Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, sau nhiều lần điều chỉnh mức lương cơ sở đã đáp ứng một phần nhu cầu cuộc sống của công chức, viên chức. Tuy nhiên, thu nhập bình quân cán bộ công chức nói chung và của ngành kiểm sát nói riêng còn thấp, chưa là động lực khuyến khích người lao động tận tâm với công việc.
Lãnh đạo ngành Kiểm sát cũng chỉ ra bất cập là các chức danh tư pháp chưa có thang, bảng lương riêng, chưa có ngạch lương riêng đối với kiểm sát viên VKSND tối cao. Cụ thể, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, Kiểm sát quy định bậc, hệ số lương của kiểm sát viên, điều tra viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát giống như ngạch bậc của công chức cơ quan hành chính,…
Trưởng Ban Chỉ đạo Vương Đình Huệ cho rằng, Viện kiểm sát là cơ quan đặc thù, được tổ chức thành 4 cấp quản lý, nên việc thiết kế hệ thống thang, bảng lương và ngạch, bậc lương phải bảo đảm tính đặc thù của ngành và công bằng so với các lực lượng khác trong ngành tư pháp. “Với các chức danh Viện trưởng VKSND tối cao và Kiểm sát viên của VKSND tối cao cần được trả lương xứng đáng, không thể như ở cơ quan hành chính”, Trưởng Ban chỉ đạo chia sẻ.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tính toán phụ cấp ngành hay phụ cấp nghề gắn với chức danh theo đặc thù của Việt Nam.
Từ các ý kiến của thành viên Ban chỉ đạo và của lãnh đạo VKSND tối cao, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng cần tính toán trả lương theo chức vụ, cấp bậc và vị trí việc làm. Việc tính lương này sẽ thực hiện được khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước và đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập. Ngược lại, cơ chế lương mới sẽ hỗ trợ cho tinh giản biên chế.
Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành xác định vị trí việc làm để xác định rõ tổng biên chế công chức nhà nước; Bộ Tài chính và các bộ, ngành đánh giá lại việc thực hiện khoán chi nhằm đảm bảo khoán chi phải đi liền với tinh giản biên chế.
Theo Thành Chung/Chính phủ