Những hạt mưa bắt đầu rơi từ đêm 8/10 đến sáng ngày hôm sau, mọi hoạt động của cán bộ và người dân ở thị trấn Trạm Tấu tuy vẫn bình thường nhưng có vẻ như chậm lại bởi nước mưa đã tràn ra mặt đường, tràn vào nhà một số hộ dân, vì thế, nếu như hàng ngày việc đưa đón con đi học được coi như nhiệm vụ bất khả kháng của nhiều bà mẹ vùng cao, thì hôm nay lại là công việc được lựa chọn hàng đầu của những ông bố đáng kính.
7 giờ 30 phút sáng như giấy triệu tập của huyện, các thành viên cuộc họp giao ban Khối Dân vận đội ô đến, còn tôi vì ở gần nên dùng luôn chiếc cặp đựng tài liệu đội lên đầu đến phòng họp. Đại biểu các xã lác đác có người mặc áo khoác, vì tiết trời vùng cao đầu đông đã lạnh lại kèm theo mưa giông nên càng khiến cho độ ẩm xuống thấp. Sực nhớ có người bạn ở Sở Giáo dục lên công tác vì muốn giữ lại mà buổi trưa tôi đã tạo ra lý do: “Trời mưa tắc đường, sáng mai rồi về”, tôi liền mở điện thoại ra gọi bạn. Sau tiếng chuông đổ là tiếng sẹt, sẹt và rồi tôi cũng nghe bập bõm tiếng cậu bạn: “Em đang về trên đường rồi nhưng bị tắc ở km 17”; “Quay lại ngay!” Tôi yêu cầu, nhưng đầu dây bên kia trả lời: “Bọn em chờ khoảng một tiếng, sắp thông đường rồi, em cảm ơn nhé!”. Giờ nghĩ lại cũng may cho bạn nếu nhiệt tình ở lại thì không biết giải thích thế nào với bà vợ nổi tiếng là khó tính và hay cằn nhằn của cậu ta. Còn ông trời vẫn nhiệt tình xả nước mà không hề quan tâm đến lời than thở của những người dân: “Ông trời tạnh mưa đi, cứ thế này lại lũ ống, lũ quét mất thôi!”.
Mưa, mưa đến tối, mưa qua đêm và mưa thông sang ngày hôm sau, đó là từ duy nhất khi thông báo về thời tiết những ngày này ở Trạm Tấu với người thân, song điều khủng khiếp lại là những gì sắp xảy ra mà không ai ngờ tới. Khoảng 4 giờ sáng ngày 11/10, hệ thống thông tin bị tê liệt, 5 giờ sáng mất điện, cả thị trấn chìm trong bóng tối, đánh dấu giờ phút Trạm Tấu bị cô lập hoàn toàn, còn trời vẫn tiếp tục mưa. 7 giờ 30 phút hung tin đầu tiên mà tôi được biết là thông tin không chính thức hay gọi theo cách dân dã “thông tấn vỉa hè” nhưng cũng đáng tin cậy đó là tin từ anh Lò Văn Tiên – một cán bộ của cơ quan, nhà ở gần một bản người Thái khi vừa đặt chân đến cơ quan: “Anh ơi, cầu treo trong Hát Lừu bị lũ thổi bay rồi, nhiều nhà bị đổ lắm, nhiều người chết, chết một bé gái 3 tuổi, nhà ông Năm bị lũ cuốn trôi mất 5 người, khủng khiếp, khủng khiếp quá…”.
Tôi lấy xe, gọi cháu Giỏi – cán bộ cùng cơ quan – cùng đi ra cầu Vòm phía đầu thị trấn xem lũ thế nào. Khi đến nơi nhìn ngã ba suối nơi giao nhau giữa dòng Nậm Tung và Nậm Hát hiền hòa thơ mộng ngày nào được ví như nơi gặp gỡ của cô gái Thái và chàng trai bản trong câu truyện tình đầy lãng mạn đã biến thành dòng nước đỏ ngầu, sôi sùng sục, hung dữ và tàn nhẫn đến tột cùng cuốn phăng tất cả những gì trên đường đi của nó.
