Yếu tố quyết định xây dựng chính quyền điện tử

Thời gian qua, việc triển khai cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tạo sự tiện lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày 24/12/2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Từ khi triển khai đến nay, hiện toàn tỉnh đang cung cấp 10 dịch vụ công mức 3 cấp tỉnh với tổng số 38 thủ tục cấp tỉnh: Sở Thông tin và Truyền thông 14 thủ tục; Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch 14 thủ tục; Sở Giáo dục và Đào tạo 1 thủ tục; Sở Công thương 9 thủ tục và 12 lĩnh vực với tổng số 257 thủ tục được cung cấp ở mức độ 3 đối với cấp huyện (UBND huyện Văn Yên 257 thủ tục). Ngoài ra, việc triển khai dịch vụ công mức 3 của 2 ngành Giao thông – Vận tải và Kế hoạch và Đầu tư được chuyển sang triển khai theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương (đã xây dựng kế hoạch xây dựng Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4 với 247 TTHC).
Hiệu quả về dịch vụ trực tuyến công trực tuyến mức độ 3 mang lại là rất lớn khi người dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối mạng Internet. Do các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng, việc thanh toán lệ phí, nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Như vậy, công dân, tổ chức chỉ phải đến duy nhất 1 lần để thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan, đơn vị, giảm chí phí và thời gian cho tổ chức, cá nhân. Có thể khẳng định, việc triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, tạo mọi thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Hơn thế, việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến còn giúp cơ quan Nhà nước trên địa bàn giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn…
Lợi ích dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đem lại cho xã hội là rất lớn, tuy nhiên trên thực tế, đối tượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến khá hạn chế dẫn đến sự lãng phí xã hội. Hiện nay, đa số người dân, tổ chức vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến cơ quan chức năng để thực hiện TTHC khi cần hoặc gửi hồ sơ (bản giấy) qua dịch vụ bưu chính công. Điển hình như Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, với dịch vụ công mức độ 3 lĩnh vực quảng cáo và biểu diễn nghệ thuật, tuy nhiên tính từ tháng 10/2016 đến 10/2017, Sở mới tiếp nhận và giải quyết 24 hồ sơ gửi qua mạng của các tổ chức, cá nhân trong ngoài tỉnh. Cũng như Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, mặc dù đơn giản và thuận lợi, nhưng số lượng thực hiện giao dịch trực tuyến ở thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe của Sở Giao thông Vận tải rất ít, thậm chí là không có. Còn đối với huyện Văn Yên, địa phương tiên phong xây dựng chính quyền điện tử với 12 lĩnh vực, tổng số 257 thủ tục được cung cấp ở mức độ 3, tuy nhiên số người dân và doanh nghiệp sử dụng cũng hạn chế.
Nguyên nhân dịch vụ trực tuyến mức độ 3 chưa phát huy hiệu quả theo đánh giá do chúng ta có ít “công dân điện tử”. Do thói quen cũng như trình độ tin học hạn chế, nhiều người dân còn e ngại có tâm lý không yên tâm sử dụng các dịch vụ công trực tuyến nên vẫn lựa chọn trực tiếp đến cơ quan công quyền để nộp TTHC. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ thông tin và hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu của người dân còn thiếu cũng là yếu tố dẫn đến việc thực hiện dịch vụ công đạt hiệu quả thấp…
Muốn vận hành chính quyền điện tử cần phải có “công dân điện tử”. Để phát huy hiệu quả dịch vụ công nhất mức độ 3 và tiến lên là mức độ 4, bên cạnh tiếp tục đầu tư hạ tầng thông tin, các phương tiện phục vụ dịch vụ tại cơ sở, nhất là cấp xã, thậm chí là cấp thôn, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích dịch vụ công. Trong đó, chú trọng đối tượng trẻ như học sinh, sinh viên để tăng số lượng “công dân điện tử”. Cùng có hình thức đào tạo để nâng cao trình độ tin học cho người dân, cần có những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân tiếp cận với công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến công, cụ thể như việc đăng ký thư điện tử của mỗi công dân. Trên thực tế, bước cản lớn nhất khi xây dựng “công dân điện tử” là thói quen của người dân, do đó, cùng tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, các địa phương, đơn vị cần bố trí nhân lực, thực hiện nhiệm vụ quảng bá, hướng dẫn khi người dân có nhu cầu làm TTHC.

Theo Báo Yên Bái

Công điện khẩn về phòng cháy, chữa cháy rừng
Đảng viên sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới nếu con phạm tội
Lịch thi đấu chính thức của World Cup 2018
Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái thăm và làm việc tại bang Rajasthan (Ấn Độ)
HĐND tỉnh Yên Bái xem xét mức chi hỗ trợ đối với Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020
Yên Bái đổi mới tuyên truyền và học tập nghị quyết
Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái: Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân
Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc
Tổng Bí thư bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Cuba
Yên Bái xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu quả”