Những nội dung mới cơ bản của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014, có kết cấu gồm 06 chương, 101 Điều. Trên cơ sở thể chế hoá các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định toàn diện các vấn đề cơ bản về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Nội dung của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã có nhiều điểm mới cơ bản, cụ thể như sau:

1. Về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tổ chức và thực hiện quyền lực Nhà nước.

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 khẳng định rõ địa vị pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (Điều 2).

2. Về chức năng, nhiệm vụ, các lĩnh vực công tác của Viện kiểm sát nhân dân

– Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định rõ phạm vi, nội dung, mục đích của chức năng thực hành quyền công tố, khẳng định Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Lần đầu tiên Luật quy định một mục riêng về công tác “Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố” nhằm khẳng định đây là lĩnh vực công tác thực hiện chức năng độc lập của Viện kiểm sát nhân dân (Mục 1 Chương II). Thể chế hoá chủ trương của Nghị quyết 49-NQ/TW “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra”, Luật đã xác định vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát là cơ quan quyết định, phê chuẩn việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra, truy tố; có quyền trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tiến hành một số hoạt động điều tra để làm rõ các căn cứ quyết định việc buộc tội đối với người phạm tội; quyết định truy tố hoặc không truy tố bị can.

– Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định rõ phạm vi, nội dung, mục đích của chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

– Trên cơ sở nội dung của chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định rõ các lĩnh vực công tác thuộc chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; làm rõ nội dung các khâu công tác thực hiện chức năng và bổ sung quy định về các công tác phục vụ thực hiện chức năng của Viện kiểm sát nhân dân (Chương II).

– Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã phân định các trường hợp Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị hoặc quyền kiến nghị; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật (Điều 5).

– Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã mở rộng thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân cả về loại tội và chủ thể thực hiện tội phạm. Theo Điều 20 của Luật, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương có thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, những người khác có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

3. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn nội dung nguyên tắc Tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành bằng việc làm rõ hơn mối quan hệ giữa Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới và ngược lại thông qua các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp (Các điều 63,65,66,67,69,70,71).

Đồng thời, Luật đã làm rõ thêm quy định của Hiến pháp về nguyên tắc khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân với các nội dung sau: Kiểm sát viên phải chấp hành quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì Kiểm sát viên có quyền từ chối nhiệm vụ được giao và phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với Viện trưởng; trường hợp Viện trưởng vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và Kiểm sát viên phải chấp hành nhưng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có thẩm quyền. Viện trưởng đã quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình” (Khoản 1 Điều 83).

4. Những quy định chung về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã đổi mới hệ thống Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền xét xử của Toà án, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng tổ chức bộ máy Viện kiểm sát nhân dân các cấp theo hướng chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu mở rộng thẩm quyền:

– Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã thiết lập hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 4 cấp theo chủ trương cải cách tư pháp gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (Điều 40); bổ sung quy định phân định rõ phạm vi thẩm quyền của 4 cấp Viện kiểm sát nhân dân (Điều 41).

– Về cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân các cấp (Các điều 42, 44, 46, 48), Luật đã sửa đổi cách thức quy định bảo đảm bao quát đuợc toàn bộ các loại hình đơn vị ở các cấp Viện kiểm sát.

Về cơ cấu cán bộ, Luật đã quy định đầy đủ, toàn diện các chức danh tố tụng và các chức danh pháp lý khác của từng cấp Viện kiểm sát, cụ thể là: (1) Quy định bổ sung chức danh Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác trong cơ cấu cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân các cấp; (2) Đối với quy định về cơ cấu cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương, có bổ sung các chức danh khác của Cơ quan điều tra; (3) Bổ sung quy định về viên chức trong cơ cấu cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao vì ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao có các đơn vị sự nghiệp công lập; (4) Riêng đối với Viện kiểm sát quân sự các cấp, bên cạnh việc quy định bổ sung chức danh Kiểm tra viên, còn quy định về các quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác bảo đảm phù hợp với đặc thù tổ chức cán bộ của quân đội.

– Thành lập Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là cấp kiểm sát mới, có nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp cao (Khoản 2 Điều 41). Vì vậy các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử trong Viện kiểm sát nhân dân cấp cao được tổ chức thành các “Viện” để bảo đảm tưong ứng với các toà chuyên trách của Toà án nhân dân cấp cao (Điều 45). Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có Uỷ ban kiểm sát, Văn phòng và các đơn vị tương đương các Viện nghiệp vụ. Cơ cấu cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác (Điều 44).

Theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 2 của Nghị quyết 82/2014/QH13 về việc thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì từ ngày 01/6/2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ chuyển giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh sẽ chuyển giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để Viện kiểm sát nhân dân cấp cao bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một cấp kiểm sát độc lập trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân.

– Luật cũng đã kiện toàn cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện theo hướng tổ chức “Văn phòng và các Phòng”. Việc thành lập các đơn vị cấp phòng tại Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện vừa tăng cường hiệu quả công tác quản lý, điều hành; đảm bảo tính chuyên sâu, phù hợp với việc thành lập các toà chuyên trách của Toà án nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, đối với các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chưa đủ điều kiện thành lập phòng (ở miền núi, hải đảo, khối lượng công việc ít) thì vẫn giữ nguyên mô hình các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc như hiện nay. Cách tổ chức như vậy vừa linh hoạt, vừa phù hợp với thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (Khoản 1 Điều 48).

– Về Uỷ ban kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân (Các điều 43, 45, 47, 53, 55)

Bên cạnh việc tiếp tục quy định Uỷ ban kiểm sát ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương như hiện nay, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã thành lập thêm Uỷ ban kiểm sát ở Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là cấp kiểm sát mới.

Vai trò của Uỷ ban kiểm sát trong Luật này cũng được đổi mới, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 tiếp tục quy định Uỷ ban kiểm sát có quyền quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân như Luật hiện hành. Riêng đối với các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự quan trọng thì Luật không giao cho Uỷ ban kiểm sát quyền quyết định như hiện nay mà chỉ có vai trò tư vấn cho Viện trưởng khi Viện trưởng thấy cần thiết, bảo đảm phù hợp với quy định của các luật tố tụng về tư cách tiến hành tố tụng và nguyên tắc chịu trách nhiệm trong hoạt động tư pháp của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Luật năm 2014 còn bổ sung thẩm quyền cho Uỷ ban kiểm sát xét tuyển người có đủ điều kiện dự thi vào các ngạch kiểm sát viên.

Khi quyết định những vấn đề được giao trong Luật, Uỷ ban kiểm sát phải ban hành nghị quyết trên cơ sở biểu quyết của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát.

– Luật đã bổ sung quy định về thẩm quyền thành lập, giải thể Viện kiểm sát nhân dân (Điều 49). Theo đó, việc thành lập, giải thể Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân huyện do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

5. Về cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân

a) Luật đã xây dựng một mục riêng (Mục 1 Chương IV) quy định những vấn đề chung về cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân, trong đó, có những điểm mới sau đây:

 – Lần đầu tiên quy định rõ các chức danh tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Ngoài các chức danh tư pháp, ở Viện kiểm sát nhân dân còn có các công chức khác, viên chức và người lao động khác; ở Viện kiểm sát quân sự còn có các quân nhân khác (Điều 58).

– Quy định trách nhiệm chung của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân, thay vì chỉ quy định trách nhiệm của các chức danh tư pháp như trước đây (Điều 59).

– Sửa đổi, bổ sung các quy định về điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 60): (1) Xác định lại cho đúng các khái niệm, trường hợp biệt phái”,“luân chuyển”; (2) Quy định phân cấp cho Tư lệnh cấp quân khu và tương đương trong việc điều động, luân chuyển Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức giữa các Viện kiểm sát quân sự trực thuộc quân khu và tương đương để phù hợp với thực tiễn công tác điều động, luân chuyển công chức trong Quân đội hiện nay.

– Về trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân trong quản lý công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 61), Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và của Viện trưởng các Viện kiểm sát khác trong công tác quản lý cán bộ. Thay vì chỉ quy định trách nhiệm quản lý, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, Kiểm sát viên thì Luật đã mở rộng phạm vi, đối tượng; quy định việc quản lý công tác cán bộ của Ngành, của các cấp Viện kiểm sát và đối với tất cả các đối tượng công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân.

b) Luật đã xây dựng một mục riêng (Mục 2 Chương IV) quy định về chế độ pháp lý của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, trong đó, đặc biệt đã bổ sung, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, thông qua đó, làm rõ mối quan hệ giữa Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên, giữa Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đúng nội dung, tinh thần nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành.

Luật cũng quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân là theo sự phân công hoặc uỷ quyền của Viện trưởng, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân là phải chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

c) Về Kiểm sát viên

– Tổ chức 4 ngạch Kiểm sát viên (Gồm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp), trong đó, ngạch Kiểm sát viên cao cấp là ngạch mới, tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp tương ứng với tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao hiện nay; đa dạng hoá các ngạch Kiểm sát viên ở mỗi cấp Viện kiểm sát bảo đảm tính linh hoạt trong việc sử dụng, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ giữa các cấp Viện kiểm sát, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng cấp (Các điều 76, 79).

