Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Chủ nhiệm đề tài khoa học phát biểu tại hội thảo
Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo, trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử (THQCT và KSXX) phúc thẩm, xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm nên trong 2 năm qua (từ tháng 6/2015 đến tháng 5/2017), cả 3 Viện cấp cao luôn quan tâm và đã có nhiều biện pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ giải quyết án, ban hành các quy trình, quy định về thụ lý, giải quyết, lập hồ sơ KSXX phúc thẩm và nhiều biện pháp khác như: ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý án ở Viện cấp cao 3, ký quy chế phối hợp với tòa án cấp cao ở Viện cấp cao 1… để tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Chính vì thế, mặc dù nhiệm vụ giải quyết án phúc thẩm khá nặng nề song thời gian qua, các Viện cấp cao cơ bản hoàn thành tốt công tác này. Các đơn vị luôn đảm bảo nghiên cứu hồ sơ vụ án, trả hồ sơ cho Tòa án trong thời hạn luật định, không để xảy ra tình trạng vụ án được giải quyết quá hạn do lỗi của Viện kiểm sát. Bên cạnh đó, trong THQCT và KSXX giám đốc thẩm, tái thẩm, việc tổ chức nghiên cứu, giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm của 3 Viện cấp cao đã cơ bản phù hợp, có hiệu quả; việc phân công nghiên cứu án theo hướng chuyên sâu theo loại án, phân công Kiểm sát viên trực tiếp đề xuất kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tham gia phiên tòa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải quyết án. Chất lượng nghiên cứu hồ sơ giám đốc thẩm, tái thẩm đã phục vụ hiệu quả cho hoạt động của Kiểm sát viên và đảm bảo quan điểm đề xuất về đường lối giải quyết vụ án là có căn cứ, đúng pháp luật; không có trường hợp nào bị Tòa cấp trên hủy bản án, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa cấp cao. Đối với các kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện kiểm sát, được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận kháng nghị đạt gần 90% cho thấy chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện kiểm sát trong thời gian qua là tương đối tốt.
Ngoài ra, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ của VKSND cấp cao đối với VKSND tỉnh, huyện thời gian qua cơ bản đã được triển khai thực hiện. Các thỉnh thị của Viện kiểm sát địa phương đã được Viện cấp cao nghiên cứu trả lời kịp thời; ở một số Viện cấp cao đã coi hoạt động thông báo rút kinh nghiệm các vi phạm được tính là chỉ tiêu xét thi đua. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của VKSND cấp cao đã góp phần tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và nâng cao chất lượng hoạt động của Viện kiểm sát địa phương. Thêm vào đó, có thể nói, những kết quả mà các Viện cấp cao đạt được trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thời gian qua cũng là một trong những căn cứ để khẳng định chủ trương của Đảng về việc thành lập VKSND cấp cao là hoàn toàn đúng đắn.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Tại hội thảo, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Chủ nhiệm đề tài khoa học, các ý kiến đã phân tích, làm rõ thực trạng, những mặt tích cực, hạn chế về tổ chức và hoạt động của VKSND cấp cao trong thời gian qua đồng thời đề xuất các nội dung về công tác tổ chức cán bộ, về cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo và về tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tiếp tục hoàn thiện tổ chức, hoạt động của VKSND cấp cao trong thời gian tới. Liên quan đến các kiến nghị, các ý kiến cũng cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung một số quy chế nghiệp vụ của Ngành với các quy định về VKSND cấp cao; cần tăng cường tỷ lệ Kiểm sát viên cao cấp cho các Viện cấp cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác; cần ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư số 02, số 03 ngày 15/10/2013 quy định các trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý đơn; tăng thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án của Viện kiểm sát trong giai đoạn phúc thẩm đồng thời cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử đối với VKSND cấp cao. Ngoài ra, về lâu dài, cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước để tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND cấp cao theo hướng trở thành một cấp kiểm sát có thẩm quyền đầy đủ hơn, có thẩm quyền truy tố, THQCT và KSXX sơ thẩm đối với một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…
Theo Báo bảo vệ pháp luật