Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) cho biết, thực hiện chương trình xây dựng luật của Quốc hội, VKSNDTC được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi). Đây là dự án luật rất quan trọng không chỉ liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, đến quyền con người, quyền công dân, thể hiện tính tôn nghiêm và giá trị văn minh của nền tư pháp. Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC nêu rõ, qua tổng kết 10 năm thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 cho thấy, tỷ lệ phát hiện tội phạm đã đạt cao hơn; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có những chuyển biến tích cực; quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ngày càng được đảm bảo. Tuy nhiên, theo đồng chí Viện trưởng thì những kết quả trên cũng chỉ là bước đầu bởi tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và cải cách tư pháp giai đoạn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với việc giải quyết các vụ án hình sự như: cần quy định hợp lý hơn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tố tụng để phát hiện chính xác, kịp thời mọi tội phạm và người phạm tội; thiết lập các cơ chế giám sát hiệu quả đối với quá trình tiến hành tố tụng, nhất là cơ chế giám sát từ bên ngoài hệ thống để chống lạm quyền; bổ sung các thiết chế nhằm tận dụng các nguồn chứng cứ, tăng giá trị chứng minh của các kết quả tố tụng, khắc phục những bất cập trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay; có cơ chế bảo vệ tốt hơn quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia tố tụng, thực hiện việc tranh tụng dân chủ tại phiên tòa… Cũng theo đồng chí Viện trưởng VKSNDTC, nếu giải quyết được các vấn đề nêu trên sẽ góp phần thực hiện được mục tiêu xây dựng nền tư pháp dân chủ, công bằng, nghiêm minh, bảo vệ công lý, xây dựng Bộ luật TTHS trong giai đoạn mới đáp ứng ngày càng cao hơn yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…
Tại Hội thảo, dưới sự chủ trì của Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai, các đại biểu đã nghe các chuyên gia, các nhà khoa học trình bày các tham luận liên quan đến những nội dung như: Hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật TTHS đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; các biện pháp cưỡng chế trong TTHS và những vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi Bộ luật TTHS; tiếp nhận, giải quyết và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm – đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS; chủ trương của Đảng về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế gắn công tố với điều tra – những vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi Bộ luật TTHS; sửa đổi chế định chứng cứ trong Bộ luật TTHS đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử – những vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS; giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài – những vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS…
Nguồn: Báo bảo vệ pháp luật