Dòng suối Nậm Tung – Nậm Hát hiền hòa nay đã trở lên hung dữ
Sau hơn một ngày đêm cả huyện bị mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc, tới chiều ngày 12/10, hệ thống thông tin được khắc phục, các tin tức thiệt hại do cơn lũ như số người chết, người mất tích, người bị thương, những hình ảnh đổ nát vùng tâm lũ mới thông tin được ra bên ngoài. Chúng tôi lại có thêm một lo lắng đó là có bị can đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh đã hết thời hạn giam, cần phải có lệnh giam mới. Tôi gọi điện cho Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh báo cáo tình hình, được đồng chí hỏi thăm chia sẻ và yêu cầu tìm mọi cách khắc phục gửi lệnh giam theo đúng quy định vì đây là quy định rất chặt chẽ của tố tụng và liên quan đến quyền con người. Thế là đôi ủng cao su mới sắm trước đó để phòng những ngày mưa khi trên bản có những vụ việc xảy ra cần đi khám nghiệm lại phát huy tác dụng.
Tham khảo đường về thị xã Nghĩa Lộ có người nói sạt lở đến km 23, có người nói đến km 21, lại có người nói đến tận km 17 mới đi được xe máy. Để chắc chắn, tôi gọi cho đồng nghiệp Lưu Thượng Thống – cán bộ Viện kiểm sát thị xã Nghĩa Lộ:
– Chú đi xe máy ngược lên Trạm Tấu đón anh, đường tắc hết rồi, anh đi bộ xuống, chú đi xe đến đoạn nào không đi được nữa thì chờ anh.
– Vâng! Thế bao giờ anh đi? Tiếng cậu Thống hỏi lại?
– Bây giờ là 8 giờ 30, anh đi bộ khoảng 13 km dự tính khoảng 1 giờ chiều tới đó.
– Vâng, vâng em đi ngay!
Trở ngại đầu tiên đã chờ đón tôi là một bãi đá ngổn ngang từ khe núi đẩy xuống cùng với bùn đất nhão nhoét ngay đầu thị trấn. Lúc này đã có một chiếc máy xúc được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện huy động đến đang gạt những tảng đá xuống suối. Song, dường như những tảng đá quá to nên chiếc máy xúc cứ phải ì ạch nhích từ từ, từng tí một.
Điểm sạt lở đầu tiên tại thị trấn Trạm Tấu
Vượt qua bãi đá đầu tiên khoảng 15m là ngổn ngang những thân củi gỗ, rễ cây, rác, đá… nằm la liệt khiến một vài người dân ở gần đó tranh thủ mang búa ra chặt, giúp lực lượng cứu hộ nhanh chóng thông đường. Lúc đầu tôi còn tranh thủ bấm máy nhằm ghi lại những hình ảnh sạt lở trên đường, nhưng khi phải vượt qua gần chục bãi bùn đất làm đôi ủng nặng thêm hàng cân, hai ống quần đã thành màu cháo lòng thì chẳng còn hứng thú để chụp nữa.
Những bãi bùn lầy liên tiếp trên mặt đường tỉnh lộ 174
Trên đường, có lúc phải bò, bám theo từng hộ lan để tránh bị sụt lún vào các đám bùn cao hàng mét, có khi lại phải trèo liên tục qua các tảng đá lớn nhỏ, thậm chí có đoạn chúng còn nằm chồng chất lên nhau từng đống một, đủ các loại: đá thùng phuy, đá bố, đá mẹ, đá ông bà, ….cứ lăn lóc, la liệt cản đường.
