Là một trong những chiến sỹ cách mạng tiền bối, năm 1925, khi mới bước sang tuổi 16, đồng chí Trần Hữu Dực (quê ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã sáng lập ra một tổ chức yêu nước mang tên là “Ái hữu dân đoàn”. Đến tháng 6 năm 1929, đồng chí Trần Hữu Dực đã trở thành một trong 7 đảng viên Cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, thuộc Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và hơn một năm sau (tháng 10 năm 1930), khi vừa tròn 20 tuổi, đồng chí Trần Hữu Dực đã được cử làm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Trong 15 năm trước cách mạng, đồng chí đã bị kẻ thù bắt 3 lần, kết án 29 năm tù giam, 22 năm quản thúc. Trong lao tù, bằng nghị lực của người yêu nước, bằng ý chí của người cộng sản, đồng chí Trần Hữu Dực đã làm thất bại mọi ngón đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù, nêu tấm gương biến nhà tù thành trường học của người chiến sỹ cộng sản.
Từ năm 1950 đến năm 1976, đồng chí Trần Hữu Dực từng đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Đảng đoàn Chính phủ, Bí thư Đảng bộ các cơ quan Đảng Dân chính Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục cung cấp Bộ Tổng tư lệnh, Chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần của Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Thủ trưởng đầu tiên xây dựng ngành Thống kê Việt Nam, Trưởng Ban Công tác nông thôn của Trung ương Đảng kiêm Trưởng Ban liên lạc Nông dân toàn quốc, Chủ nhiệm Văn phòng nông nghiệp Phủ Thủ tướng kiêm Hiệu trưởng Trường đại học Nông nghiệp, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ kiêm Trưởng Ban Nội chính của Chính phủ, và Phó Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 1977 đến đầu năm 1982, đồng chí Trần Hữu Dực được Đảng, Nhà nước cử giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác của ngành Kiểm sát, đồng chí Trần Hữu Dực luôn cho rằng làm công tác kiểm sát không chỉ là làm tốt nghiệp vụ kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát giam giữ và kiểm sát thi hành án mà cần phải chú ý làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm.
Viện trưởng Trần Hữu Dực cùng các Phó Viện trưởng Trần Hiệu, Nguyễn Quốc Hồng
với các cán bộ nữ của VKSND tối cao
Sau khi đất nước thống nhất, việc xây dựng và tổ chức hoạt động công tác kiểm sát tại các tỉnh phía Nam trở thành một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Hữu Dực, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đặc biệt chú trọng việc xây dựng hệ thống Viện kiểm sát nhân dân ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Công tác tổ chức, xây dựng ngành, kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát có đủ năng lực, phẩm chất luôn được quan tâm hàng đầu, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã điều động, bổ sung hàng trăm cán bộ tốt nhất về năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm nghiệp vụ cho các tỉnh này.
Nhiều đồng chí cán bộ trong ngành Kiểm sát đã từng có thời gian làm việc với đồng chí Trần Hữu Dực cho biết: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Trần Hữu Dực luôn tận tụy ngày đêm, nắm chắc tình hình, đi sát thực tế, lắng nghe nhân dân, gần gũi cán bộ, hiểu rõ công việc, bản thân luôn nêu gương, phát huy tinh thần tập thể để hoàn thành các nhiệm vụ do Trung ương giao cho. Đối với đồng chí Trần Hữu Dực, một trong những nhiệm vụ của công tác kiểm sát là phục vụ các cuộc vận động lớn của Đảng, các phong trào của quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ pháp chế, thông qua đó nâng cao khả năng làm chủ của quần chúng. Đồng chí Trần Hữu Dực thường nhắc nhở cán bộ Kiểm sát trước hết phải làm những nhiệm vụ công tác theo chức năng đã được ghi trong luật, tháo gỡ những cản trở cho phong trào, đồng thời phải nỗ lực tham gia công tác Đảng, công tác dân vận, công tác quản lý Nhà nước.
Đồng chí Trần Hữu Dực đã từng nói: “Công tác kiểm sát là một công tác có phạm vi rộng lớn, có nhiều khó khăn, người cán bộ Kiểm sát phải có nhiệt tình cách mạng cao, phải có kiến thức, phải là những con người mới XHCN, người cán bộ Kiểm sát phải luôn luôn quan tâm bảo đảm cho công tác có chất lượng cao. Muốn làm tốt công tác kiểm sát, điều quan trọng nhất là mỗi người cán bộ Kiểm sát phải hiểu biết nhiều, hiểu chính sách, hiểu pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, tầm hiểu biết của cán bộ Kiểm sát phải rất rộng, hiểu dân, hiểu Nhà nước, hiểu công tác dân vận… Ở từng khâu nghiệp vụ, cán bộ Kiểm sát càng phải hiểu rất sâu, rất kỹ về phần công tác của mình nhưng đồng thời phải hiểu thấu đáo các lĩnh vực khác có liên quan đến công tác kiểm sát. Nếu không nắm, không hiểu kỹ thì dễ làm sai, gây khó khăn cho Đảng rất nhiều”.
