Trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên đã thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự, đảm bảo việc điểu tra, truy tố đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật. Hàng năm, tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt 85% trở lên. Các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra đều được kiểm sát chặt chẽ, đảm bảo cho việc thu thập các tài liệu, chứng cứ diễn ra đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, quá trình kiểm sát các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên được phân công phụ trách vụ án còn có những thiếu sót dẫn đến án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm sát điều tra vụ án hình sự, cụ thể: Trong vụ án Bàn Nghị Lực, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, bản thân bị cáo Lực là người dân tộc Dao, lại không biết chữ, tuy nhiên trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung bị can Điều tra viên không mời người làm chứng chứng kiến việc Điều tra viên đọc lại lời khai cho bị can nghe. Do đó tại phiên tòa bị cáo thay đổi lời khai, đồng thời bị cáo cho rằng Điều tra viên không đọc lại cho bị cáo nghe những gì mình đã khai, bảo điểm chỉ thì bị cáo chỉ biết điểm chỉ, do đó Kiểm sát viên cũng không thể sử dụng các lời khai của Lực để chứng minh việc Lực có khai gian dối hay không. Do đó vụ án này đã bị Tòa án nhân dân huyện Lục Yên trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung là có căn cứ, nguyên nhân như đã nêu trên
và xuất phát từ những thiếu sót của Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát điều tra vụ án. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên, đó là đối với các đối tượng phạm tội (kể cả những người tham gia tố tụng khác) là người dân tộc, người không biết chữ,… quá trình lấy lời khai phải có người phiên dịch, người chứng kiến tham gia và được ký vào bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung, nếu bị can thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý thì phải yêu cầu cơ quan điều tra mời trợ giúp viên pháp lý làm người bào chữa cho bị can, để tránh trường hợp ra tòa bị cáo thay đổi lời khai như vụ án trên.
Để thực hiện tốt công tác kiểm sát hoạt động điều tra, trước hết Kiểm sát viên cần phải nắm vững các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn đến trình tự, thủ tục tiến hành các biện pháp điều tra của cơ quan điều tra, như: hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại; khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; nhận dạng; đối chất,….Đối với mỗi biện pháp cụ thể lại có những đặc thù riêng đòi hỏi Kiểm sát viên phải có sự linh hoạt và nhạy bén, trong trường hợp cần thiết Kiểm sát viên có thể tham gia trực tiếp cùng với Điều tra viên tiến hành một số biện pháp điều tra nhằm đảm bảo tính khách quan, đồng thời cũng là một trong những cách để Kiểm sát viên bám sát tiến độ giải quyết vụ án.
Bên cạnh đó, để công tác kiểm sát hoạt động điều tra đạt hiệu quả cao, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm sát viên thông qua việc cử cán bộ đi tập huấn các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu do VKSNDTC phối hợp với trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức. Định kỳ hàng năm, VKSND hai cấp cần tổ chức tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm trong khâu công tác này để cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị trao đổi, học tập từ đó nâng cao trình độ nhận thức của bản thân. Ngoài ra cần phải tăng cường xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra cùng cấp. Công tác kiểm sát điều tra vụ án hình sự đạt được kết quả cao nhất khi Viện kiểm sát luôn đảm bảo bám sát quá trình giải quyết vụ án của Cơ quan điều tra.
Hà Thị Thu Phương – VKS Lục Yên