Những viên đá bị mưa lũ hất xuống mặt đường tỉnh lộ 174
Tôi tranh thủ ngồi nghỉ và nhìn về đoạn đường trước mặt phía ba cây Sa mu già, người dân Trạm Tấu vẫn quen gọi khu vực “ba cây thông”, tôi mới biết là mình mới chỉ đi được có 5km, kim đồng hồ đã chỉ 11h30′, tính ra tốc độ chỉ hơn 1km/h. Đang loay hoay vượt qua một khe nước tắc đầy những chiếc xe ô tô tải, xe con, máy ủi, máy xúc… của Thủy điện Trạm Tấu bị nước hất văng xuống thì trời bắt đầu mưa. Trong túi áo đang cất tờ lệnh gia hạn giam bị can, nếu bị mưa ướt thì công cốc rồi, đang chưa biết xử trí ra sao, chợt nhìn thấy một “vị cứu tinh” chính là vỏ chai nước trôi trước mặt. Ơn giời, thế là tờ lệnh giam đã được cuộn tròn trong chiếc vỏ chai.
Càng về cuối, điểm sạt lở càng nhiều, những bãi bùn đất càng chất cao hơn. Có những điểm muốn vượt qua bắt buộc phải tháo ủng, thậm chí phải cởi bỏ quần dài vì lội qua lớp bùn nhão cao hàng mét là lối đi duy nhất bởi những chiếc cầu bê tông kiên cường chịu qua mấy chục mùa mưa lũ thế mà lần này cũng phải đầu hàng trận lũ. Trên suốt đoạn đường về tỉnh, điều khiến tôi cảm động lại là những cây thông già bị mưa lũ hất tung xuống vực vẫn cố oằn mình nằm vắt ngang dòng nước để tạo ra một cây cầu giúp cho người dân. Phía trước tôi lúc đó là một người đàn ông đang lẩy bẩy bò qua xác cây thông già để vượt dòng nước đang chảy xiết, có lẽ vì quá lo cho việc bảo đảm an toàn tính mạng nên phải bỏ lại đôi dép tổ ong ngay giữa cây cầu gỗ trong sự tiếc nuối. Nhìn ông bò trên cây gỗ qua suối mà tôi thấy lo lo, nói dại nhỡ ông ấy sảy chân…mình không cứu không được…Nín thở theo dõi thấy người đàn ông đã sang được bờ bên kia, tôi hỏi: “Chú ơi, thế chú định bỏ đôi dép này à?”, ông ấy bảo “Ừ, không cầm sang được!”. Tôi bảo: “Thế cháu cầm giúp sang nhé!” Ông bảo “Thế cầm giúp luôn cả túi quần áo nữa”. Lúc này tôi mới để ý thấy túi quần áo vẫn còn để bên này suối. Khi cầm được đôi dép và túi quần áo sang được bờ bên kia cho người đàn ông, tôi hỏi: “Thế chú đi sang suối thế chú không sợ à?”, ông bảo: “Thế anh không thấy tôi đã phải đi bằng cả 4 chân rồi còn gì!”.
Cây cầu bê tông bị lũ cuốn trôi, một người dân phải trèo qua cây thông để về nhà
Tạm biệt người bạn đường vừ gặp, tôi tiếp tục cuộc hành trình, mãi rồi cuối cùng tôi cũng vượt qua 13 km với mấy chục điểm sạt lở. Gặp đồng nghiệp ở Nghĩa Lộ chờ đón, chưa kịp nói gì đã thấy hỏi liên tục: “Em gọi điện cho anh không được, chỉ sợ anh bị làm sao?”. Tôi xua tay vừa thở, vừa cười: “Không sao, vấn đề là anh rất đói, tìm quán cơm ăn rồi anh còn về Nghĩa Lộ bắt xe cho kịp, kẻo tối”.
Mưa lũ đi qua, nỗi đau ở lại, xong điều tôi không thể tưởng tượng được chỉ trong ba ngày, từ khi xảy ra mưa lũ, các lực lượng chức năng của huyện, của tỉnh đã khắc phục hậu quả, nỗ lực hết sức san gạt xong các điểm sạt lở, giải phóng con đường huyết mạch lên với Trạm Tấu, giúp chúng tôi – những người đang sống, công tác trên vùng cao đầy gian khó này hoàn thành nhiệm vụ và kịp thời trở về chung sức cùng nhân dân khắc phục hậu quả lũ quét.
Đỗ Thái Trung, VKS Trạm Tấu