Theo Bản án sơ thẩm của TAND cấp huyện thì nội dung vụ án như sau: Lò Văn Dương là lái xe hợp đồng cho Công ty TNHH DHV-GAS, có trụ sở đặt tại khu 10, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ngày 18/8/2016, Dương lái xe ô tô đầu kéo BKS 25C-020.90 kéo theo rơ mooc BKS 25R-000-20 chở téc gas đi từ Hải Phòng về Lai Châu theo đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Khoảng 20 giờ cùng ngày khi đi đến km156, đoạn đường trên cầu Ngòi Thắt, thuộc thôn 6, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, Dương vừa điều khiển xe vừa ngủ gật, khi phát hiện thấy xe của mình sắp đâm vào xe con đi cùng chiều phía trước, Dương đã đánh lái sang trái để tránh xảy ra va chạm nhưng lại đi quá sang phần đường của xe đi ngược chiều. Cùng lúc đó xe ô tô khách giường nằm biển kiểm soát 29B-08584 do anh Nguyễn Tài Tuấn điều khiển theo hướng Lào Cai – Hà Nội đi đến, Dương liền đánh lái cho xe đi về phần đường của mình nhưng xe của Dương vẫn đâm va vào phần đầu và trượt miết vào thành sườn bên lái của xe khách rồi tiếp tục đâm va vào sườn phía sau bên lái chiếc xe con nhãn hiệu INOVA biển kiểm soát 17A-039.95 do anh Nguyễn Tiến Hiệu điều khiển làm xe INOVA đâm va vào thành cầu và mắc lại. Hậu quả làm anh Đỗ Quang Chung và anh Nguyễn Văn Cường là hành khách trên xe giường nằm bị thương nặng dẫn đến tử vong, hư hỏng 02 xe ô tô và 01 chiếc Apple Ipad. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản là 1.084.520.000đồng.
Bản án sơ thẩm quyết định xử phạt bị cáo Lò Văn Dương 05 năm 06 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB”; Buộc bị đơn dân sự là Công ty TNHH DHV GAS phải bồi thường toàn bộ thiệt hại và thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trong vụ án…
Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo Lò Văn Dương kháng cáo cho rằng mức hình phạt cao, đề nghị xét xử đúng với tội trạng và hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo; Bị đơn dân sự kháng cáo với các nội dung: Việc định giá 02 chiếc xe ô tô quá cao so với giá trị thực tế giá trị sửa chữa và chưa khách quan; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm có nhiều khoản chưa phù hợp với thực tế; Những người đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo đề nghị tăng mức bồi thường dân sự và thanh toán một lần khoản tiền trợ cấp nuôi con.
Trong giai đoạn phúc thẩm, bị đơn dân sự đã bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình những người bị hại. Những người đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo.
Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và kết quả kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với vụ án, VKSND tỉnh Yên Bái đã có thông báo rút kinh nghiệm về những vấn đề sau:
– Khi tiến hành định giá tài sản bị thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo Lò Văn Dương gây ra, Hội đồng định giá tài sản không thông báo để các bên đương sự tham dự phiên họp định giá tài sản.
– Tại biên bản định giá tài sản ngày 12/9/2016 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự xác định: Chiếc xe khách giường nằm TRANSINO biển kiểm soát 29B – 085.84 được đưa vào sử dụng năm 2010, nguyên giá ban đầu khá cao, xác định thiệt hại của xe khoảng 20%. Đối với chiếc xe TOYOTA INNOVA biển kiểm soát 17A – 359.95 đưa vào sử dụng năm 2006 đã hư hại rất nặng, không có khả năng khôi phục, xác định thiệt hại xe là 85% nhưng trong nội dung biên bản định giá tài sản không đề cập đến kết quả khảo sát giá trị của tài sản cần được định giá để làm cơ sở xác định giá trị của 2 chiếc xe ô tô trên tại thời điểm bị tai nạn là bao nhiêu.
Như vậy, việc giải quyết vụ án của cấp sơ thẩm đã vi phạm khoản 4 Điều 16; điểm d khoản 2 Điều 17 Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự và Điều 2 Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ. Những vi phạm nêu trên không những xâm phạm quyền khiếu nại của những người tham gia tố tụng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá chính xác mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra để làm cơ sở xem xét quyết định hình phạt đối với bị cáo Lò Văn Dương và xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án, vì vậy, cần phải định giá lại tài sản bị thiệt hại để đảm bảo tính khách quan của vụ án.
Xét thấy những nội dung vi phạm, thiếu sót nêu trên cấp phúc thẩm không thể khắc phục, bổ sung được nên đại diện VKSND tỉnh Yên Bái thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung, được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Sau phiên tòa, Phòng 7 VKS tỉnh đã xây dựng thông báo để các đơn vị nghiên cứu, học tập, rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ, đảm bảo cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự.
Phạm Thị Thu Hà – Phòng 7 VKS tỉnh Yên Bái