HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Kiến nghị những nội dung cơ bản của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi)

Cùng với việc đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức VKSQS năm 2002 và Pháp lệnh KSV VKSND năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) (sau đây gọi tắt là Luật và 02 pháp lệnh), Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật và 02 pháp lệnh cũng đã đề cập đến những kiến nghị về các nội dung cơ bản của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) nhằm giúp cho VKS các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Việc tổ chức VKS khu vực là một nội dung quan trọng được quy định trong Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).
Việc tổ chức VKS khu vực là một nội dung quan trọng được quy định trong Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).

Bối cảnh, tình hình mới

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và VKSND nói riêng. Các chủ trương về cải cách tư pháp được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng qua các kỳ đại hội, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005; Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị; Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đã tham gia và hội nhập sâu rộng vào quá trình liên kết và hợp tác khu vực và quốc tế. Trước những yêu cầu phát sinh từ quá trình hội nhập quốc tế cũng như từ quá trình toàn cầu hoá đời sống kinh tế – xã hội, đòi hỏi phải đổi mới, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp và đổi mới tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp ở nước ta nói chung, của VKSND nói riêng. Trên tinh thần quán triệt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ cải cách tư pháp được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức VKSQS năm 2002 và Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2011); tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát/Viện công tố của một số nước trên thế giới; cần nghiên cứu, xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) theo tinh thần mới để Viện kiểm sát các cấp làm tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi)

Việc xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo đó là: Thứ nhất, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương cải cách tư pháp, trong đó có tổ chức và hoạt động của VKSND, thể hiện trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Thứ hai, xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) phải trên cơ sở tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn tổ chức và hoạt động của VKSND theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND và các văn bản pháp luật khác có liên quan từ trước đến nay; bảo đảm kế thừa truyền thống, kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố/kiểm sát của Nhà nước ta trong hơn 60 năm qua; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật. Thứ ba, xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) phải xuất phát từ đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của nước ta, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử và nhân dân. Thứ tư, xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp, với các luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Thứ năm, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố/kiểm sát của các nước trên thế giới và trong khu vực, phù hợp với truyền thống văn hóa, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể của nước ta.

Về phạm vi điều chỉnh, tên gọi của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi)

Về phạm vi điều chỉnh: Trên cơ sở pháp điển hóa Luật và 02 pháp lệnh, Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) cần điều chỉnh toàn bộ các vấn đề về tổ chức và hoạt động của VKSND, bao gồm: chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, tổ chức, các chức danh pháp lý và các điều kiện bảo đảm hoạt động của VKSND. Về tên gọi của Luật: Với phạm vi điều chỉnh trên, Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) được dự kiến giữ nguyên tên Luật là “Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân” nhằm bảo đảm thống nhất với cách thể hiện trong Hiến pháp. Tên gọi này của Luật đã được sử dụng từ năm 1960 đến nay, đồng thời, cũng đồng bộ với tên gọi của các luật về tổ chức của các cơ quan nhà nước khác như Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức TAND, Luật tổ chức HĐND và UBND. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng tên Luật nên được sửa đổi thành “Luật về Viện kiểm sát” để bao hàm được toàn bộ các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

 Về chức năng, nhiệm vụ của VKSND

Tiếp tục quy định VKS thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo văn kiện Đại hội XI của Đảng; Phân định phạm vi thực hiện chức năng của VKSNDTC và các VKSND cấp dưới; Tiếp tục khẳng định các lĩnh vực công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiện nay của VKSND; Quy định rõ các nhiệm vụ VKS đang thực hiện mà chưa được Luật tổ chức VKSND điều chỉnh; Đồng thời, bổ sung quy định VKS có thể thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Tiếp tục khẳng định VKS thực hành quyền công tố đối với vụ án hình sự; Xác định rõ các nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hiện chức năng này đáp ứng yêu cầu gắn công tố với điều tra, tăng cường tranh tụng của KSV tại phiên tòa hình sự, cụ thể là: Tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác về tội phạm; trực tiếp giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm theo quy định của pháp luật; Khởi tố hình sự, yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố theo quy định của pháp luật; Trực tiếp điều tra, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật; Yêu cầu thay đổi Điều tra viên, giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật; Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp điều tra, biện pháp ngăn chặn, phê chuẩn, không phê chuẩn các quyết định của cơ quan có thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật; Hủy bỏ các quyết định trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật; Quyết định việc truy tố bị can; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi vụ án theo quy định của pháp luật; Thực hiện việc buộc tội bị cáo tại phiên tòa; phát biểu quan điểm của VKSND về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa hình sự theo quy định của pháp luật. Đối với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Luật quy định rõ một số vấn đề sau: Thứ nhất, về các công tác thực hiện chức năng, gồm có: Kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm; Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, điều tra, xét xử các vụ án hình sự; Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật; Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án; Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp. Thứ hai, về biện pháp kiểm sát: gồm có kiểm sát tài liệu và kiểm sát tại chỗ. Thứ ba, quy định rõ nhiệm vụ, đối tượng kiểm sát của từng công tác kiểm sát. Quy định rõ khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND có quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm, có quyền xử lý vi phạm trong những trường hợp pháp luật quy định; Xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm bảo đảm các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKS được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc.

