1. Vi phạm điều 11, khoản 2 điều 15 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án:
Đơn khởi kiện của anh Chính ngày 30/6/2014 yêu cầu Tòa án giải quyết về tình cảm, con cái và tài sản, anh Chính cung cấp cho Tòa án một biên bản thỏa thuận phân chia tài sản. Sau khi nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu có liên quan, Tòa án nhân dân thị xã Nghĩa Lộ đã thông báo nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm ly hôn với số tiền là 200.000đ và thụ lý vụ án số 250/TB-TLVA ngày 02/7/2014.
Đến ngày 04/7/2014 chị Nga có bản tự khai: Về tình cảm vẫn còn, không đồng ý ly hôn, về con cái xin nuôi cháu Quỳnh Anh, còn anh Chính nuôi cháu Huy Long.
Về tài sản chung: Chị Nga và anh Chính đã tự thỏa thuận phân chia với nhau, có biên bản kèm theo, có chữ ký xác nhận của chị Nga, nhưng chị Nga không đồng ý vì anh Chính về chửi bới lăng nhục và ép buộc chị ký vào văn bản. Vì vậy, chị Nga đề nghị về tài sản chung và nợ chung của cả hai vợ chồng đều phải phân chia lại cho rõ ràng và cụ thể. Tại biên bản hòa giải ngày 26/8/2014 anh Chính và chị Nga không thỏa thuận được với nhau về trách nhiệm nuôi dưỡng con chung và không thống nhất được việc chia tài sản nhưng Tòa án nhân dân thị xã Nghĩa Lộ không thông báo cho đương sự nộp tiền tạm ứng án phí chia tài sản mà giải quyết là vi phạm điều 11, khoản 2 điều 15 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án.
2. Toà án nhân dân thị xã Nghĩa Lộ xác định Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không chính xác, vi phạm điều 84, 91, 92 Bộ luật dân sự, hướng dẫn về việc uỷ quyền tham gia tố tụng tại Toà án nhân dân tại công văn số 81/2000/KHXX ngày 03/7/2000 và công văn số 38/KHXX ngày 29/03/2007 của Toà án nhân dân tối cao, bởi lẽ: căn cứ vào cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn không phải là pháp nhân, theo đó chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mới được xác định là một tổ chức có tư cách pháp nhân, còn các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ là một chi nhánh trực thuộc pháp nhân. Do đó, mọi hoạt động của các chi nhánh đều phải nhân danh pháp nhân, thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở được uỷ quyền của pháp nhân, kể cả việc uỷ quyền tham gia tố tụng tại Toà án nhân dân.
3. Trong bản án không tuyên quyền thăm nom con sau khi ly hôn là giải quyết chưa hết yêu cầu của đương sự, xâm phạm đến quyền cả các đương sự, vi phạm điều 94 Luật hôn nhân và gia đình.
Đối chiếu các quy định của pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành kiến nghị yêu cầu TAND thị xã Nghĩa Lộ khắc phục, có biện pháp tổ chức rút kinh nghiệm đối với các vi phạm đã nêu trên./.
Nông Văn Tập – VKSND tỉnh