Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái phối hợp cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đồng chủ trì tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)

Sáng ngày 07/5/2014, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái phối hợp cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đồng chủ trì tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Công Bình, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; Đồng chí Lương Văn Thức, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND Tỉnh Yên Bái.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có các đồng chí trong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban của Tỉnh ủy Yên Bái; Ban pháp chế HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Hội luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh Yên Bái; Viện kiểm sát Quân sự khu vực 22 và các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, Trưởng phòng, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện.

Đồng chí Chu Thị Minh Châu, Bí thư Đảng bộ,

Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái trình bày Báo cáo đề dẫn

Các Đại biểu được nghe đồng chí Chu Thị Minh Châu, Bí thư Đảng bộ, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái trình bày báo cáo đề dẫn góp ý Dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Việc xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các quy định về VKSND trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2013); tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của VKSND theo yêu cầu cải cách tư pháp; bảo đảm thiết chế VKSND có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới. Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu, quán triệt các quan điểm chỉ đạo, phạm vi sửa đổi Luật tổ chức VKSND lần này được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện trên cơ sở pháp điển hóa Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2011. Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) có kết cấu gồm 7 chương, 13 mục, 107 điều, gồm: Chương I (Những quy định chung); Chương II (Tổ chức của VKSND); Chương III (Công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND); Chương IV (Cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của VKSND); Chương V (Viện kiểm sát quân sự); Chương VI (Bảo đảm hoạt động của VKSND); ChươngVII (Điều khoản thi hành). So với Luật Tổ chức VKSND hiện hành, dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) giảm 4 chương nhưng tăng thêm 57 điều, trong đó sửa đổi 73 điều, bổ sung 34 điều mới, không giữ nguyên điều nào. Trong dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung đang có nhiều ý kiến khác nhau, như: Về đổi mới mô hình VKSND cấp huyện (Khoản 4 Điều 41); Vai trò của Ủy Ban kiểm sát (các điều 44,46,48,86,89); Về kiểm sát viên (Điều 63) và các nội dung khác trong dự thảo.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Nhiệm,

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khóa XIII

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Bích Nhiệm, phát biểu:

1. Cần phải giải thích từ ngữ, vì trong Dự thảo luật sử dụng rất nhiều khái niệm mang tính chất quy phạm định nghĩa, được rải rác ở một số điều khoản, như: Thực hành quyền công tố, Kiểm sát hoạt động tư pháp tại Điều 2, 3,4; hoạt động tư pháp, … Vì vậy đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm 1 điều quy định về việc giải thích từ ngữ theo như kết cấu bố cục một dự án luật, đồng thời cũng dễ dàng cho việc nghiên cứu và áp dụng luật vào đời sống.

2. Về Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát, được quy định tại khoản 3 Điều 44; khoản 4, Điều 46,48,86,89. Theo tôi, quy định về một nội dung mà lại lặp đi, lặp lại nhiều lần ở các Điều, Khoản là chưa hợp lý. Nguyên tắc xây dựng pháp luật đó là ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu.Vì vậy, tôi đề nghị gộp các khoản này thành một khoản mới quy định cụ thể tại Điều 6 về Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND của dự thảo luật như sau: Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm thảo luận và cho ý kiến về các vụ án hình sự phức tạp. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban kiểm sát, Viện trưởng ra quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3. Về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên (Điều 66): Tôi nhất trí với phương án 1, với các lý do sau: Đối với KSV Viện KSND tối cao, là chức danh pháp lý cao nhất, những người có nhiều kinh nghiệm, có chuyên môn cao, đã kinh qua các ngạch, bậc KSV và qua Hội đồng tuyển chọn thì mới được bổ nhiệm KSV VKSNDTC do đó không cần phải quy định thời hạn bổ nhiệm. Còn đối với các KSV khác được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm. Theo tôi quy định như vậy là phù hợp với thực tế và cũng là tạo điều kiện cho Kiểm sát viên tiếp tục nâng cao trình độ, trách nhiệm trong công việc. Quy định này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW về “tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn”.

4. Về quy định kéo dài độ tuổi lao động của Kiểm sát viên tối cao, về cơ bản tôi nhất trí với quy định tăng tuổi nghỉ hưu cho Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo tinh thần kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và phù hợp với Điều 187 Khoản 3 Bộ luật lao động.

