Bác Hồ nói chuyện với đồng bào các dân tộc Yên Bái tại sân vận động thị xã Yên Bái ngày 25/9/1958.
Thật ra đây là vấn đề lịch sử mang ý nghĩa chính trị giáo dục lớn và không đơn giản. Hội đồng phụ trách Đội thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn được giao nhiệm vụ này.
Chúng tôi xác định và thăm dò một số người trực tiếp dự cuộc mít tinh đón Bác tại sân vận động Yên Bái ngày 25/9/1958, họ đều nhớ không rõ ràng là có thiếu nhi tặng hoa Bác hay không – theo họ, lúc bấy giờ chỉ chú ý nhìn Bác. Được giới thiệu, chúng tôi tìm đến các đồng chí lãnh đạo các ngành tỉnh Yên Bái tham gia buổi đón Bác hôm đó: Ông Hoàng Kim Phấn – Trưởng ban cán sự Đoàn thanh niên cứu quốc nay ở thị xã Yên Bái, cụ Nguyễn Văn Sỹ phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc hiện ở xã Ngọc Chấn Yên Bình, Ông Đào Tiến Lộc – Quyền trưởng ty công an kiêm trưởng ban bảo vệ đón Bác nay ở thị trấn Nghĩa Lộ.
Ông Hoàng Kim Phấn nhớ lại: “- Lúc đầu không có ý định tặng hoa Bác, sau được ban bảo vệ đồng ý mới giao cho trường cấp I – II khu ga Yên Bái cử một số thiếu nhi đạo đức tốt, học giỏi, nói là lên tỉnh có việc…”
Trong sổ tay nghiệp vụ Ông Đào Tiến Lộc ghi bổ sung bên lề: Trường cấp I – II khu phố 4 ga Yên Bái được cử 4 thiếu nhi khăn quàng đỏ tặng hoa Bác lúc sắp mít tinh, theo ông, có danh sách gửi lên nhưng bây giờ không còn lưu được. Cụ Nguyễn Văn Sỹ thì nhớ: “- Trong số đó có thằng Ân con ông Tư Lập đóng đồ gỗ ở thị xã Yên Bái”. Tiếc là người viết bài này chưa tìm được ông Tư Lập.
Khi đối chiếu với các bộ ảnh lưu trữ tại Bảo tàng của tỉnh thì rõ ràng có 4 thiếu nhi trong đó ba gái một trai, bộ phim Hoàng Liên Sơn tôi yêu mới đây cũng có lướt qua đoạn tư liệu quý đó.
Cuộc tìm kiếm đã gần hai năm, nhiều tín hiệu mới được cung cấp rất đáng trân trọng. Song khó nhất vẫn là phải biết rõ tên tuổi địa chỉ của họ hiện nay.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đội (15/5/1986) chúng tôi gửi thư đến Ban biên tập Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn ý định nhờ Đài thông báo. Nhận thư có nội dung trên, may thay, anh Trọng An phát thanh viên liền thông tin trở lại và cho biết, một trong những em bé lên tặng hoa bác hôm ấy là Đinh Thị Vượng hiện công tác ở Hà Nội.
Ngày 10/8/1986, lần thứ ba tôi tìm đến nhà chị Đinh Thị Vượng ở khu tập thể Trung Tự, Ngã tư sở. Chị Vượng năm nay 42 tuổi, đảng viên, kỹ sư, trưởng phòng tài vụ Công ty vật tư Bộ giao thông. Chị đã có hai cháu, gia đình sống khá chật vật, dường như chỉ bằng đồng lương của anh chị. Sau khi tự giới thiệu về việc làm có trách nhiệm của mình và đề nghị chị đáp ứng yêu cầu một cách khách quan chác chắn. Chị Vượng kể lại:
Năm đó chị học lớp hai, cô giáo Bồng làm chủ nhiệm, cô giáo Nga làm phụ trách đội. 4h sáng ngày 25/9/1958 khi mọi người tập trung ở phố ga Yên Bái để vào sân Căng, bỗng thấy cô Nga đến tìm. Ngoài Vượng còn có ba bạn nữa là Thanh con ông Cả Túc, Ân con ông Tư Lập và Hồng, chỉ có Ân là con trai. Bốn chị em được chị phụ trách gặp riêng và nói: “- Lát nữa bốn em được vinh dự tặng hoa Bác Hồ, các em sẽ ăn mặc đẹp, tác phong nhanh nhẹn, vui tươi, nếu Bác hỏi chuyện thì các em bình tĩnh thưa chuyện và hứa với Bác…” Nhưng vì quá lúng túng nên chị Nga cũng không phân công ai là người tặng hoa Bác cụ thể. Khi đồng chí Nguyễn Văn Đức Bí thư Tỉnh ủy (nay là Thứ trưởng Bộ Nội vụ) hỏi thì chị trả lời là đã chuẩn bị rồi.