Đồng chí Trần Hữu Dực thường nhấn mạnh đến việc tự học, tự nắm tình hình công tác, đúc rút kinh nghiệm để mau chóng trưởng thành, nâng cao chất lượng công tác. Phải phân biệt việc gì phải làm trước mắt, việc gì phải chuẩn bị lâu dài, có kế hoạch giải quyết cụ thể, tránh tình trạng làm tràn lan. Phải nâng cao trình độ tổ chức để thực hiện công tác cho thật sát, phải nghiên cứu cách hiệp đồng phối hợp với các ngành, biết huy động lực lượng phù hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng chí cho rằng phải bằng mọi cách nhanh chóng nâng cao được kiến thức, phẩm chất, năng lực của cán bộ lên kịp với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Người cán bộ Kiểm sát phải là con người tự quản được mình, tự mình hiểu được, làm được và làm cho mọi người khác hiểu được, làm được theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Trần Hữu Dực là người đầu tiên tạo lập trụ sở của Trường Cán bộ Kiểm sát Trung ương tại xã Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) ngày nay. Đồng chí Trần Hữu Dực lưu ý với Trường Cán bộ Kiểm sát Trung ương là: Nhà trường phải là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Ngành chuyển từ trung cấp lên đại học; là nơi nghiên cứu khoa học công tác phục vụ thực hiện chức năng của Ngành. Cần phải tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường để nhà trường ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Ngày 07/6/1977, đồng chí Trần Hữu Dực đã quyết định giao cho Trường Cán bộ Kiểm sát Trung ương mở lớp chuyên tu cao đẳng Kiểm sát đầu tiên. Ngày 07/01/1978, đồng chí Trần Hữu Dực quyết định thành lập Phân hiệu Trường cán bộ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức quản lý lớp bồi dưỡng cán bộ mới vào Ngành và lớp bổ túc cán bộ theo trình độ trung cấp cho cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh phía Nam (trụ sở đặt tại 27 Nguyễn Trung Trực, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh). Đến ngày 08/01/1980, đồng chí Trần Hữu Dực đã quyết định đổi tên Phân hiệu Trường cán bộ Kiểm sát thành Trường cán bộ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh với nhiệm vụ là đào tạo và bổ túc cán bộ trong Ngành theo hệ trung cấp.
Là một người giàu kinh nghiệm quản lý, đồng chí Trần Hữu Dực đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện các khâu công tác kiểm sát theo chỉ tiêu, số lượng, tiến hành kế hoạch hoá công tác kiểm sát, đưa công tác kiểm sát hoạt động thống nhất ở cả ba cấp trên phạm vi cả nước. Đây là một chủ trương lớn, xuyên suốt thời kỳ đồng chí giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được thực hiện đến ngày nay.
Đồng chí Trần Hữu Dực ký thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ với Viện kiểm sát tối cao Liên Xô
trong chuyến thăm và làm việc tại Liên Xô (tháng 5/1980)
Trong quan hệ đối ngoại, đồng chí Trần Hữu Dực tiếp tục phát triển mối quan hệ tốt đẹp đã có giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam với Viện kiểm sát tối cao của một số nước XHCN nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát Việt Nam và quan tâm giúp đỡ một số nước láng giềng trong đấu tranh chống tội phạm và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Đồng chí Trần Hữu Dực luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên lợi ích của cuộc sống và hạnh phúc gia đình. Với bất cứ nhiệm vụ, hoàn cảnh công tác như thế nào, đồng chí luôn nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường, trung thực của người cộng sản chân chính, chiến đấu quyết liệt chống mọi kẻ thù của cách mạng. Vào lúc tuổi đã cao, đồng chí vẫn say sưa, nhiệt tình tham gia những công việc có lợi cho Đảng, có ích cho nước cho dân, thủy chung tình nghĩa với đồng chí, đồng đội và vẫn sống một cuộc sống giản dị, trọn vẹn đạo đức cần- kiệm-liêm-chính. Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương cao quý khác./.
Lại Hợp Việt, Nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT-VKSND tối cao
Nguồn: kiemsat.vn