– Quy định rõ số lượng Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao không quá 19 người (Khoản 1 Điều 93); nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 80).

– Đổi mới quy định về nhiệm kỳ Kiểm sát viên, theo đó, Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm (Điều 82).

– Áp dụng hình thức thi tuyển vào các ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp; Uỷ ban kiểm sát xét tuyển để chọn người đủ điều kiện dự thi; bổ sung quy định về Hội đồng thi tuyển các ngạch Kiểm sát viên nêu trên (Điều 87). Đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tiếp tục thực hiện cơ chế tuyển chọn thông qua Hội đồng tuyển chọn như hiện nay.

– Bổ sung quy định về tuyên thệ của Kiểm sát viên khi được bổ nhiệm (Điều 85).

d) Về Kiểm tra viên

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 lần đầu ghi nhận Kiểm tra viên là chức danh tư pháp, được bổ nhiệm để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng. Kiểm tra viên có 3 ngạch như hiện nay (Kiểm tra viên, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp). Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định (Điều 90).

6. Về các điều kiện bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân

– Luật đã bổ sung quy định về ngày truyền thống, phù hiệu của ngành Kiểm sát (Điều 11).

– Giao cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyền kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định dự toán kinh phí hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong trường hợp Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao không thống nhất về dự toán (Khoản 2 Điều 94).

– Đổi mới cơ chế trình kinh phí hoạt động của VKSQS cho phù hợp với thực tiễn, theo đó, kinh phí hoạt động của Viện kiểm sát quân sự do Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương lập dự toán báo cáo Bộ Quốc phòng để đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định (Khoản 3 Điều 94).

– Quy định những vấn đề Nhà nước ưu tiên đầu tư cho ngành Kiểm sát nhân dân nhằm bảo đảm xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp, theo đó Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị nâng cao năng lực hoạt động cho Viện kiểm sát nhân dân. Trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc của Viện kiểm sát quân sự do Chính phủ bảo đảm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (Khoản 4 Điều 94);

– Quy định các chức danh tư pháp có thang, bậc lương riêng; các chế độ phụ cấp (Các điều 95, 96).

– Bổ sung quy định về công tác khen thưởng, xử lý vi phạm (Điều 99).

 Hà Lập Phương – VKSND huyện Văn Chấn

(theo tổng hợp của Vũ Minh Việt Nguồn: Cổng TTĐT VKSND tỉnh Lao Cai)

Gặp mặt cán bộ, Kiểm sát viên nghỉ hưu trên địa bàn huyện Trấn Yên
Sự quan tâm của Lãnh đạo Viện kiểm sát đối với công tác sinh hoạt thường kỳ của Câu lạc bộ hưu trí ngành Kiểm sát trên địa bàn huyện Trấn Yên
Kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án hình sự tại UBND cấp xã, phường
Viện kiểm sát nhân dân huyện Trấn Yên kiểm sát trực tiêp công tác thi hành án hình sự tại UBND xã Y Can và Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện Trấn Yên
Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn trực tiếp kiểm sát công tác thi hành án hình sự tại Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện Văn Chấn
Kiểm tra nghiệp vụ tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Trấn Yên
Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn quản lý chặt chẽ tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp
Giao ban Khối Nội chính thành phố Yên Bái
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái tiến hành kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Yên Bái
Vụ án giết người xảy ra ngày 19/10/2015 tại phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái
Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn trực tiếp kiểm sát công tác thi hành án hình sự tại Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện Văn Chấn
Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn quản lý chặt chẽ tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp
Phối hợp tổ chức đêm “Vui hội trăng rằm” cho thiếu nhi Trường Mầm non Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh, Văn Chấn
Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn – Thực hiện tốt chủ trương của cấp ủy địa phương trong việc nhận đỡ đầu học sinh bán trú tại xã Sùng Đô
Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn Kháng nghị về vi phạm trong công tác thi hành án hình sự
Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn thực hiện tốt việc chung sức xây dựng nông thôn mới
Thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện Văn Chấn
Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện trong Tháng hành động phòng, chống ma túy
Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn phối hợp đưa xét xử 03 vụ án hình sự lưu động và rút kinh nghiệm
Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn tham gia họp xét rút ngắn thời gian thử thách án treo đối với 07 bị án