Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện tỉnh quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác quản lý, giáo dục công chức, viên chức, người lao động, nêu cao vai trò trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, gương mẫu trong công việc và xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ để răn đe, giáo dục. Gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng ngành, đơn vị và đánh giá cán bộ gắn với kiểm điểm trách nhiệm của người đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn phù hợp với quy định của pháp luật và của Ngành; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; thực hiện, chấp hành việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo quy định và yêu cầu công tác, nhiệm vụ phân công; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường tự kiểm tra trong nội bộ đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, chủ động tự phát hiện và xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhất là các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với bị can, bị cáo, đương sự, người khiếu nại, tố cáo và người có liên quan. Tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người khiếu nại, tố cáo tham nhũng, tiêu cực và xử lý người có hành vi lợi dụng tố cáo tham nhũng, tiêu cực để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác.
Gương mẫu, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát hiện, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chú trọng công tác kiểm soát nội bộ không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ chống tham nhũng; đảm bảo giữ uy tín, hình ảnh của Ngành trong thực thi nhiệm vụ này.
Nhận thức đầy đủ và xác định rõ vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của ngành và yêu cầu cấp bách, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các sai phạm kinh tế, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh Yên Bái đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, các vụ án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm. Khi phát sinh các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã phân công Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm từ giai đoạn đầu.
Đối với các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, có quan điểm khác nhau đã tổ chức họp liên ngành để đánh giá chứng cứ, tội danh, diện khởi tố điều tra, truy tố, xét xử để thống nhất chủ trương, định hướng xử lý, đảm bảo khách quan, toàn diện, có căn cứ, đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Ngoài ra, hàng năm còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Công an hai cấp triển khai nhiều cuộc kiểm sát trực tiếp về giải quyết và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại Cơ quan điều tra và VKSND cấp huyện… đảm bảo việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, án kinh tế theo đúng các quy định của pháp luật.
Lãnh đạo, Kiểm sát viên Phòng THQCT, KSĐT, KSXX án trật tự xã hội Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái (Phòng 2) luôn quán triệt và thực hiện đầy đủ, đúng đắn quan điểm chỉ đạo của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và của Ngành KSND về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực công tác nhằm hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được phân công thể hiện trong Chương trình, Kế hoạch đầu năm, các hội nghị sơ kết tổng kết, giao ban tuần và sinh hoạt chi bộ định kỳ.
Công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án hình sự:
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các nguồn tin tội phạm, các vụ án tham nhũng trong những năm qua được nâng cao, từng bước khắc phục hạn chế thiếu sót, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã THQCT, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố 05 tin báo; THQCT, KSĐT 07 vụ/ 44 bị can, chủ yếu về các loại tội “Nhận hối lộ”, “Tham ô tài sản”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tình hình tội phạm tham nhũng, chức vụ ngày càng gia tăng và các hành vi có chiều hướng nghiêm trọng, phức tạp hơn.
Đơn vị đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là nguồn tin về tội phạm tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm; tăng cường trực tiếp kiểm sát; tham gia phân loại, xử lý ngay từ đầu các nguồn tin có dấu hiệu tội phạm; vụ việc phức tạp đều được đưa ra họp liên ngành để thống nhất quan điểm giải quyết; trường hợp bắt quả tang, giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lãnh đạo đơn vị trực tiếp phân loại, báo cáo đồng chí Phó viện trưởng phụ trách nghiên cứu, đánh giá cùng Cơ quan điều tra để quyết định việc phê chuẩn bắt giữ, do vậy không có trường hợp nào người bị tạm giữ sau đó trả tự do, không xử lý hình sự.
Trong giai đoạn điều tra, đơn vị đã kiểm sát chặt chẽ căn cứ khi phê chuẩn các Lệnh, Quyết định, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm việc bắt tạm giữ, tạm giam có căn cứ đúng pháp luật, phục vụ hiệu quả hoạt động điều tra. Kiểm sát viên khi được phân công đã đề ra yêu cầu, kế hoạch và bám sát Cơ quan điều tra trong từng hoạt động điều tra, chú trọng bảo đảm các quyền của bị can như: Quyền được trợ giúp pháp lý, quyền được bào chữa, được nhờ người bào chữa hoặc được chỉ định người bào chữa…; chú trọng việc yêu cầu áp dụng các biện pháp tố tụng ngay trong giai đoạn khởi tố, việc phê chuẩn các Lệnh, Quyết định tố tụng theo đề nghị của CQĐT bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm, yêu cầu CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi có căn cứ pháp luật để không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, điều tra để bảo đảm thu hồi triệt để tài sản do tội phạm tham nhũng mà có.
Công tác kiểm sát xét xử vụ án hình sự:
Nhận thức được để hoạt động kiểm sát xét xử có hiệu quả thì hoạt động thực hành quyền công tố phải đúng đắn, chính xác, khách quan, hai hoạt động này nhằm mục đích bảo đảm cho việc truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không để lọt tội phạm, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự, nhất là quyền của các bị cáo. Do đó, Kiểm sát viên khi được phân công THQCT và kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng đã làm tốt công tác nghiên cứu hồ sơ, báo cáo án, dự thảo luận tội, tranh luận tại phiên tòa để đảm bảo việc truy tố đúng quy định của pháp luật; đảm bảo việc tranh tụng có căn cứ và đối đáp đến cùng vấn đề đưa ra tại phiên tòa xét xử công khai.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng. Trong thời gian tới để tiếp tục triển khai nhiệm vụ này một cách hiệu quả, Phòng 2 đã quán triệt và đưa ra một số biện pháp để làm tốt công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Ngành, Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm, chống oan, sai và phòng, chống tham nhũng để tạo sự chuyển biến tích cực cả về lượng và chất trong lĩnh vực công tác này.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng, thông qua các cuộc họp giao ban định kỳ và đột xuất, nắm bắt đầy đủ, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, từ đó có biện pháp xử lý, giải quyết đúng pháp luật.
Ba là, nâng cao trách nhiệm và năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng của Kiểm sát viên, bố trí những Kiểm sát viên có bản lĩnh, trình độ kinh nghiệm dày dặn để giải quyết các vụ án tham nhũng, làm tốt công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng ngay tại đơn vị, đồng thời chú trọng công tác rèn luyện nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm để Kiểm sát viên có lập trường, tư tưởng vững vàng, có bản lĩnh, không giao động trước bất kỳ cám dỗ hay sức ép nào; luôn cảnh giác với các đối tượng nghi vấn để tránh bị lợi dụng hoặc mắc sai lầm, nêu cao và duy trì tinh thần đoàn kết nội bộ.
Bốn là, kết hợp với các đơn vị kiên quan đẩy mạng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú, sinh động đến cán bộ, đảng viên trong đơn vị và bà con nhân dân nhằm phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân trong phát hiện, tố giác tội phạm và đấu tranh, phòng chống tham nhũng.
Nguyễn Thị Lê Oanh – Phòng 2