Về các nguyên tắc đặc thù trong tổ chức và hoạt động của VKSND

Nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành: Luật tiếp tục ghi nhận nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo là nguyên tắc cơ bản, chủ đạo trong tổ chức và hoạt động của VKSND. Tuy nhiên, đổi mới nội dung nguyên tắc cho phù hợp với điều kiện tổ chức hệ thống VKSND thành 04 cấp và có sự thay đổi thẩm quyền của từng cấp, bảo đảm thực hiện chủ trương nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của KSV trong thực hiện nhiệm vụ, cụ thể như sau: VKSND do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND cấp trên; Viện trưởng VKSND, Viện trưởng VKS quân sự các cấp chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSNDTC. VKSND cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật của VKSND cấp dưới. Viện trưởng VKSND cấp trên có quyền rút, đình chỉ hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của VKSND cấp dưới. Với việc thành lập VKSND cấp cao là một cấp kiểm sát mới, có đặc thù là được tổ chức theo địa hạt tư pháp theo thẩm quyền xét xử của TAND cấp cao, chỉ thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử tại các phiên tòa của TAND cấp cao nên việc thực hiện nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo giữa các cấp Viện kiểm sát có những nội dung mới như sau: Trong mối quan hệ với VKSNDTC, VKSND cấp cao là một cấp kiểm sát độc lập, là cấp dưới trực tiếp của VKSNDTC. Các VKSND cấp cao có trách nhiệm báo cáo đầy đủ mọi hoạt động với Viện trưởng VKSNDTC, chịu sự lãnh đạo, kiểm tra thống nhất, toàn diện của Viện trưởng VKSNDTC thông qua các đơn vị có liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực công tác của VKSND cấp cao; Trong mối quan hệ với VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực, VKSND cấp cao là cấp trên về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử. VKSND cấp cao có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực công tác này đối với các VKSND cấp dưới trong phạm vi quản hạt; Việc thực hiện các công tác khác của VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của VKSND tối cao như hiện nay. Viện trưởng VKSNDTC do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; Viện trưởng VKSNDTC bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức viện trưởng, phó viện trưởng VKSND cấp dưới, phó viện trưởng VKSQS trung ương, viện trưởng, phó viện trưởng VKSQS cấp quân khu và khu vực, KSV cao cấp, trung cấp, sơ cấp; Phó Viện trưởng giúp Viện trưởng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Viện trưởng và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về nhiệm vụ được giao; KSV phải phục tùng sự lãnh đạo của Viện trưởng, có trách nhiệm báo cáo và chịu sự kiểm tra của Viện trưởng về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ, KSV chủ động trong việc ra các quyết định thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân trước Viện trưởng về các quyết định đó. Nếu có xung đột quan điểm giữa KSV và Viện trưởng VKS thì KSV có quyền kiến nghị lên Viện trưởng VKS cấp trên trực tiếp trong những trường hợp pháp luật quy định. Nguyên tắc độc lập: Luật quy định về nguyên tắc độc lập với nội dung cụ thể là: VKSND các cấp làm nhiệm vụ của mình một cách độc lập, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác không được can thiệp; Nghiêm cấm mọi hành vi gây cản trở KSV, Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ; VKSND các cấp chỉ chịu sự lãnh đạo của VKSND cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của VKSNDTC. Nguyên tắc bảo đảm sự giám sát của cơ quan dân cử đối với VKSND: Thực hiện chủ trương tổ chức hệ thống VKSND gồm 04 cấp và đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan dân cử đối với VKS theo Kết luận số 79-KL/TW, Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) xác định rõ phạm vi, nội dung sự giám sát của cơ quan dân cử đối với VKS, cụ thể là: Viện trưởng VKSNDTC chịu sự giám sát của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước UBTVQH và Chủ tịch nước; trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Quốc hội về công tác của VKS các cấp; Tại kỳ họp của HĐND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trình bày báo cáo chung, đồng thời, trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu HĐND cùng cấp về công tác của cả VKSND cấp mình và VKSND khu vực. Đối với các vụ, việc cụ thể, HĐND có thể giám sát trực tiếp tới từng VKSND khu vực khi cần thiết.

