Sau hai năm triển khai và thực hiện, trên toàn tỉnh đã có 4 đơn vị (Phòng 5, Phòng 12, VKS huyện Lục Yên, VKS thị xã Nghĩa Lộ) đã tiến hành ký Quy chế phối hợp thực hiện Thông tư với TAND cùng cấp. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án đã được nâng lên so với trước. Kỷ cương, kỷ luật được đề cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm sát giải quyết án được bố trí phù hợp, nắm vững các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là những quy định mới về thẩm quyền và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc ngày càng được củng cố, tăng cường, góp phần cùng với Tòa án giải quyết các vụ án đúng pháp luật. Từ 15/9/2012 đến 31/7/2014 VKSND hai cấp tỉnh Yên Bái đã ban hành được 11 kiến nghị đối với Tòa án nhân dân có vi phạm theo quy định tại khoản 1 điều 21 BLTTDS và 13 kháng nghị (phúc thẩm 7, giám đốc thẩm 5, tái thẩm 1).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Thông tư cũng còn những bất cập và khó khăn, vướng mắc như:
Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư quy định: Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho VKS cùng cấp để VKS tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật TTDS, trừ trường hợp VKS với TA cùng cấp có thẩm quyền xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đã kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Thực tế cho thấy không phải trường hợp nào VKS cùng cấp với TA có thẩm quyền xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm cũng thực hiện được yêu cầu của Tòa án sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ việc để xem xét kháng nghị phúc thẩm. Bởi vì có nhiều trường hợp khi VKS nhận được bản án, quyết định sơ thẩm thì thời hạn kháng nghị đã gần hết, nếu ra văn bản yêu cầu và chờ hồ sơ vụ án chuyển đến thì không còn thời hạn để kháng nghị, trong trường hợp này buộc VKS phải kháng nghị trên bản án, quyết định. Tuy nhiên, sau khi nhận được quyết định kháng nghị của VKS thì Tòa án sơ thẩm lại chuyển hồ sơ vụ việc cho TA cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 255 Bộ luật TTDS. Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào quy định trên không chuyển hồ sơ cho VKS cùng cấp đã kháng nghị để nghiên cứu. Như vậy, VKS đã kháng nghị phúc thẩm không có tài liệu để bảo vệ kháng nghị của mình đã ban hành và cũng không có căn cứ nào để bổ sung, thay đổi hay rút kháng nghị theo quy định tại khoản 1, 3 Điều 256 Bộ luật TTDS. Rõ ràng quy định nêu trên của Thông tư một mặt gây khó khăn cho việc thực hiện quyền kháng nghị của VKS, mặt khác còn làm cho các quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKS đạt chất lượng không cao.
Theo quy định tại Điều 195 Bộ luật TTDS thì trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử có tên Kiểm sát viên (kể cả KSV dự khuyết, nếu có) tham gia phiên tòa; Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 04 quy định: Trường hợp VKS phải tham gia phiên tòa, phiên họp thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm thông báo thụ lý vụ việc dân sự theo Điều 174, 257, 331 Bộ luật TTDS, VKS phải gửi cho Tòa án văn bản phân công KSV…Quy định như trên là không khả thi, khó thực hiện bởi lẽ chỉ trên cơ sở thông báo thụ lý của Tòa án thì VKS chưa thể xác định được vụ án nào VKS phải tham gia phiên tòa theo quy định tại Điều 21 BLTTDS.
Nguyên nhân của kết quả đạt được:
Do có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời sâu sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát cấp tỉnh Yên Bái trong hướng dẫn, tổ chức tập huấn, thông báo rút kinh nghiệm, trao đổi nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho cán bộ, Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Công tác cán bộ đã được chú trọng, tăng cường về số lượng; cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác này đã có nhiều cố gắng và chuyển biến tích cực, có ý thức trách nhiệm với công việc được giao; tích cực tự học tập và nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, có tinh thần, trách nhiệm trong công tác được giao.
Hai cấp kiểm sát thường xuyên tăng cường phối hợp với Tòa án trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng ngành nhằm cùng thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch.
Nguyên nhân của những hạn chế:
Bộ luật tố tụng dân sự mới được sửa đổi, bổ sung còn nhiều quy định chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện, vì vậy việc thực hiện Thông tư liên tịch số 04 của cả hai ngành còn nhiều lúng túng, khó khăn cả về nhận thức và vận dụng.
Số lượng công việc nhiều so với đội ngũ thẩm phán và thư ký nên trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 04 còn xảy ra những sai sót, chưa nghiêm túc dẫn đến việc thực hiện một số quy định chưa đúng với hướng dẫn của Thông tư, một số đơn vị chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án.
Cán bộ, Kiểm sát viên có sự thay đổi, luân chuyển nên trong quá trình giải quyết các vụ, việc không cập nhật kịp những thay đổi của pháp luật.
Để thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 04 và công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, khắc phục những thiếu sót trong thời gian qua cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp sau đây:
Tiếp tục quán triệt để cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức đầy đủ, nắm vững và thực hiện đúng các quy định của Thông tư liên tịch số 04 và các quy định của pháp luật có liên quan đến khâu công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự đảm bảo nhận thức đúng, đầy đủ về quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát và nhiệm vụ của Tòa án phải thực hiện đã được Thông tư hướng dẫn.
Tăng cường mối quan hệ phối hợp tốt giữa VKS cấp dưới với VKS cấp trên, các phòng nghiệp vụ và các cơ quan hữu quan, nhất là với cơ quan Tòa án trong việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự và Thông tư liên tịch hướng dẫn.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị đối với khâu công tác kiểm sát này; bố trí, sắp xếp và ổn định cán bộ, Kiểm sát viên của cả hai cấp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, mang tích chuyên sâu; đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác; đề cao vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát; tăng cường hướng dẫn, rút kinh nghiệm, kiểm tra nghiệp vụ trong thực hiện công tác kiểm sát.
Các đơn vị VKS cấp huyện cần xây dựng Quy chế phối hợp với giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 04./.
Đào Thùy Linh – Phòng TKTP&CNTT