Yên Bai: Bước đột phá trong công tác cán bộ

Lần đầu tiên tỉnh Yên Bái triển khai một đề án mang tính khoa học và dài hơi về công tác cán bộ, nên hơn bao giờ hết công tác tuyển chọn được Hội đồng sát hạch, tuyển chọn nghiên cứu kỹ cả về tư cách đạo đức, quá trình học tập, công tác chứ không chỉ về chuyên môn, nhất là đối với cán bộ trẻ

Tham gia Đề án, cán bộ được các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh truyền đạt các kiến thức, kinh nghiệm từ lý luận đến thực tiễn.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng”. 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ tiếp tục khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”, đặc biệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mạnh mẽ công tác cán bộ, trong đó có giải pháp để tăng cường tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ…”. 

Thấm nhuần các quan điểm trên, những năm qua, Tỉnh ủy Yên Bái đã có nhiều giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là Đề án số 11 về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: “Thông qua Đề án nhằm xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để chủ động nguồn cán bộ dồi dào, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, đáp ứng việc lựa chọn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới”. 

Để có một Đề án mang tính khoa học, bài bản, căn cơ và lựa chọn được 150 cán bộ tham gia đào tạo, trong đó cán bộ trẻ 60 người, cán bộ nữ 45 người, cán bộ người dân tộc thiểu số 45 người, Tỉnh ủy Yên Bái đã trải qua nhiều bước sàng lọc kỹ càng, dân chủ, khách quan. 

Đồng chí Hoàng Mạnh Hà – Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Để thực hiện tốt việc tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án từ các địa phương, cơ quan, đơn vị, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 11 ngày 28/8/2018 về tuyển chọn, giới thiệu nhân sự, trong đó quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, nguyên tắc, quy trình tuyển chọn, giới thiệu nhân sự. 

Từ 4.000 hồ sơ ban đầu, trải qua vòng sơ loại nghiêm túc, tỉnh đã chọn được 240 cán bộ để tham gia sát hạch. Vòng sát hạch các thí sinh trải qua hai hình thức: thi viết kiến thức chung và thuyết trình dưới sự giám sát trực tiếp của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chọn tham gia vào đề án 150 người, trong đó: lĩnh vực kinh tế – tài chính 22 người; nông, lâm nghiệp 29 người, kỹ thuật 12 người, văn hóa, xã hội 26 người; giáo dục 27 người; y tế 5 người và nội chính 29 người”. 

Đây là lần đầu tiên tỉnh Yên Bái triển khai một đề án mang tính khoa học và dài hơi về công tác cán bộ, nên hơn bao giờ hết công tác tuyển chọn được Hội đồng sát hạch, tuyển chọn nghiên cứu kỹ cả về tư cách đạo đức, quá trình học tập, công tác chứ không chỉ về chuyên môn, nhất là đối với cán bộ trẻ. 

Đặc biệt, quá trình thi sát hạch được diễn ra khách quan, công tâm, dân chủ và tạo ra sự cạnh tranh gây gắt giữa các đối tượng nữ, trẻ và dân tộc. Ngay sau khi lựa chọn các cán bộ theo đúng yêu cầu, mục đích của Đề án, Tỉnh ủy Yên Bái đã bắt tay ngay vào công tác đào tạo. 

Theo đó, tỉnh đã “đặt hàng” với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo trong 3 tháng đối với cán bộ trẻ, 2 tháng đối với cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số, sau khi học xong, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện cho cán bộ trẻ đi đào tạo tại Trường Đảng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong vòng 15 ngày nhằm tiếp tục trang bị cho đội ngũ này những kiến thức, kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý tiên tiến đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là kinh nghiệm trong lãnh đạo thực hiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những nội dung cơ bản trong nhận thức về lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Đặc biệt, ngay trong tháng 9/2019, sẽ đi nghiên cứu thực tế về kỹ năng quản trị tại Tập đoàn LG để tiếp cận giúp cán bộ trẻ, học hỏi thêm kinh nghiệm trong kỹ năng quản lý, điều hành. 