Về tổ chức của VKSND

Hội đồng khoa học ngành Kiểm sát nhân dân họp ngày 3/11/2012.
Hội đồng khoa học ngành Kiểm sát nhân dân họp ngày 3/11/2012.

Về hệ thống VKSND: Luật quy định rõ hệ thống VKSND gồm có: VKSNDTC; Các VKSND cấp cao; Các VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Các VKSND khu vực; Các VKSQS. Về cơ cấu tổ chức, cơ cấu cán bộ của VKSNDTC: Cơ cấu tổ chức của VKSNDTC gồm: UBKS, các cục, vụ, viện, trung tâm, văn phòng, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và cơ quan báo chí của ngành. Cán bộ của VKSND tối cao gồm: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các KSV, Thủ trưởng, các Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, các Điều tra viên, các Kiểm tra viên, các chuyên viên, cán sự hành chính – tư pháp và các nhân viên phục vụ khác. Về cơ cấu tổ chức, cơ cấu cán bộ của VKSND cấp cao: Cơ cấu tổ chức của VKSND cấp cao gồm: UBKS, các phòng (hoặc các vụ) và văn phòng. Cán bộ của VKSND cấp cao gồm: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các KSV, các Kiểm tra viên, các chuyên viên, cán sự hành chính – tư pháp và các nhân viên phục vụ khác. Về cơ cấu tổ chức, cơ cấu cán bộ của VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Cơ cấu tổ chức của VKSND cấp tỉnh gồm: UBKS, các phòng và văn phòng. Cán bộ của VKSND cấp tỉnh gồm: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các KSV, các Kiểm tra viên, các chuyên viên, cán sự hành chính – tư pháp và các nhân viên phục vụ khác. Về cơ cấu tổ chức, cơ cấu cán bộ của VKSND khu vực: Cơ cấu tổ chức của VKSND khu vực được chia thành 2 loại: Đối với các VKSND khu vực ở miền núi, hải đảo, khối lượng công việc ít, được thành lập từ 01 đơn vị VKSND cấp huyện hiện nay thì cơ cấu tổ chức gồm các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc do Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách; Đối với các VKSND khu vực có khối lượng công việc lớn hoặc được thành lập từ 02 đơn vị VKSND cấp huyện hiện nay trở lên thì cơ cấu tổ chức gồm các phòng và văn phòng. Cán bộ của VKSND khu vực gồm: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các KSV, các Kiểm tra viên, các chuyên viên, cán sự hành chính – tư pháp và các nhân viên phục vụ khác. Về hệ thống VKSQS: Luật quy định rõ hệ thống VKSQS gồm có: VKSQS trung ương: thuộc cơ cấu VKSNDTC, cơ cấu tổ chức gồm UBKS, các phòng, văn phòng và CQĐT. Cán bộ của VKSQS trung ương gồm: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các KSV, Thủ trưởng, các Phó Thủ trưởng CQĐT, các Điều tra viên, các Kiểm tra viên, các chuyên viên, cán sự hành chính – tư pháp và các nhân viên phục vụ khác. VKSQS cấp quân khu: cơ cấu tổ chức gồm UBKS, các ban và bộ máy giúp việc. Cán bộ của VKSQS cấp quân khu gồm: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các KSV, các Kiểm tra viên, các chuyên viên, cán sự hành chính – tư pháp và các nhân viên phục vụ khác. VKSQS khu vực: cơ cấu tổ chức gồm các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc do Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách. Cán bộ của VKSQS khu vực gồm: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các VKS, các Kiểm tra viên, các chuyên viên, cán sự hành chính – tư pháp và các nhân viên phục vụ khác. Về UBKS: Luật quy định rõ các vấn đề sau đây: UBKS được thành lập ở những cấp Viện kiểm sát nào; Thành phần UBKS; Những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của UBKS; Lề lối làm việc của UBKS…Về CQĐT của VKS: Luật bổ sung quy định về tổ chức CQĐT của VKS với các nội dung cụ thể sau: Cục Điều tra trực thuộc VKSNDTC, Phòng Điều tra thuộc VKSQS trung ương, có trụ sở chính tại Hà Nội; Cơ cấu tổ chức của Cục Điều tra gồm các phòng nghiệp vụ (gồm cả các đơn vị đại diện đặt tại các vùng, khu vực) và văn phòng; Cơ cấu cán bộ của Cục Điều tra gồm: Cục trưởng đồng thời là Thủ trưởng CQĐT, một số Phó Cục trưởng đồng thời là Phó Thủ trưởng CQĐT, các Điều tra viên, các chuyên viên, cán sự hành chính – tư pháp và các nhân viên phục vụ khác; Cơ cấu tổ chức của Phòng Điều tra thuộc VKSQS trung ương gồm có các bộ phận điều tra và bộ máy giúp việc; Cơ cấu cán bộ của Phòng Điều tra thuộc VKSQS trung ương gồm: Trưởng phòng đồng thời là Thủ trưởng CQĐT, một số Phó Trưởng phòng đồng thời là Phó Thủ trưởng CQĐT, các Điều tra viên, các chuyên viên, cán sự hành chính – tư pháp và các nhân viên phục vụ khác.

