảo Quốc tế “Kinh nghiệm tố tụng hình sự Cộng hòa Liên bang Đức và những vấn đề rút ra đối với việc hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam” nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập qua thực tiễn 10 năm thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực lưu ý, một trong những hoạt động quan trọng cần quan tâm thực hiện là phải nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu hợp lý kinh nghiệm tiến bộ trong tố tụng hình sự các nước, phù hợp với đặc điểm cụ thể mô hình tố tụng hình sự ở nước ta. Bảo đảm việc giải quyết mang tính kế thừa, tôn trọng, có tư tưởng tiến bộ. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực đề nghị thành viên Ban soạn thảo tiếp tục tham gia xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự dựa trên Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực tin tưởng trong thời gian tới, với tinh thần trách nhiệm cao tập trung trí tuệ của các nhà khoa học, học giả, chuyên gia và đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán trong việc xây dựng, hoàn thiện Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) cho giai đoạn mới, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong thời gian tới.

Nguồn: Tạp chí kiểm sát

Họp Ủy ban Kiểm sát và Hội đồng khoa học cho ý kiến về Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi)
Tiếp thu hợp lý kinh nghiệm tiến bộ trong pháp luật tố tụng hình sự của các nước
Hội nghị thông báo nhanh Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) và Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng
Tăng cường công tố, chống oan và chống bỏ lọt tội phạm
Hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
KHAI MẠC HỘI NGHỊ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC TỈNH CÓ CHUNG ĐƯỜNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM – LÀO LẦN THỨ 3
Viện kiểm sát các cấp tích cực đấu tranh với tội phạm ma túy
HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Đoàn công tác Viện kiểm sát nhân dân tối cao thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên, Yên Bái
Phạt tù các đối tượng đánh bạc và tàng trữ ma túy “đá”