Thực tế chứng minh, cán bộ trẻ luôn có sức khỏe dồi dào, xông xáo công việc, ham học hỏi, giàu nhiệt huyết, nhiều khát vọng, hoài bão và chí tiến thủ. Tuy nhiên, hiện nay không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện, có tư tưởng “dễ làm, khó bỏ”. Xuất phát từ thực tiễn này, sau khi hoàn thành các khóa học trong và ngoài nước, tỉnh Yên Bái tiếp tục lựa chọn khoảng 40% cán bộ trẻ tăng cường, luân chuyển đi cơ sở và một số chuyên ngành được đào tạo cho phù hợp. 

Đặc biệt, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có môi trường thử thách như tham gia vào các diễn đàn lớn của tỉnh: Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các kỳ họp HĐND tỉnh, các cuộc họp của UBND tỉnh… giúp cán bộ có thêm hiểu biết, nhất là trong quá trình lãnh đạo, quản lý và điều hành. Cùng với đó, hàng năm, tỉnh sẽ đánh giá, xếp loại, đưa vào trong quy hoạch, xem xét và xây dựng quy chế để bố trí sắp xếp đối với đội ngũ cán bộ này. Trong quá trình học tập, giao nhiệm vụ mới nếu cán bộ không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ cho ra khỏi Đề án và tiếp tục bổ sung những lớp mới để đảm bảo nguyên tắc “có vào, có ra”. 

Đồng thời, tỉnh sẽ giao thủ trưởng các cơ quan, ban ngành trực tiếp quản lý cùng với cấp ủy và các tổ chức đoàn thể để đánh giá nhiều chiều nhằm lựa chọn những cán bộ kế cận một cách khách quan, dân chủ. Có được vị trí và khẳng định mình trong xã hội, rõ ràng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ phải nỗ lực cao trong thực thi công việc. 

Chị Hà Thị Thúy – cán bộ Ban Dân tộc HĐND huyện Văn Chấn chia sẻ: “Là cán bộ trẻ, trong quá trình thực thi công việc ở cơ sở tôi còn gặp nhiều khó khăn, nhưng sau 3 tháng được các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh truyền đạt các kiến thức, kinh nghiệm từ lý luận đến thực tiễn đã giúp cho tôi có cái nhìn bao quát, tổng thể hơn trong xử lý công việc”. 

Còn anh Nguyễn Thượng Phi – Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên tâm sự: “Là người trực tiếp đưa nghị quyết vào cuộc sống, ở cơ sở thường phát sinh nhiều việc nên có lúc còn lúng túng. Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận các chuyên đề về lý luận, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo quản lý đã giúp cho tôi vỡ ra nhiều bài học quý trong công tác điều hành, lãnh đạo”. 

Đề án số 11 về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” là một đề án mang tính chất đột phá, sáng tạo và bài bản của Tỉnh ủy Yên Bái, nhất là người đứng đầu cấp ủy đã được các nhà nghiên cứu lý luận, tổ chức về công tác xây dựng Đảng đánh giá cao. 

Ông Nguyễn Thanh Bình – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết: “Tôi đánh giá cao sự nhạy bén của Tỉnh ủy Yên Bái về công tác cán bộ. Qua theo dõi, Yên Bái đã thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đúng với tinh thần của Nghị quyết số 18 và 19 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đặc biệt, Đề án 11 là một sự sáng tạo, tâm huyết, có tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hơi của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm chuẩn bị một đội ngũ cán bộ chiến lược cho tỉnh, khắc phục và tránh tình trạng hẫng hụt cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số”.

Theo Baoyenbai.com.vn

Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác
Hội thi Bí thư chi bộ giỏi Cụm thi số 2, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh
Cuộc thi Bí thư chi bộ giỏi: Sân chơi bổ ích, thiết thực
Đại biểu 112 quốc gia, vùng lãnh thổ dự khai mạc Đại lễ Phật Đản Vesak 2019
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 34
Yên Bái triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tiếp xúc cử tri thành phố Yên Bái
Cử hành trọng thể Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh
Tỉnh Yên Bái tặng quân, dân huyện đảo Trường Sa 3,5 tỉ đồng