Những kinh nghiệm của VKSND huyện Trạm Tấu trong công tác chuẩn bị để thực hiện tốt kiểm sát xét xử hình sự

Về thực tiễn trong thời gian qua đã chứng minh đối với những vụ án trước khi tiến hành kiểm sát xét xử lãnh đạo và kiểm sát viên làm tốt công tác chuẩn bị thì kiểm sát viên sẽ chủ động trong quá trình thẩm vấn, đưa ra các chứng cứ bảo vệ quan điểm truy tố, đề nghị hướng giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.

Do đó công tác chuẩn bị trước khi tiến hành kiểm sát xét xử vụ án hình sự phải được lãnh đạo viện và KSV quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Việc chuẩn bị được thực hiện qua các bước như sau:

Một là: Báo cáo duyệt án của kiểm sát viên phải thể hiện được các nội dung như: tóm tắt lý lịch của bị cáo. Đây là nội dung đơn giản nên kiểm sát viên thường có tâm lý chủ quan, báo cáo quá sơ lược như không ghi tiền sự, bị cáo là người nghiện ma túy nhưng không đề cập nên lãnh đạo Viện không đánh giá đúng về nhân thân người phạm tội, dẫn đến duyệt  mức án thấp hoặc đề nghị áp dụng chế định án treo.

Khi ghi lý lịch các bị cáo cũng cần sắp xếp theo vai trò của từng bị cáo trong vụ án có đồng phạm, bị cáo chủ mưu cầm đầu thì ghi trước sau đó lần lượt đến các bị cáo khác có vai trò thấp hơn, điều này có ý nghĩa thuận lợi trong việc cá thể hóa hình phạt.

Phần tóm tắt nội dung vụ án: Phần này đòi hỏi kiểm sát viên phải báo cáo sơ lược, gắn gọn nhưng cũng phải thể hiện đầy đủ các thông tin như:

– Thời gian xảy ra tội phạm (ngày hay đêm ?..), địa điểm xảy ra tội phạm (nơi công cộng, tập trung đông người hay vùng nông thôn, rừng núi?..). Vì điều này có ý nghĩa xác định tính chất nguy hiểm của hành vi, mức độ liều lĩnh của người phạm tội.

– Công cụ, phương tiện mà bị cáo đã sử dụng là công cụ gì? Vũ khí hay hung khí? Có phải là hung khí nguy hiểm hay không? Vì có ý nghĩa kiểm tra điều, khoản đã áp dụng ở giai đoạn truy tố, như tình tiết định khung tăng nặng ở một số tội (tội: Cố ý gây thương tích, tội Cướp tài sản…), đồng thời cũng là tình tiết để xem xét tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản m Điều 47 BLHS  “Dùng… phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người” trong một số trường hợp.

– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả của tội phạm: Điều này có ý nghĩa xem xét khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”.

– Việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của bị cáo hoặc của gia đình bị cáo đối với hậu quả do hành vi phạm tội gây ra: Điều này cũng có ý nghĩa xem xét khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS”Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”.

– Các tình tiết khác trong nội dung vụ án có ý nghĩa xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 46 BLHS.

Phần tóm tắt quá trình tố tụng của vụ án: Phần này tuy không có ý nghĩa trong việc lượng hình hay cá thể hóa hình phạt nhưng có tính chất kiểm tra toàn bộ việc thực hiện tố tụng từ giai đoạn khởi tố đến giai đoạn truy tố, kịp thời phát hiện, khắc phục những sai sót (nếu có)

Phần đề xuất của kiểm sát viên: Chủ yếu kiểm sát viên chỉ quan tâm đề xuất áp dụng các điều, khoản và mức hình phạt đối với từng bị cáo, song phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự, xử lý vật chứng, các biện pháp tư pháp thường ít được kiểm sát viên quan tâm và đề cập trong đề xuất duyệt án nhưng phần này lại có ý nghĩa trong việc giải quyết triệt để vụ án. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng thực tế cho thấy số lượng các vụ án bị kháng cáo về trách nhiệm dân sự chiếm tỷ lệ cao, vì phần này cả bị cáo, bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… đều quan tâm nên dễ phát sinh kháng cáo.

Kiểm sát viên VKSND huyện Trạm Tấu

 đang THQCT – KSXX  tại một phiên tòa xét xử lưu động

Hai là: Kế hoạch thẩm vấn: Đòi hỏi sự linh hoạt và tinh thông nghiệp vụ, nắm rõ các tình tiết vụ án (thuộc hồ sơ) của kiểm sát viên, vì mỗi một vụ án kiểm sát viên phải dự liệu nhiều những tình huống có thể xảy ra như: bị cáo nhận tội, chối tội, phản cung, đưa ra những tình tiết mới với nhiều mục đích khác nhau, hoặc người bị hại thay đổi lời khai, nâng mức yêu cầu bồi thường một cách quá cao, nại ra những thiệt hại về sức khỏe cũng như vật chất không có thực hoặc cũng có thể người làm chứng thay đổi lời khai do bị ép buộc hoặc bị mua chuộc.

 Tùy từng trường hợp cụ thể mà kiểm sát viên lựa chọn đối tượng nào thẩm vấn trước, đối tượng nào thẩm vấn sau. Thông thường bị cáo nào có thái độ khai báo thành khẩn thì nên thẩm vấn trước, cũng có thể thẩm vấn bị hại hoặc người làm chứng trước. Mục đích cao nhất là làm rõ sự thật của vụ án, bảo vệ quan điểm truy tố, lột tả sự gian dối của bị cáo.

Ba là: Dự thảo luận tội: Ngoài việc tuân thủ nội dung cũng như bố cục theo hướng dẫn của VKSND Tối cao, thì tùy theo năng khiếu của từng kiểm sát viên mà xây dựng bản dự thảo luận tội phù hợp với từng vụ án cụ thể. Nếu vụ án được đưa đi xét xử lưu động thì phải có sự chuẩn bị công phu, lãnh đạo Viện phải trực tiếp xem và phê duyệt trước.

Yên Bái là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí thấp nên việc sử dụng câu từ trong luận tội phải rõ ràng, dễ hiểu, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng những từ chuyên ngành như dùng từ “Giao nhận” thay cho từ chuyên ngành là “Tống đạt”, giả sử khi nói đến hung khí nguy hiểm ta cần nói rõ “ Bị cáo dùng dao để gây thương tích tức là loại hung khí bị pháp luật coi là hung khí nguy hiểm” vv…

Bốn là: Chuẩn bị tài liệu phục vụ việc kiểm sát xét xử: Tuy chỉ là những thao tác nhỏ như chuẩn bị sắp xếp hồ sơ gọn gàng, khoa học, đánh dấu các tài liệu là chứng cứ quan trọng là căn cứ buộc tội hoặc gỡ tội…Chuẩn bị các Thông tư, Nghị quyết, Bộ luật…có liên quan nhưng sẽ giúp cho kiểm sát viên tạo thế chủ động tại phiên tòa.

Năm là: Chuẩn bị về công tác hậu cần khi KSXX những phiên tòa xét xử lưu động: Phần này thuộc trách nhiệm của văn phòng cơ quan nhưng lãnh đạo Viện cũng cần quan tâm nhắc nhở như kiểm tra điều kiện kỹ thuật phương tiện (xe ô tô, mô tô) ít nhất trước một ngày để tránh bị hỏng xe hoặc hết xăng trên đường gây ảnh hưởng chung.

Sáu là: Chuẩn bị tốt về sức khỏe, nhất là khi KSXX đối với các phiên tòa có nhiều bị cáo, dự kiến xét xử trong nhiều ngày hoặc phải dậy sớm đi đường dài khi xét xử lưu động ở những địa phương xa, để tránh mệt mỏi, khản giọng, đặc biệt là tránh buồn ngủ gây phản cảm tại phiên tòa.

Bài, ảnh: Đỗ Thái trung, VKSND huyện Trạm Tấu


Viện kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái tổ chức Đại hội Chi hội Luật gia khóa II, nhiệm kỳ (2014-2019)
Viện kiểm sát nhân dân huyện Trấn Yên – Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Chi bộ đối với công tác chuyên môn nghiệp vụ
Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn – Thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật cho nhân dân qua những phiên tòa xét xử lưu động
Tình hình vi phạm, tội phạm về án ma túy trên địa bàn thành phố Yên Bái trong những tháng đầu năm 2014
VKSND huyện Lục Yên Họp liên ngành thống nhất thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC
Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu phối hợp giải quyết án trọng điểm, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái kết luận kiểm sát trực tiếp công tác tạm giữ, tạm giam tại Công an thành phố Yên Bái.
Một số khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành án treo
Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên mới
Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu tham gia đấu tranh phá bỏ trồng cây thuốc phiện
Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu phối hợp giải quyết án trọng điểm, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương
Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu tham gia đấu tranh phá bỏ trồng cây thuốc phiện
Trạm Tấu Hai ngày xảy ra 2 vụ đập phá két sắt trộm cắp tài sản