Chị Vượng dừng lại, tìm chìa khóa mở tủ và lấy ra tấm ảnh mà chị còn giữ được, tấm ảnh chụp Bác đứng trên lễ đài nói chuyện với nhân dân các dân tộc Yên Bái.
Chị kể tiếp: “- 5h sáng đoàn xe đưa Bác đến. Khi Bác bước lên lễ đài thì mỗi người một bó hoa chạy ùa lên theo, Bác mặc áo nâu, có khoác áo ngoài và đi nhanh, các bạn tranh nhau lên tặng hoa. Đến lễ đài, Bác dứng lại hơi cúi thấp, hai tay ra hiệu cảm ơn, vừa tươi cười, vừa hôn từng đứa nhưng không nhận hoa của ai. Sau đấy Bác nói chuyện với đồng bào, tự nhiên lúc đó cả bốn bạn đều tự tìm lấy chỗ đứng của mình. Người được đứng gần Bác nhất là Hồng, Hồng có khuôn mặt tròn, xinh, khỏe mạnh, hay cười, ăn mặc đẹp. Sau này Hồng đi văn công quân đội.
Nói chuyện xong Bác quay lại xoa đầu cả bốn bạn rồi cho mỗi người một gói kẹo. Bác nói, đây là quà của Bác, các cháu phải ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập và rèn luyện để sau này trở thanh người có ích cho đất nước. Cả bốn chị em chỉ biết nhìn chằm chằm vào khuôn mặt hiền từ đôn hậu của Bác mà hứa với Bác: “- Thưa Bác, vâng ạ.”
Lời dặn của Bác và lời hứa với Bác đã gần ba mươi năm mà chị Vượng – như chị nói – như vẫn văng vẳng bên tai. Tôi nói với chị: “- Đó cũng là lời dặn ân cần của Bác đối với thiếu nhi các dân tộc Hoàng Liên Sơn và cũng là lời hứa danh dự của thiếu nhi các dân tộc Hoàng Liên Sơn với Bác kính yêu.”
Từ lời chị Vượng, tôi trở về tìm gặp cô giáo Bồng – nay là Hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở Trần Phú thị xã Yên Bái để cô giáo nhớ lại những học sinh cũ của mình ngày ấy. Cô Bồng kể đôi nét nhớ được về việc những học sinh của cô tặng hoa Bác Hồ, trong đó có chị Đinh Thị Vượng. Cô bùi ngùi nhắc đến chị Nga – một cán bộ phụ trách thiếu nhi xuất sắc nay không còn nữa, và chị Hồng, chị Thanh, anh Ân, những em bé tặng hoa Bác Hồ tại sân vận động Yên Bái sáng 25/9/1958 năm ấy, bây giờ làm gì, ở đâu. Cô giáo Bồng, chị Vượng và cả chúng tôi cũng đặt ra kế hoạch tiếp tục tìm kiếm (và không phải chỉ riêng sự kiện lịch sử trên) để một ngày nào đấy, chúng ta có tập tư liệu hoàn chỉnh nhất về thiếu nhi các dân tộc Hoàng Liên Sơn với Bác Hồ như các em hằng mong ước.
Nguồn: Theo http://dulichyenbai.gov.vn