5. Về ngạch Kiểm sát viên (Điều 65), Dự thảo quy định Kiểm sát viên được chia làm 4 ngạch, gồm Kiểm sát viên Viện KSND tối cao, KSV cao cấp, KSV trung cấp, KSV. Tôi thống nhất với dự thảo, bởi lẽ: việc phân chia thành 4 ngạch Kiểm sát viên sẽ phù hợp với quy định tại Điều 41 Dự thảo và yêu cầu cải cách tư pháp là chia VKSND thành 4 cấp; tạo điều kiện cho công tác luân chuyển cán bộ; bảo đảm đánh giá đội ngũ KSV một cách rõ nét về trình độ, năng lực, đạo đức.

6. Về tuyên thệ của Kiểm sát viên: Tại Sắc lệnh số 13/SL của  Chủ tịch nước ngày 24/01/1946 quy định cách tổ chức các Toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quy định bắt buộc: Thẩm phán xử án, Thẩm phán của Công tố viện phải đọc lời tuyên thệ khi nhậm chức. Như vậy, quy định Thẩm phán của Công tố viện (Kiểm sát viên ngày nay) phải đọc lời tuyên thệ khi nhậm chức đã có từ ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đây là quy định rất tiến bộ, thể hiện tầm nhìn chính trị, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao… Tuy nhiên, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, 1992, 2002 và Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi) không quy định Kiểm sát viên phải đọc lời tuyên thệ khi được bổ nhiệm. Tôi hoàn toàn tán thành quy định của dự thảo Luật sửa đổi lần này đã bổ sung quy định KSV đọc lời tuyên thệ khi được bổ nhiệm. Đây là điều luật mới, quy định này không chỉ kế thừa quan điểm lập pháp của Nhà nước ta mà còn phù hợp với Luật pháp một số nước trên thế giới như: Luật liên bang về VKS Liên bang Nga, Luật Tổ chức Toà án Pháp, Luật Tổ chức cơ quan công tố nước cộng hoà Indonesia…

Đồng chí Phan Văn Tiến

Chánh án TAND tỉnh, thành viên BCĐ CCTP tỉnh Yên Bái

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí đã nêu nhiều vấn đề rất chi tiết góp ý với dự thảo Luật về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tư pháp trong đó có Viện kiểm sát nhân dân, cụ thể là kỹ thuật lập pháp trong sử dụng từ ngữ pháp lý, quy định chức năng, quyền hạn của VKSND các cấp, của Ủy ban Kiểm sát, của Viện trưởng VKSND, của Kiểm sát viên, các quy định về cán bộ công chức của Viện kiểm sát. Đồng chí cũng thống nhất như dự thảo về phương án về thời hạn bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSNDTC.

Trong ý kiến phát biểu, đồng chí băn khoăn về quy định của Viện trưởng như dự thảo Luật có mâu thuẫn với quyền hạn của Kiểm sát viên tại phiên tòa hay không, nên tạo điều kiện cho Kiểm sát viên có nhiều quyền hơn vừa đảm bảo tính độc lập, vừa đảm bảo tính thống nhất trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Huy Cường

 Phó BPC HĐND tỉnh, Thành viên BCĐ CCTP tỉnh Yên Bái

– Về công tác phối hợp: Tại điều 7: Trách nhiệm phối hợp của VKSND và điều 8 Trách nhiệm phối hợp của cơ quan tổ chức đối với hoạt động của VKSND, cho rằng có sự chưa rõ ràng. Nên thiết kế làm 2 điều rõ ràng và có thêm, bớt cho phù hợp để làm rõ trách nhiệm của VKSND và các cơ quan, tổ chức xã hội.

Về sự giám sát của cơ quan dân cử: Hiện nay, bên cạnh vai trò tăng cường trách nhiệm của VKSND và các cơ quan tư pháp còn phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của hệ thống cơ quan dân cử nhưng chưa thấy nêu về việc VKSND phải chịu sự giám sát của HĐND mới chỉ quy định VKSND phải báo cáo (ở những nơi có tổ chức HĐND)

Về thẩm quyền điều tra, bổ sung của VKSND: Cần bổ sung trong trường hợp cần thiết VKSND có quyền điều tra, thu thập bổ sung chứng cứ (chứ không phải tất cả các trường hợp) 

Về UBKS: Về điều 44,46,48: Cần phải để UBKS của mỗi cấp như thế nào và cần để như phương án 1 dự thảo để đảm bảo phát huy trí tuệ tập thể, liên quan đến vấn đề này cần thiết kế lại điều luật quy định quyền năng của Viện trưởng và nên quy định rõ số  thành viên UBKS.

