Giải pháp pháp lý được Án lệ áp dụng là khách hàng vay ngoài việc phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng, tổ chức tín dụng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), còn phải thanh toán lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc; trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay. Vậy cần xác định nội dung án lệ chủ yếu xoay quanh việc xác định tiền lãi chậm trả tiền thi hành án đối với khoản tiền gốc theo hợp đồng tín dụng phát sinh tranh chấp. Trong quá trình áp dụng Án lệ này, nhiều nhà khoa học pháp lý và luật sư cho rằng nội dung Án lệ có sự mâu thuẫn với các quy định pháp luật hiện hành nên cần hủy bỏ. Thực tế án lệ vẫn có giá trị áp dụng trong giải quyết các tranh chấp tương tự, các vụ việc nếu áp dụng án lệ thấy phát sinh mâu thuẫn và xung đột pháp luật Tòa án có thể không áp dụng án lệ theo nguyên tắc áp dụng án lệ trong Nghị quyết 03/2015/NĐ-HĐTP: “Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ”. Dưới đây là ví dụ chứng minh án lệ vẫn còn giá trị áp dụng trong thực tiễn xét xử.
Ngày 7/12/2012, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Y (Ngân hàng NN) và bà Hoàng Thị T ký kết hợp đồng tín dụng cho vay số tiền 300.000.000 đồng với lãi suất 14%/năm (có điều chỉnh theo biến động) để kinh doanh hàng tạp hóa, thời hạn vay 12 tháng. Thực hiện hợp đồng, bà T đã trả cho Ngân hàng NN số tiền 20.000.000 đồng, kể từ ngày 01/03/2015 bà T đi khỏi nơi cư trú và không tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng NN.
Ngân hàng NN khởi kiện bà T ra Tòa án nhân dân huyện Y để giải quyết.
Quan điểm giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân huyện Y như sau
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – Ngân hàng NN
2. Buộc bà Hoàng Thị T phải thanh toán cho Ngân hàng NN số tiền nợ gốc là 280.000.000 đồng và tiền lãi (lãi trong hạn và quá hạn) tính đến ngày xét xử là 277.550.000 đồng.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, bà Hoàng Thị T còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng (được điều chỉnh) là 11,5 % tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
Qua ví dụ thấy được Tòa án huyện Y đã áp dụng Án lệ 08 làm căn cứ giải quyết tranh chấp phát sinh trong hợp đồng cho vay để giải quyết 3 vấn đề: Thứ nhất, thời gian tính lãi chậm thi hành án là từ khi nào? Thứ hai, khoản tiền nào có thể làm phát sinh lãi chậm thi hành án? Thứ ba, mức lãi suất để tính lãi chậm thi hành án là bao nhiêu?
Thứ nhất, về thời gian tính lãi chậm thi hành án
Theo nội dung Án lệ số 08/2016/AL thì khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán “kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc” được hiểu là nghĩa vụ trả lãi sau khi có bản án, quyết định của Tòa án hay còn gọi là lãi chậm thi hành án.
Thời gian tính lãi chậm thi hành án theo Án lệ hoàn toàn phù hợp với Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19 tháng 6 năm 1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính (Thông tư 01/TTLT): “Đối với các khoản tiền vay, gửi ở tài sản Ngân hàng, tín dụng, do giá trị của các khoản tiền đó đã được bảo đảm thông qua các mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định, cho nên khi xét xử, trong mọi trường hợp toà án… quyết định buộc bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán số tiền thực tế đã vay, gửi cùng với khoản tiền lãi, kể từ ngày khi giao dịch cho đến khi thi hành án xong, theo mức lãi suất tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định …”. Như vậy Tòa án đã tính lãi trên số tiền người phải thi hành án đã vay đến thời điểm thi hành án xong, theo đó số tiền lãi tính từ ngày vay tiền đến ngày xét xử sơ thẩm được Tòa án xác định rõ trong bản án (như ví dụ nêu trên là 277.550.000 đồng) còn lãi chậm thi hành án bắt đầu tính từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm đến khi người phải thi hành án thi hành xong khoản nợ gốc.
Thực tiễn, các ngân hàng và tổ chức tín dụng huy động vốn phải chịu mức lãi suất cao hơn so với mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trong khi đó nhiều Toà án đều thống nhất chỉ tính lãi suất quá hạn từ khi bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán cho đến thời điểm yêu cầu khởi kiện hoặc đến ngày xét xử ở cấp sơ thẩm, mà không xem xét ở các giai đoạn tố tụng sau đó (giai đoạn từ sơ thẩm đến phúc thẩm thường kéo dài ít nhất 3 tháng). Ngoài ra, quy định lãi suất chậm thi hành án tính từ ngày bản án có hiệu lực hoặc người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án tiếp tục gây thiệt hại cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho bên vi phạm dây dưa kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp và không chấp hành bản án.
Thứ hai, về khoản tiền phát sinh lãi chậm thi hành án
Nội dung Án lệ số 08/2016/AL được lựa chọn đã khẳng định: “Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán”. Với nội dung Án lệ, lãi chậm trả chỉ được tính trên “số tiền nợ gốc chưa thanh toán” mà không tính trên khoản lãi chưa thanh toán. Hướng này loại trừ khả năng lãi mẹ đẻ lãi con ([1]). Một số nhà nghiên cứu cho rằng nội dung Án lệ trái với quy định tại khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015: “Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” và giải thích theo hướng lãi chậm trả quy định tại điểm a khoản này là lãi chậm trả từ khi thực hiện giao dịch đến khi bên vay thi hành án xong (nếu phát sinh tranh chấp).
Lãi chậm trả theo Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 có thể hiểu theo hướng phát sinh một khoản lãi đối với lãi trên khoản nợ gốc chậm trả, tuy nhiên Thông tư số 01/TTLT và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng đã triệt tiêu khoản lãi chồng lãi này trong quá trình thi hành án nên không áp dụng lãi chậm thi hành án với khoản tiền lãi chậm trả theo hợp đồng, như vậy tránh trường hợp lãi mẹ đẻ lãi con trong quá trình thi hành án ảnh hưởng quyền lợi bên vay trong hợp đồng tín dụng. Án lệ xác định khoản tiền phát sinh lãi như vậy phù hợp với pháp luật hiện hành và không thuộc trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp.
Thứ ba, mức lãi suất để tính lãi chậm thi hành án
Nội dung Án lệ số 08/2016/AL, nêu: “Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” cũng là không đúng. Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng… kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng”. Trong nội dung Án lệ, Tòa án địa phương xét xử quy định lãi chậm thi hành án theo hướng áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005. Tòa án tối cao xét xử theo hướng áp dụng lãi suất các bên thỏa thuận theo hợp đồng là thừa nhận thỏa thuận đã hình thành giữa các bên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Hơn nữa khoản 2, Điều 11 Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 quy định rõ mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn phải theo lãi suất do các bên thỏa thuận tại hợp đồng, không phụ thuộc vào lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Trong ví dụ trên, bên đi vay là bà T đã đi khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian dài và trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, không tham dự phiên tòa khiến quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay là ngân hàng bị ảnh hưởng buộc Tòa án phải tuyên mức lãi suất chậm thi hành án theo hợp đồng tín dụng.
Thực tiễn cho thấy có hợp đồng cho vay với lãi suất cao có trường hợp lên đến 60%/năm khiến người vay phải “gồng lưng” để trả nợ và đang là vấn đề gây nhức nhối hiện nay trong lĩnh vực cho vay của các tổ chức tín dụng nên việc áp dụng lãi suất chậm thi hành án theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng sẽ tạo nên gánh nặng rất lớn cho người vay cũng như khả năng thi hành án ([2]). Trường hợp này Tòa án sẽ không tính lãi suất như trong Án lệ số 08/2016/AL nếu tranh chấp phát sinh được giải quyết theo Bộ luật dân sự năm 2015 vì khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20%. Tòa án sẽ không áp dụng án lệ căn cứ quy định về nguyên tắc áp dụng án lệ tại khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 03/2015/NĐ-HĐTP: “Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ”.
Quá trình kiểm sát bản án của Tòa án nhân dân huyện Y chúng tôi nhận thấy Hội đồng xét xử đã căn cứ Án lệ số 08/2016/AL đế giái quyết tranh chấp nhưng chưa ghi cụ thể căn cứ áp dụng vào bản án vì có nhiều tranh cãi xung quanh việc áp dụng Án lệ này. Chúng tôi nhận thấy Tòa án cần mạnh dạn áp dụng án lệ để giải quyết các trường hợp tương tự vì giá trị áp dụng của Án lệ số 08/2016/AL trên thực tế vẫn hiện hữu, các trường hợp nếu áp dụng không phù hợp thì Tòa án sẽ không áp dụng án lệ và nêu trong bản án lý do không áp dụng án lệ.
Hà Đức Anh – VKS Yên Bình
[1] PGS.TS. Đỗ Văn Đại, Lãi chậm trả tiền trong Án lệ năm 2016, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử
[2] Lê Xuân Cảnh, Kiến nghị hủy bỏ Án lệ số 08/2016/AL, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam