Ông Giàng A Páo – Ủy viên thường trực MTTQ huyện Trạm Tấu đang
nghiên cứu hồ sơ để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo trong một vụ án hình sự
Với chức năng và nhiệm vụ như trên, trong thời gian vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu đã thực hiện một số các biện pháp cụ thể:
Một là: Phối hợp với với Cơ quan điều tra và Tòa án nhân dân huyện trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành, để thực hiện có hiệu quả quy định của luật tố tụng hình sự năm 2003 là “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng”. Bị can, bị cáo… không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình vô tội; mặc dù quyền im lặng của bị can, bị cáo vẫn là đề tài còn nhiều tranh luận trong giới luật gia và chưa quy định trong luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành.
Hai là: Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, chống oan, sai; đồng thời cũng không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Giữa lãnh đạo Viện và các Kiểm sát viên thường xuyên trao đổi, kịp thời phát hiện việc Điều tra viên lạm dụng trong việc áp dụng các thủ thuật điều tra gây bất lợi cho bị can. Đảm bảo việc điều tra, truy tố và xét xử đúng quy định của pháp luật. Việc thu thập chứng cứ đủ chứng minh, vì nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội của cơ quan công tố (Viện kiểm sát) phải dựa trên chứng cứ xác thực, tức là phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ và phải được thu thập theo đúng trình tự tố tụng, do người có thẩm quyền thực hiện. Nếu không làm rõ được thì phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Đây là biện pháp cơ bản và xuyên suốt trong quá giải quyết vụ án hình sự.
Ba là: Đảm bảo thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa (luật sư, trợ giúp viên pháp lý…). Hiện nay ở Trạm Tấu có tới 77% là đồng bào dân tộc Mông, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên nhiều người khi vi phạm pháp luật không biết quyền được nhà nước trợ giúp pháp lý. Họ sợ phải trả tiền khi đề nghị trợ giúp viên bào chữa. Vì vậy trong thời gian vừa qua, Viện kiểm sát Trạm Tấu đã phối hợp với các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái để giải thích và hướng dẫn họ về thủ tục yêu cầu trợ giúp, sau đó cấp giấy chứng nhận người bào chữa và tạo điều kiện tốt nhất để các trợ giúp viên tác nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Bốn là: Viện kiểm sát Trạm Tấu đã đề ra các biện pháp nhằm tăng cường chất lượng tranh tụng, trong đó đã phối hợp với Tòa án nhân dân huyện mở các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, giúp Kiểm sát viên nâng cao kỹ năng thẩm vấn, kỹ năng tranh tụng, kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Làm sáng tỏ sự thật vụ án, đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng trình tự pháp luật.
Năm là: Phân công kiểm sát viên có năng lực, có kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp để tham gia giải quyết các vụ án hình sự, nhất là đối với các vụ án phức tạp, án truy xét, các vụ án có khiếu kiện hoặc bị can không nhận tội.
Bài, ảnh: Đỗ Thái Trung – Hoàng Thanh Hải, VKS Trạm Tấu