Về tổ chức bộ máy: Không nhất thiết cấp trên có đơn vị nào thì cấp dưới phải có bộ phận tương ứng mà cần tổ chức linh hoạt cho phù hợp và đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ.

Về Kiểm sát viên:

+ Độ tuổi của Kiểm sát viên (Điều 55): Tán thành, nhưng cần theo quy định của Bộ luật Lao động không nên quy định cứng như dự thảo Luật.

+Bổ nhiệm Kiểm sát viên (Điều 63): Tán thành dự thảo là chỉ bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên để làm nhiệm vụ chứ không bổ nhiệm Kiểm sát viên để thực hiện các nhiệm vụ đặc thù.

– Về các chức danh khác như Kiểm tra viên, Trợ lý điều tra: Nên bổ sung quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm.

Phát biểu về  cơ chế hỗ trợ ngân sách cho Viện kiểm sát nhân dân nếu như theo dự thảo Luật sẽ trái Luật Ngân sách, do đó nên quy định ở một số văn bản khác.

Về danh hiệu KIểm sát viên giỏi, Kiểm sát viên tiêu biểu, Điều tra viên giỏi nếu quy định như dự thảo sẽ trái pháp Luật Thi đua – khen thưởng.

Đồng chí  Phạm Ngọc Thắng,

Phó Giám  đốc, Thủ trưởng CQ CSĐT Công an tỉnh Yên Bái

Đồng chí nêu một số ý kiến ngắn về cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân, trong đó nên ghi rõ cơ quan này chỉ nên ghi ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao vì hiện nay chỉ có ở cấp này còn các địa phương không có cơ quan điều tra

Đồng chí Nguyễn Công Bình

Ủy viên BCH ĐB tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Phát biểu với Hội thảo, đồng chí Nguyễn Công Bình tỏ ý rất vui mừng về việc hôm nay chúng ta tổ chức được Hội thảo vì đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp có ý kiến khi dự thảo Luật được trình trước Quốc hội, đồng thời đồng chí cũng khẳng định việc sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân là hết sức cần thiết và khách quan, đồng chí yêu cầu các ý kiến phát biểu cần tập trung vào một số vấn đề như:

1. Có thành lập VKSND khu vực không?

2.Về nguyên tắc tổ chức hoạt động cuả VKSND (Điều 6). Tại khoản 3 điều này cũng mới chỉ nhắc lại quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2002. Đây cũng là vấn đề rất lớn mà Đại biểu Quốc hội rất quan tâm vì đã quy định khi thực hiện nhiệm vụ KSV phải tuân theo pháp luật nhưng lại quy định nguyên tắc Kiểm sát viên phải chịu sự chỉ đạo Viện trưởng.

Trong thực tế, các đồng chí thấy có những khó khăn, vướng mắc gì, đặc biệt là các vấn đề tố tụng cụ thể.

Có cần bổ sung gì vào khoản 3 Điều 6 để đảm bảo việc tuân theo pháp luật, đảm bảo công lý, quyền tự do của con người.

3. Về UBKS: Trong Hiến pháp 2013 không có quy định này nhưng dự thảo Luật lần này của Viện kiểm sát tiếp tục đưa quy định này vào Luật. Đề nghị các đại biểu trao đổi: Qua hoạt động thực tế có cần thiết đưa chế định này vào Luật không. Vai trò của UBKS tư vấn, quyết định như thế nào? Có gì quyết định hay mâu thuẫn với quy định về vai trò, quyền hạn của Viện trưởng hay không?


Một số hình ảnh tại Hội thảo

Luật sư Trần Ngọc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Yên Bái, 

 Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hà

Với góc độ là một Luật sư, sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Tổ chức VKSND sửa đổi, Báo cáo đề dẫn và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội thảo, tôi thấy dự thảo Luật đã có quy định về sự giám sát của MTTQ, tuy nhiên cần quy định rõ giám sát như thế nào?

Về vai trò, vị trí, quyền hạn của Kiểm sát viên quy định trong điều 18 dự thảo Luật, do ở khoản 1 đã quy định rất rõ nên thu hút khoản 3 điều 18 vào khoản 1.

Về độ tuổi và thời hạn bổ nhiệm Kiểm sát viên nhất trí như ý kiến đã phát biểu và dự thảo.

Đồng chí Hoàng Xuân Đán

Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái

Ý kiến phát biểu của đồng chí nhất trí với kết cấu, bố cục, chức năng, nhiệm vụ của VKSND và các chức danh pháp lý của VKSND.

