Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Viện trưởng VKSQS trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp tập trung chỉ đạo tăng cường việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ với các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và quy chế, quy định của ngành KSND liên quan đến việc theo dõi, quản lý, giải quyết án tạm đình chỉ tại đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình.
Hai là, chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, chỉ đạo VKSND cấp dưới định kỳ (6 tháng, 1 năm) tổ chức rà soát, phân loại án tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm của đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình theo dõi, quản lý để thống nhất về số liệu, xây dựng báo cáo tổng hợp, thống kê.
Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức các đợt kiểm tra, hướng dẫn công tác này của đơn vị và VKSND cấp dưới.
Ba là, việc rà soát, phân loại án tạm đình chỉ phải căn cứ vào giai đoạn tố tụng của vụ án, làm rõ lý do, căn cứ tạm đình chỉ, thời hạn tạm đình chỉ, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và các căn cứ phục hồi hoặc đình chỉ vụ án đối với vụ án tạm đình chỉ.
Căn cứ kết quả rà soát, phân loại án tạm đình chỉ, Viện kiểm sát các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thống nhất hình thức, biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời án tạm đình chỉ theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể:
Đối với các trường hợp chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xác định rõ nguyên nhân tạm đình chỉ và khẩn trương áp dụng các biện pháp khắc phục lý do tạm đình chỉ để phục hồi, giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật;
Đối với trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc do thay đổi quy định của pháp luật mà hành vi phạm tội không bị coi là tội phạm nữa, phải kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cùng cấp ra quyết định đình chỉ hoặc tự mình ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật;
Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, không thống nhất được quan điểm giải quyết giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thì Viện kiểm sát chủ trì, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Bốn là, báo cáo công tác định kỳ của Viện kiểm sát các cấp phải có nội dung phân tích chi tiết về số liệu thống kê, phân loại và xử lý, giải quyết án tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm của đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình.
Năm là, chỉ đạo các đơn vị, bộ phận thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có trách nhiệm lập, xây dựng hồ sơ án tạm đình chỉ theo đúng quy định về việc lập hồ sơ kiểm sát của Ngành.
Giao cho bộ phận văn phòng thuộc VKSND các cấp và Phòng Quản lý án hình sự thuộc Văn phòng VKSND tối cao tiếp nhận, theo dõi và quản lý hồ sơ án tạm đình chỉ của đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình.
Việc chuyển giao hồ sơ án tạm đình chỉ cho đơn vị, bộ phận có trách nhiệm quản lý phải được thực hiện theo đúng thủ tục tố tụng, đầy đủ tài liệu chứng cứ phù hợp với giai đoạn tố tụng giải quyết vụ án theo quy định. Việc tiếp nhận để theo dõi, quản lý và bàn giao hồ sơ án tạm đình chỉ để xử lý, giải quyết phải theo đúng quy định của pháp luật và của Ngành.
Sáu là, từ 01/12/2017, việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ án tạm đình chỉ giữa các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử với đơn vị có trách nhiệm quản lý được thực hiện khi có án tạm đình chỉ xảy ra. Đối với các vụ án đã tạm đình chỉ trước ngày 30/11/2017 thì việc hoàn thiện và chuyển giao hồ sơ án tạm đình chỉ giữa các đơn vị phải thực hiện xong trước ngày 31/12/2017.
Theo Tạp chí Kiểm sát