Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC phát biểu tại Hội thảo.
Thực hiện kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) (sửa đổi), mới đây tại Hà Nội, VKSNDTC phối hợp với Chương trình hợp tác pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm tố tụng hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức và những vấn đề rút ra đối với việc hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Bộ luật TTHS và bà Schmeink Angela, Giám đốc Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức cùng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện một số cơ quan; các Kiểm sát viên, các cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng pháp luật thuộc VKSNDTC; các nhà nghiên cứu, học giả, luật sư và các thành viên Tổ biên tập Bộ luật TTHS…
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Bộ luật TTHS khẳng định, một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình cải cách tư pháp nói chung và cải cách tư pháp hình sự nói riêng được đặt ra, đó là phải nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm hợp lý trong pháp luật tố tụng hình sự của các nước, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Yêu cầu này đã được quán triệt và triển khai nghiêm túc trong quá trình sửa đổi Bộ luật TTHS năm 2003. Nhiều kinh nghiệm tốt của các nước đã được tiếp thu vào Bộ luật như: bổ sung các cơ chế để bảo đảm ngày càng đầy đủ hơn các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tăng cường các cơ chế giám sát hoạt động tố tụng; bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm…
Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC cho biết, tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Bộ luật TTHS cho thấy, các quy định của Bộ luật đã phát huy tác dụng tích cực, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có chuyển biến tốt; tỷ lệ phát hiện, xử lý tội phạm đạt kết quả ngày càng cao; quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự được quan tâm bảo đảm; tính dân chủ trong hoạt động TTHS được tăng cường; các quy định của pháp luật ngày càng tiệm cận với giá trị pháp lý chung của quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, theo đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, những kết quả trên mới chỉ là bước đầu bởi tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và cải cách tư pháp giai đoạn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với việc đổi mới thủ tục TTHS… Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC nhấn mạnh, để xây dựng Bộ luật TTHS cho giai đoạn mới, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân thì một trong những hoạt động quan trọng cần quan tâm thực hiện là phải nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu hợp lý kinh nghiệm tiến bộ trong pháp luật TTHS của các nước. Và trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp và xây dựng Bộ luật TTHS, VKSNDTC Việt Nam thường xuyên nhận được sự quan tâm của Bộ Tư pháp và Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC cho rằng, cuộc Hội thảo lần này chính là sự tiếp tục của quá trình hợp tác lâu dài, toàn diện giữa VKSNDTC Việt Nam với Bộ Tư pháp Cộng hòa Liên bang Đức; là dịp để các chuyên gia quốc tế và các đại biểu trên cơ sở hiểu biết và kinh nghiệm của mình phát biểu thẳng thắn, cởi mở liên quan đến những nội dung mà Hội thảo đề cập qua đó góp phần giúp cho VKSNDTC Việt Nam thu nạp được những thông tin cần thiết, quý báu phục vụ nhiệm vụ xây dựng Dự án Bộ luật TTHS.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe bà Schmeink Angela, Giám đốc Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức phát biểu ý kiến. Tiếp đó, GS.TS Robert Esser, Chủ nhiệm Khoa pháp luật hình sự Đức, Châu âu và quốc tế, luật TTHS và luật hình sự kinh tế, Trường Đại học Passau/Trung tâm nghiên cứu quyền con người trong TTHS cũng đã trình bày và trả lời câu hỏi của các đại biểu về những vấn đề liên quan đến kinh nghiệm TTHS của Cộng hòa Liên bang Đức như hệ thống cơ quan điều tra và thẩm quyền điều tra của từng cơ quan; thủ tục tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; quan hệ giữa cơ quan điều tra và cơ quan công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; các biện pháp cưỡng chế (bao gồm biện pháp ngăn chặn và các biện pháp cưỡng chế khác)…
Nguồn: Báo bảo vệ pháp luật