Lấy ý kiến vào Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái: Cần có những giải pháp thông minh và lộ trình thông minh

Sáng 10/6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý vào Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025 (Đề án).

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy kết luận Hội nghị

Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Chiến Thắng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng sự tham dự của tiến sỹ Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. 

Để tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội – HĐND và UBND tỉnh – đơn vị chủ trì Đề án đã tổ chức lấy ý kiến tham gia bổ sung của thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai Đề án; làm việc với các sở, ngành liên quan để xác định rõ một số nội dung đưa vào Đề án; nghiên cứu, đề xuất trụ sở làm việc của Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh; cử đoàn cán bộ đi học tập mô hình đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên – Huế và lấy ý kiến của các chuyên gia và nhà khoa học. 

Trên cơ sở đó, Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025 được xây dựng gồm 7 phần chính: cơ sở pháp lý và sự cần thiết xây dựng Đề án; tổng quan về đô thị thông minh; hiện trạng và tình hình liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh của tỉnh Yên Bái; xây dựng đô thị thông minh tỉnh Yên Bái; lộ trình và danh mục các dự án đầu tư; giải pháp tổ chức thực hiện và đánh giá tính khả thi của Đề án. 

Theo đó, giai đoạn 2019 – 2020 của Đề án sẽ ưu tiên triển khai các dự án: xây dựng tòa nhà điều hành đô thị thông minh tỉnh Yên Bái; Dự án cơ sở hạ tầng đô thị thông minh; Dự án Trung tâm quản lý, điều hành, xử lý tập trung dữ liệu đô thị, đa nhiệm; Dự án camera giám sát trong đô thị thông minh; Dự án giáo dục thông minh; Dự án y tế thông minh; Dự án du lịch thông minh; Dự án xây dựng hệ thống kinh tế tài chính thông minh; Mô hình thí điểm đô thị thông minh; Hệ thống an ninh mạng đô thị thông minh

Giai đoạn 2021 – 2015, sẽ tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng các kết quả dự án đã triển khai trong giai đoạn 1 đồng thời triển khai dự án thuộc các lĩnh vực: quản lý đô thị, giao thông, tài nguyên – môi trường, lao động – thương binh và xã hội, nông nghiệp, công thương… với mục tiêu chính là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo điều hành cho cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ công ích chất lượng và kịp thời, phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho ý kiến về một số vấn đề như: mối quan hệ giữa chính quyền điện tử và đô thị thông minh, tên gọi của Đề án; việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin, nguồn nhân lực vận hành quản lý Trung tâm Điều hành đô thị thông minh; xem xét việc lựa chọn mô hình thí điểm. 

Lãnh đạo các sở, ngành đã cho ý kiến, đề nghị đơn vị tư vấn hoàn chỉnh Đề án theo yêu cầu đã đề ra: khảo sát nhu cầu sử dụng internet của người dân; bổ sung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; đánh giá hiệu quả đầu tư từng dự án; danh mục các dự án thành phần, mục tiêu các dự án thành phần… 

Một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm mục: hiệu quả đạt được của Đề án, mô tả sản phẩm của từng dự án và đề xuất Cục Tin học hóa là đầu mối giúp kết nối các ngành để chia sẻ kho dữ liệu và ứng dụng. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đánh giá cao đơn vị chủ trì, nhóm chuyên gia đã bổ sung, hoàn chỉnh cơ bản Đề án. Đồng chí nhấn mạnh: Đây là đề án mới, lĩnh vực mới do đó phải vừa làm vừa hoàn thiện trên cơ sở bám sát các căn cứ pháp lý đã có; cập nhật bổ sung công nghệ, giải pháp để không bị lạc hậu; tranh thủ kinh nghiệm của các địa phương đã làm. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nguồn lực của tỉnh Yên Bái còn hạn chế, do đó, để xây dựng Đề án có hiệu quả thì phải có những giải pháp thông minh và lộ trình thông minh. 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, về cơ bản, Đề án đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra, tuy nhiên vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện, bổ sung một số nhóm vấn đề sau: làm rõ mối quan hệ giữa đô thị thông minh và chính quyền điện tử theo hướng đô thị thông minh tiếp tục kế thừa, tích hợp, nâng cấp, chuẩn hóa các cấu phần của chính quyền điện tử để đảm bảo thành một thể thống nhất; điều chỉnh tên gọi của Đề án cho phù hợp với mục tiêu của Đề án; cần phải có kiến trúc Đề án; đánh giá hiệu quả của Đề án. 

Về các dự án thành phần, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị làm rõ các dự án thành phần với mục tiêu và lộ trình thực hiện giai đoạn 2019 – 2020 và những năm tiếp theo; mục tiêu cuối cùng là đưa ra được các sản phẩm thông minh trọng yếu, lưu ý một số ngành cần bổ sung yêu cầu cho nhóm chuyên gia tư vấn về lĩnh vực đất đai, phòng chống thiên tai… bổ sung xây dựng Dự án đảm bảo an toàn an ninh thông tin; chú trọng đến vấn đề quản lý, vận hành các module, cấu phần sau khi các dự án hoàn thành. 

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đề nghị đơn vị chủ trì, nhóm chuyên gia tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh theo các ý kiến góp ý tại hội nghị này, sớm hoàn thiện Đề án trước ngày 16/6 để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

Theo Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái

Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái: Chuẩn bị tổ chức Hội thi kể chuyện về Bác Hồ
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái tiếp và làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc
Yên Bai: Bước đột phá trong công tác cán bộ
Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác
Hội thi Bí thư chi bộ giỏi Cụm thi số 2, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh
Cuộc thi Bí thư chi bộ giỏi: Sân chơi bổ ích, thiết thực
Đại biểu 112 quốc gia, vùng lãnh thổ dự khai mạc Đại lễ Phật Đản Vesak 2019
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 34
Yên Bái triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019