– Về Điều 41 dự thảo Luật: Nên tổ chức VKSND thành 4 cấp, riêng ở cấp huyện nên gắn với TAND cấp huyện theo Kết luận 92 Bộ Chính trị.

– Về Ủy ban Kiểm sát: Nên quy định chế định Ủy ban Kiểm sát trong dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và có sự phân định rạch ròi với vai trò, quyền hạn của Viện trưởng vì Viện trưởng dù có giỏi đến mấy thì cũng chỉ là ý kiến cá nhân, chưa nói đến ý kiến đó có thể chưa hẳn đã đúng so với ý kiến của tập thể UBKS.

-Về độ tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên: Không nên để độ tuổi của KSV VKSNDTC như dự thảo vì số lượng này không nhiều (chỉ khoảng 25 người).

-Về Kiểm sát viên: Nhất trí như phương án 1 dự thảo Luật TCVKSND (sửa đổi).

Đồng chí Vương Thanh Lâm

Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái

Theo tôi, kỹ thuật xây dựng văn bản Luật còn một số vấn đề cần đề nghị chỉnh sửa.

Điều 8: Thống nhất ý kiến đồng chí Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Cường. Nên chuyển khoản 5 điều 8n sang mục giai quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp.

Dự thảo lần này có nền tảng là Luật năm 2002, tại điều 41 có nêu: Hệ thống VKSND đã nêu VKSND có 4 cấp nhưng trong khoản 5 lại còn nêu về VKS Quân sự. Trong quy định về VKSNDTC cũng ghi về VKSQS Trung ương…

Tóm lại các vấn đề quy định về VKSND nhưng lại tách bạch phần VKSQS ra theo tôi là không hợp lý (cả về tổ chức bộ máy và kinh phí cho VKS dân sự và Quân sự) cần nghiên cứu sắp xếp như thế nào cho phù hợp.

Đồng chí Lương Văn Thức, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh,

Bí thư Ban cán sự, Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái,

trình bày tổng lược ý kiến phát biểu tại Hội thảo

Thay mặt cơ quan phối hợp đồng chủ trì, đồng chí Lương Văn Thức, UV BCH ĐB tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh đã phát biểu ý kiến tổng lược.

Trong bài tổng lược, đồng chí Viện trưởng đã nêu lên toàn bộ các ý kiến đã phát biểu tại Hội thảo theo nhóm vấn đề và nhấn mạnh Ban tổ chức sẽ có trách nhiệm ghi nhận, chọn lọc, tổng hợp, đề xuất với các cơ quan, cấp có trách nhiệm để sử dụng nhằm đảm bảo cho Luật tổ chức VKSND sửa đổi khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần đắc lực vào công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, đảm bảo sự thống nhất của pháp chế XHCN và xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng vững mạnh.

(Chi tiết Bài tổng lược Ban Biên tập sẽ bổ sung sau)

Tại Hội thảo, còn nhiều ý kiến đã được các đại biểu chuẩn bị nhưng do thời gian không cho phép nên chưa được trình bày trên diễn đàn, tuy nhiên Ban Tổ chức sẽ có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ ý kiến của các đại biểu để gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội, BCĐ CCTP tỉnh và VKSNDTC để thông tin đến Quốc hội, mong các đại biểu hết sức thông cảm.

Chương trình tường thuật trực tuyến Hội thảo lấy ý kiến đòng góp về dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) trên trang Vienkiemsatyenbai.gov.vn đến đây là hết.

Do lần đầu tiên thực hiện nên không tránh khỏi sai sót, rất mong các đồng chí thông cảm và có ý kiến đóng góp để chúng tôi tiếp tục thực hiện các chương trình sau hiệu quả, thiết thực hơn.

BBT Trang thông tin điện tử (website) VKSND tỉnh Yên Bái

Phòng Kiểm sát thi hành án dân sự Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái ký cam kết thực hiện Chỉ thị số 05
Tạp chí Kiểm sát và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học nghiệp vụ
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin tuyên truyền và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí năm 2014
Phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự VKSND tỉnh Yên Bái triển khai, ký cam kết thực hiện Chỉ thị số 05/CT-VKSNDTC-TTr
Đảng bộ VKSND tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi cấp cơ sở năm 2014
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái kiểm sát trực tiếp tại Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức phiên tòa xét xử lưu động và rút kinh nghiệm
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái dự Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI TỔ CHỨC HỘI NGHỊ GIAO BAN CÔNG TÁC KIỂM SÁT QUÝ I NĂM 2014
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái hưởng ứng Ngày hội thanh niên Yên Bái năm 2014 và kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh