Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TRỌNG ÐỨC (TTXVN)
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ cho ý kiến về tám dự án luật chuẩn bị trình QH tại kỳ họp thứ sáu. Trong đó có ba dự án luật đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về năm dự án luật trình QH lần đầu, gồm: Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư công.
Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về các báo cáo: Công tác của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao, Kiểm toán Nhà nước năm 2018; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH; việc thực hiện nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn kể từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIV đến kỳ họp thứ tư, các kết luận của Ủy ban Thường vụ QH về chất vấn tại các phiên họp; việc thực hiện Nghị quyết của QH về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; kế hoạch kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước.
Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về các nội dung: Chuẩn bị kỳ họp thứ sáu của QH; kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu, phê chuẩn; thảo luận, cho ý kiến về hai đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH và đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Ðoàn đại biểu QH, Văn phòng HÐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.
Theo chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ QH cũng sẽ xem xét phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2017; phương án bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số nội dung khác.
Trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi). Hầu hết các nội dung lớn của dự thảo luật đã được Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến thống nhất; riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc còn nhiều ý kiến khác nhau. Ðược biết, sau khi cân nhắc kỹ các ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Tư pháp của QH và Cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án… Nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với phương án 1 (xem xét, giải quyết tại tòa án). Theo phương án này, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.
Các đại biểu cho rằng, ưu điểm của các phương án này là thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành. Ðồng thời, việc giao cho tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình bảo đảm tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Ðây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ tịch QH cho rằng, đối với tài sản vi phạm pháp luật mà có, Bộ luật Hình sự đã quy định, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã quy định rất chi tiết việc tịch thu, sung công liên quan các vụ việc vi phạm pháp luật. Luật PCTN hiện hành và dự thảo cũng đã quy định rõ việc tịch thu đối với tài sản do tham nhũng mà có.
Chủ tịch QH nêu rõ: Quyết tâm chính trị của chúng ta là phải minh bạch tài sản, nâng cao hiệu quả PCTN. Trong thực tế, khi xử lý các vi phạm kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, rõ ràng thời gian vừa qua có một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản rất lớn nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc. Từ thực tế, vấn đề được đông đảo cử tri rất quan tâm bên cạnh tìm giải pháp nâng cao hiệu quả PCTN, làm sao việc thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng đạt kết quả cao nhất. Chính vì thế, cần có quy định để xử lý vấn đề này, việc xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN, phù hợp xu thế chung, phù hợp lòng dân…
Cũng trong ngày hôm qua, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về: Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ sáu theo quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 của QH; các báo cáo của: Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; xem xét, quyết định việc thành lập Tòa án Quân sự khu vực, Tòa án Quân sự quân khu và tương đương; biên chế, số lượng thẩm phán của tòa án quân sự các cấp; việc bổ sung số lượng thẩm phán sơ cấp cho TAND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
Theo chương trình, phiên họp lần này diễn ra đến hết ngày 20-9.
Theo Nhandan.com.vn