Về cán bộ của VKSND

Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS: Luật quy định các vấn đề sau đây: Thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND, VKSQS các cấp. Để thực hiện chủ trương phân định thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho KSV, Luật có thể xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS như sau: Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS các cấp chủ yếu làm nhiệm vụ phân công, điều hành, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; kiểm tra, rút, huỷ bỏ các quyết định tố tụng không có căn cứ và trái pháp luật của Kiểm sát viên. Về quyền hạn tư pháp, các chức danh này chỉ quyết định những vấn đề quan trọng làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một giai đoạn tố tụng hoặc liên quan đến xử lý vụ việc tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát như áp dụng tạm giam, quyết định truy tố, kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án, kiến nghị các cơ quan khắc phục vi phạm và phòng ngừa tội phạm. Viện trưởng VKSNDTC quản lý, điều hành tổ chức và hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKS các cấp; ra phương hướng, đường lối công tác chung cho toàn ngành Kiểm sát. Về quyền hạn tư pháp thuộc thẩm quyền của VKSNDTC, chức danh này chỉ thực hiện quyền kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị bản án tử hình; tham gia các phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TANDTC theo quy định của pháp luật. Kiểm sát viên: Quy định KSV là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp và thực hiện các nhiệm vụ khác do luật định theo sự phân công của Viện trưởng VKS. Đổi mới ngạch KSV theo hướng chia thành 04 ngạch KSV, gồm có: KSV sơ cấp, KSV trung cấp, KSV cao cấp, KSV VKSNDTC, bảo đảm tương thích với tổ chức hệ thống VKSND gồm 04 cấp, bảo đảm hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKS ở mỗi cấp. Về đổi mới quy định về nhiệm kỳ của KSV, có 02 phương án như sau: Phương án 1: Đối với KSV VKSNDTC, bổ nhiệm không có kỳ hạn, kết hợp với việc giám sát, kiểm tra, kỷ luật chặt chẽ; Đối với KSV cao cấp, KSV trung cấp, KSV sơ cấp: có nhiệm kỳ cao nhất là 10 năm để bảo đảm việc nâng cao ý thức rèn luyện và trách nhiệm trong công việc, có cơ chế đánh giá cán bộ thận trọng, hiệu quả. Phương án 2: không quy định nhiệm kỳ đối với tất cả các ngạch KSV. Trên cơ sở đổi mới việc phân loại ngạch KSV, Luật đổi mới tiêu chuẩn bổ nhiệm từng ngạch KSV theo hướng: Tiêu chuẩn của KSV sơ cấp, KSV trung cấp tiếp tục giữ như quy định hiện hành; Tiêu chuẩn của KSV cao cấp được quy định tương ứng với tiêu chuẩn của KSV VKSNDTC hiện hành. Tiêu chuẩn của KSV VKSNDTC đòi hỏi phải cao hơn quy định hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp… Về cơ chế tuyển chọn KSV, hiện nay có 03 phương án gồm: UBKS xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm KSV; Tổ chức các Hội đồng tuyển chọn; Chỉ thành lập một Hội đồng tuyển chọn KSV đặt tại VKSNDTC do Viện trưởng VKSNDTC làm Chủ tịch và có cơ cấu các thành viên Hội đồng phù hợp, bảo đảm tính khách quan của việc tuyển chọn… Về thẩm quyền bổ nhiệm KSV, Luật đổi mới theo hướng: Chủ tịch nước bổ nhiệm KSV VKSNDTC; Viện trưởng VKSNDTC bổ nhiệm KSV cao cấp, KSV trung cấp, KSV sơ cấp.

