– Việc lựa chọn vụ án để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm chưa sát với yêu cầu. Hầu hết các vụ án được lựa chọn tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có tính chất đơn giản, chủ yếu là các vụ án hôn nhân và gia đình; tranh chấp về nuôi con và thay đổi người trực tiếp nuôi con mà chưa lựa chọn được các vụ án đa dạng về các tranh chấp dân sự khác, trong số các vụ án được lựa chọn cũng không có vụ án nào có tính chất phức tạp, có nhiều đương sự tham gia nên chưa thể hiện được kỹ năng của kiểm sát viên về kiểm sát thủ tục tố tụng, kỹ năng hỏi, tranh luận, kiểm sát việc giải quyết của Toà án đối với các loại yêu cầu này. Qua theo dõi thấy ở những đơn vị cấp huyện đã tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đều có vụ án có tính chất phức tạp liên quan đến đất đai bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án nhưng ở giai đoạn sơ thẩm không được các đơn vị lựa chọn để làm phiên tòa tòa rút kinh nghiệm.
– Một số đơn vị lãnh đạo Viện chưa thực sự sát sao chỉ đạo tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm, việc phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa chưa phù hợp, có đơn vị trong một ngày một đồng chí Kiểm sát viên tham gia xét xử 12 phiên tòa (trong đó có 04 vụ án được lựa chọn để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm), việc phân công như vậy không đảm bảo về thời gian đầu tư cho việc nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị các nội dung cần thiết phục vụ cho việc tham gia phiên tòa và kiểm sát xét xử, phát biểu quan điểm của ảnh hưởng không nhỏ đến việc nghiên cứu nội dung vụ việc, đánh giá chứng cứ, dự kiến tình huống phát sinh đối với từng vụ việc, cũng như việc lập hồ sơ kiểm sát của Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa.
– Về bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, một số Kiểm sát viên còn lệ thuộc vào dự thảo bản phát biểu được xây dựng sẵn trước phiên tòa, không chú ý theo dõi, ghi chép những diễn biến phát sinh tại phiên tòa nên không kịp thời cập nhật bổ sung các tình huống phát sinh tại phiên tòa khi phát biểu, có bản phát biểu được Kiểm sát viên ký tên, đóng dấu sẵn; có kiểm sát viên kỹ năng đọc, nói tại phiên tòa còn nhỏ nên người tham dự phiên tòa nghe không rõ.
– Về công tác chuẩn bị: Các đơn vị tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đều mời thành phần Lãnh đạo Viện tỉnh; Lãnh đạo, Kiểm sát viên Phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tham dự nhưng do chưa làm tốt công tác chuẩn bị, nắm tình hình cụ thể, dự liệu trường hợp đương sự vắng mặt để phối hợp với Tòa án động viên họ tham gia phiên tòa, dẫn đến phiên tòa bị hoãn, ảnh hưởng đến thời gian, công việc của các Kiểm sát viên đến tham dự.
– Về việc tổ chức rút kinh nghiệm: Do việc phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa chưa hợp lý, trong cùng một ngày Kiểm sát viên vừa tham gia xét xử phiên tòa rút kinh nghiệm, đồng thời phải tham gia xét xử một số vụ án khác, nên việc tổ chức họp rút kinh nghiệm chung chưa được kịp thời. Do đó, mục đích của việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm chưa đạt được.
Để thực hiện và hoàn thành tốt chỉ tiêu nghiệp vụ về tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm theo chương trình công tác năm các đơn vị đã đề ra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã yêu cầu các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân cùng cấp để lựa chọn các vụ án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trên cơ sở đảm bảo theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tiêu chí nhưng cũng cần linh hoạt tùy theo tình hình thực tiễn của đơn vị, tuy nhiên vẫn phải ưu tiên những vụ việc không quá đơn giản trong khi đơn vị lại đang thụ lý kiểm sát giải quyết những vụ việc có thể đáp ứng được về tiêu chí theo hướng dẫn, giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác dân sự có điều kiện để học hỏi, củng cố kiến thức chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng xử lý tình huống của Kiểm sát viên tại phiên tòa, góp phần thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 trong thực tiễn./.
Lương Minh Nguyệt – Phòng 9