49 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ và sạt lở đất

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 7h00 ngày 28/6, mưa lũ và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến 49 người chết, mất tích và bị thương.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Cụ thể, người chết: 23 người (Hà Giang: 05 người chết do sập nhà, lũ cuốn trôi; Lai Châu: 16 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, nhà sập; Quảng Ninh: 01 người chết do nước cuốn trôi khi qua ngầm giao thông; Lào Cai: 01 người chết do lũ cuốn trôi khi đi làm đồng về); người mất tích: 10 người (Lai Châu 09 người và Điện Biên 01 người mất tích do lũ cuốn trôi); người bị thương: 16 người (Lai Châu: 15 người; Sơn La: 01 người).
Về nhà ở, nhà bị đổ, cuốn trôi: 161 nhà (Hà Giang: 39 nhà; Lai Châu: 98 nhà; Thái Nguyên: 24 nhà); nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp: 958 nhà (Sơn La: 06 nhà; Hà Giang: 229 nhà; Lai Châu: 439 nhà; Thái Nguyên: 204 nhà; Lào Cai: 01 nhà; Yên Bái: 18 nhà; Điện Biên: 25 nhà; Tuyên Quang: 36 nhà); nhà bị ngập nước: 1.816 nhà (Hà Giang: 1.589 nhà; Lai Châu: 193 nhà; Lào Cai: 18 nhà; Điện Biên: 10 nhà; Bắc Giang: 06 nhà).
Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản: 799,4 ha lúa bị thiệt hại (Hà Giang 208,8 ha; Lai Châu 480,1 ha; Lào Cai 90,0 ha; Yên Bái: 0,1 ha; Cao Bằng 1,5 ha; Điện Biên: 11,7 ha; Tuyên Quang: 3,8 ha; Bắc Giang: 3,4 ha); 16,42 ha mạ bị thiệt hại (Hà Giang: 10,22 ha; Cao Bằng: 6 ha; Tuyên Quang: 0,5 ha); 719,3 ha hoa màu bị thiệt hại (Hà Giang: 452,7 ha; Lai Châu: 222,7 ha; Lào Cai: 18,0 ha; Yên Bái: 0,8 ha; Cao Bằng: 20,0 ha; Điện Biên: 3,1 ha; Tuyên Quang: 2,0 ha); 738 con gia súc, 13.855 con gia cầm bị chết và 599,3 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Hà Giang 82,8 ha; Lai Châu 11,5 ha; Lào Cai 3 ha; Điện Biên: 500 ha; Tuyên Quang: 2 ha).
Về giao thông, nhiều tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ bị sạt lở nghiêm trọng, khối lượng sạt lở sơ bộ khoảng 2,00 triệu m3 đất đá.
Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 458,7 tỷ đồng (Sơn La 0,76 tỷ đồng, Hà Giang: 122 tỷ đồng, Lai Châu: 315,8 tỷ đồng, Thái Nguyên: 0,32 tỷ đồng, Lào Cai: 8,5 tỷ đồng, Yên Bái: 0,07 tỷ đồng, Cao Bằng 0,17 tỷ đồng, Điện Biên: 1 tỷ đồng, Tuyên Quang: 10 tỷ đồng).
Để ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai, ngày 28/6/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phát động quyên góp ủng hộ đồng bào khu vực chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Đồng thời, Bộ đã cử các đoàn công tác xuống các địa phương để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và khôi phục sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Tính đến 7h00 ngày 28/6, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Lào Cai đã cơ bản thông xe. Tại tỉnh Lai Châu, trục đường Điện Biên – Lai Châu Quốc lộ 12 dự kiến trong ngày 28/6/2018 thông xe, riêng QL4H tại cầu Hua Bum Km303+460 dự kiến thông xe ngày 30/6. Tại tỉnh Điện Biên, Quốc lộ 4H dự kiến ngày 30/6 thông xe. Riêng tuyến đường đến bản Nậm Cầy, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) bị sạt lở làm cô lập 20 hộ dân ở các bản Chang, Sà Dề Phìn xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, các hộ dân vẫn được tiếp tế mỳ tôm và nước uống.
Các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích và thăm hỏi gia đình bị thiệt hại, huy động tối đa lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục giao thông và khôi phục sản xuất để sớm ổn định đời sống.
Trong những ngày tới, UBND các tỉnh và các bộ, ngành liên quan khẩn trương chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, khát; giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường; rà soát để lựa chọn vị trí nơi ở mới cho các hộ dân bị mất nhà do sập, sạt lở, lũ cuốn trôi để có phương án hỗ trợ hiệu quả, thiết thực đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa.
Rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, trục giao thông chính; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, bố trí giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất nhanh, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương huy động các lực lượng, phương tiện xử lý các khu vực sạt lở, ách tắc để sớm thông tuyến giao thông phục vụ công tác khắc phục hậu quả và ổn định đời sống nhân dân.
Các địa phương khẩn trương tổng hợp thiệt hại, chủ động huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả, trường hợp vượt quá khả năng báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ cho các tỉnh./.

Theo Báo Yên Bái

Yên Bái: Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ
Chủ tịch nước ký lệnh công bố 7 Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Cory Gardner
“Hỏi nhanh, đáp gọn” với 04 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Ngày Trái đất 2018 – Lời kêu gọi cắt giảm chất thải nhựa
Yên Bái thành lập Trung tâm Hành chính công
Giảm tối thiểu 46 sở trên cả nước nếu hợp nhất, sáp nhập
Đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đoàn cán bộ của cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về hợp tác thương mại Việt Nam – EU
Những trường hợp Đảng viên sinh con thứ 3 không bị kỷ luật