Ngoài ra còn có những quy định liên quan đến cơ cấu KSV ở mỗi cấp VKS; Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của từng ngạch KSV. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng không nên quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng ngạch KSV trong Luật mà nên điều chỉnh bởi các văn bản thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND tối cao để bảo đảm tính linh hoạt trong việc áp dụng.

Về Điều tra viên: Về cơ bản, Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) kế thừa các quy định về Điều tra viên tại Luật tổ chức VKSND năm 2002; việc sửa đổi, bổ sung các quy định về Điều tra viên phải bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về tổ chức điều tra hình sự. Về Kiểm tra viên: Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) cần Luật hóa những vấn đề mang tính nguyên tắc, những quan hệ đã ổn định lâu dài trong các quy định về chế độ pháp lý đối với Kiểm tra viên tại các văn bản pháp luật hiện hành, cụ thể là: vị thế pháp lý, các ngạch Kiểm tra viên, tiêu chuẩn bổ nhiệm, cơ chế bổ nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn…

Về các điều kiện bảo đảm hoạt động của VKS trong Luật tổ chức VKSND (sửa đổi)

Về cơ bản, Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) kế thừa các quy định về bảo đảm hoạt động của VKS và cán bộ VKS tại Luật tổ chức VKSND, Pháp lệnh KSV VKSND hiện hành. Bên cạnh đó, có sửa đổi, bổ sung một số quy định, cụ thể là: Quy định rõ, đầy đủ các chế độ phụ cấp đối với cán bộ ngành Kiểm sát, chế độ ưu tiên và các chế độ khác phù hợp với đặc thù của từng chức danh pháp lý; Bổ sung các quy định về tuổi nghỉ hưu của KSV, dự kiến là: Tuổi nghỉ hưu của KSV VKSNDTC là 65 tuổi, tuổi nghỉ hưu của KSV cao cấp, trung cấp, sơ cấp là 60 tuổi, áp dụng chung cho cả nam và nữ. Bổ sung các quy định về khen thưởng và kỷ luật.

Về kết cấu, bố cục của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi)

Thực hiện yêu cầu pháp điển hóa Luật và 02 pháp lệnh, bảo đảm xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) thành cơ sở pháp lý quan trọng và đầy đủ nhất điều chỉnh toàn bộ tổ chức và hoạt động của VKSND, dự kiến Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) có kết cấu, bố cục như sau: Luật được kết cấu gồm các phần, chương, mục, điều, khoản, điểm. Phần thứ nhất: Những quy định chung; Phần thứ hai: Công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND; Phần thứ ba: Tổ chức của VKSND; Phần thứ tư: Cán bộ của VKSND; Phần thứ năm: VKS quân sự; Phần thứ sáu: Bảo đảm hoạt động của VKSND; Phần thứ bảy: Điều khoản thi hành.

 

Trích nguồn: Website Báo Bảo vệ Pháp Luật

Đoàn công tác Viện kiểm sát nhân dân tối cao thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên, Yên Bái
Một số định hướng sửa đổi Luật Tổ chức VKSND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Phạt tù các đối tượng đánh bạc và tàng trữ ma túy “đá”
HỘI NGHỊ KIỂM ĐIỂM BAN CÁN SỰ ĐẢNG VIỆN KSND TỐI CAOTHEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA XI)
Vụ kiểm sát thi hành án Viện kiểm sát nhân dân tối cao Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2012 – 2015
HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CÔNG TÁC VĂN PHÒNG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2012
Trao Quyết định bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thảm phán Tòa án quân sự Trung ương
CHO Ý KIẾN BỔ SUNG BIÊN CHẾ VIỆN KIỂM SÁT CÁC CẤP
Tác giả “Theo dòng công lý” tặng sách cho Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO LÀM VIỆC VỚI BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